'Người vận chuyển' trên hành trình giao nhận xanh

Lịch trình làm việc của ông Henry Low - CEO của TikiNOW Smart Logistics, những ngày qua dày đặc những cuộc họp đánh giá một năm thực hiện chiến dịch chuỗi vận hành xanh mang tên “Go Green”. Vị CEO với kinh nghiệm hơn 40 năm trong ngành công nghệ quản lý hậu cần, giờ đây đang cùng các cộng sự theo đuổi mục tiêu thay thế hoàn toàn vật liệu đóng gói xốp, nylon bằng vật liệu dễ phân hủy và thân thiện với môi trường.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Tiki là một trong số ít doanh nghiệp tập trung đầu tư đều đặn mỗi năm để mở rộng quy mô chuỗi cung ứng. Học tập những tập đoàn thương mại điện tử lớn, hệ thống kho Tiki vận hành theo mô hình bán tự động.

Trước thời điểm tháng 9-2019, các trung tâm vận hành, đóng gói tại Tiki vẫn đang sử dụng chủ yếu các vật liệu xốp, túi khí, nylon cho việc đóng gói hàng hóa. Những vật liệu này cực kỳ ảnh hưởng đến môi trường và người tiêu dùng khi thời gian phân hủy lên đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng triệu năm.

Hơn nữa, sức khỏe của các nhân viên làm việc tại các kho hàng, đặc biệt là đội ngũ nhân viên phụ trách đóng gói hàng hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

“Tôi còn nhớ mỗi lần đến thăm các trung tâm vận hành, hình ảnh đọng lại nhiều nhất chính là bụi bay lơ lửng đầy trong không gian làm việc do hạt xốp gây ra. Với cường độ làm việc liên tục trong môi trường như thế, sức khỏe của nhân viên sẽ bị ảnh hưởng đến thế nào”, ông Henry Low chia sẻ. Đây cũng chính là trăn trở hằng đêm của vị lãnh đạo từng chinh chiến tại các đơn vị thương mại điện tử hàng đầu như Amazon và Coupang. 

Tất cả những trăn trở nói trên chính là động lực thôi thúc ông Henry Low cùng các cộng sự cần bắt tay ngay vào việc nghiên cứu và triển khai ngay dự án chuỗi cung ứng xanh mang tên “Go Green”.

Kể từ tháng tháng 9-2019, dự án "Go Green" được thực hiện dần dần tại các trung tâm vận hành trên toàn quốc của TikiNOW Smart Logistics (TNSL) với chiến lược hướng đến xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh cho người lao động, phát triển chuỗi cung ứng bền vững trong dài hạn, và thể hiện rõ trách nhiệm với cộng đồng thông qua hành động thiết thực của công ty.

Tuy nhiên, khi bắt đầu bất kỳ một chiến dịch mới mẻ nào cũng đều gặp phải những thử thách nhất định, bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan.

Đầu tiên, ngành thương mại điện tử (TMĐT) dù đã có mặt tại Việt Nam trong một khoảng thời gian không còn ngắn, nhưng các yếu tố về cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm vận hành vẫn còn nhiều điểm hạn chế, đặc biệt là trong quy trình vận hành có áp dụng các vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường.

Chính vì vậy, TNSL đã nghiên cứu và học hỏi quy trình, cách thức thực hiện của các công ty lớn trên thế giới, đồng thời thử nghiệm, theo dõi thực tế tại Việt Nam để có những sự điều chỉnh phù hợp.

Điểm thứ hai, chính là nguồn cung các vật liệu đóng gói theo tiêu chuẩn xanh tại Việt Nam chưa thực sự phổ biến và đa dạng. Chính vì vậy đội ngũ đã cần tìm kiếm các nguồn cung khác nhau để đảm bảo đáp ứng vật liệu xuyên suốt cho toàn chuỗi vận hành xanh.

“Bên cạnh đó, các bên chưa thực sự nhận thức sâu sắc về vấn đề môi trường, đặc biệt đội ngũ nhân viên đóng gói tại các trung tâm vận hành. Thế nên chúng tôi cần nghiên cứu cách thức đóng gói nhanh chóng và dễ dàng cũng như áp dụng các dụng cụ mới để phù hợp với vật liệu đóng gói xanh”, ông Henry Low nói.

Điều này giúp hiệu suất làm việc của đội ngũ không bị ảnh hưởng, mà vẫn đảm bảo chiến dịch được thực thi thành công.

Theo chia sẻ từ một số nhân viên TNSL, vào thời gian đó họ thường xuyên được tham gia những cuộc thi nội bộ liên quan đến việc đóng gói hàng hóa bằng vật liệu thân thiện với môi trường. Những hoạt động nghiệp vụ này vừa mang tính khích lệ, cổ vũ về mặt tinh thần, vừa giúp cải thiện thói quen nghề nghiệp.

Một thách thức lớn nữa mà chiến dịch từng đối mặt chính là chi phí của vật liệu đóng gói theo tiêu chuẩn xanh cao hơn so với những vật liệu đóng gói trước đây (nylon, túi khí, xốp). Bằng cách nghiên cứu và nâng cấp phương pháp đóng gói và áp dụng công nghệ, TNSL đã có thể cắt giảm chi phí.

TNSL tiến hành thay thế các vật liệu đóng gói nhựa khó phân hủy bằng các vật liệu thân thiện với môi trường, có thời gian phân hủy được rút ngắn hơn gấp nhiều lần.

Cụ thể, nếu trước đây để bảo vệ các hàng hóa dễ vỡ, vật liệu được sử dụng phổ biến nhất chính là xốp bong bóng khí. Tuy nhiên, thời gian phân hủy của vật liệu này lên đến hàng chục, thậm chí là 100 năm. Vì vậy, sau thời gian nghiên cứu, TNSL đã đưa vào sử dụng vật liệu đóng gói thay thế, đó chính là giấy carton có thời gian phân hủy rút ngắn chỉ còn 2 tháng.

Bên cạnh đó, các loại mút xốp giúp cố định vị trí sản phẩm trong thùng hàng (thường mất đến 1 triệu năm để phân hủy) cũng được thay thế bằng giấy sọc dày. Các loại hàng hóa cồng kềnh sẽ được bao bọc thêm bởi từ 2 đến 3 lớp giấy bảo vệ giúp hạn chế tình trạng va đập trong quá trình vận chuyển.

Ngoài thay thế vật liệu đóng gói, cắt giảm cũng là phương pháp hữu hiệu trong chiến dịch chuỗi vận hành xanh tại TNSL.

Trước đây, có đến 16 loại thùng hàng với nhiều kích cỡ khác nhau tại kho Tiki, nhưng các kích cỡ này hoàn toàn không tương thích với kích cỡ thật của sản phẩm cần đóng gói. Kết quả là sản phẩm thường được đóng gói trong những thùng hàng có kích cỡ lớn hơn rất nhiều, từ đó cũng đòi hỏi thêm một lượng vật liệu khác như mút xốp hay ni lông để cố định sản phẩm trong quá trình vận chuyển.

“Không chỉ tổng lượng vật liệu đóng gói cho một sản phẩm hoặc một đơn hàng tăng lên nhiều lần, mà còn dẫn đến lượng thể tích dư thừa trong vận chuyển. Điều này vừa không thân thiện với môi trường vừa không hiệu quả trong vận hành”, ông Henry Low cho biết.

Chính vì vậy, kể từ khi chiến dịch “Go Green” được phát động, TNSL đã thực hiện tối ưu hóa các kích thước thùng hàng tại kho. Cụ thể, tất cả sản phẩm trước khi nhập kho sẽ được đo đạc và lưu trữ thông tin về kích thước bằng máy Cubiscan.

Khi cần đóng gói, nhân viên tại kho chỉ cần scan (quét) mã của sản phẩm hoặc tất cả các sản phẩm trong cùng một đơn hàng, hệ thống sẽ tự động đề xuất loại thùng hàng có kích cỡ trùng khớp nhất. Điều này không chỉ giúp rút ngắn thời gian đóng gói mà còn giúp tiết kiệm một phần lớn các vật liệu chèn chặn khác. Đồng thời, kích thước và trọng lượng vận chuyển cũng được tối ưu hơn rất nhiều.

Đến nay, số loại thùng hàng tại kho TNSL được cắt giảm chỉ còn 9 loại nhưng giúp tăng cường mức độ hiệu quả trong vận hành.

Kết quả là với sự sự nỗ lực cao trong toàn tập thể, sau khi dự án đi vào hoạt động, 85% vật liệu đóng gói tại Tiki là vật liệu thân thiện với môi trường, đồng thời tỷ lệ vật liệu đóng gói được sử dụng cũng giảm xuống một nửa, từ đó giúp cắt giảm 50% chi phí so với trước đây.

Và TNSL không dừng ở đây. Mục tiêu của công ty là thay thế hoàn toàn vật liệu đóng gói nilon bằng vật liệu dễ phân hủy và thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, thách thức hiện tại thị trường nguồn cung không có nhiều lựa chọn và giải pháp. Vì vậy, công ty sẽ nghĩ đến phương án kết hợp với các đề án nghiên cứu vật liệu đóng gói để cùng hỗ trợ và phát triển, như vậy không chỉ Tiki có thể đạt mục tiêu phát triển bền vững mà còn giúp nhiều công ty cùng tầm nhìn giống Tiki và giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) có những dự án phát triển mang tính dài hạn.

Năm đầu tiên vừa qua, chiến dịch đã đối mặt với không ít thử thách và những năm tiếp theo sẽ còn thử thách hơn nữa khi Tiki muốn tăng tỷ lệ vật liệu xanh nhiều hơn 85% như hiện tại mà không làm tăng chi phí. Để thực hiện điều này, TNSL sẽ áp dụng tồn kho ở mức tối thiểu, vừa phải để vừa đảm bảo hoạt động được thông suốt, vừa đảm bảo về chi phí lưu kho và chi phí vận chuyển vật liệu. Đồng thời, công ty cũng mở rộng nghiên cứu tìm kiếm thêm nguồn cung vật liệu đóng gói xanh, cũng như tìm ra phương pháp đóng gói mới, áp dụng công nghệ vào trong đóng gói.

Bên cạnh đó, ngoài kỳ vọng tiếp tục nâng cao tỷ lệ vật liệu xanh trong đóng gói tại Tiki cao hơn 85% mức hiện tại, công ty cũng mong muốn chiến dịch này sẽ là nguồn cảm hứng và động lực to lớn để khách Hàng, đối tác, thậm chí là toàn bộ nhân viên tại Tiki cùng hướng tới hành động vì hành tinh xanh.

Và để làm được điều này, công tác đào tạo nhân sự cũng là yếu tố trọng điểm. Nhân sự tại toàn bộ hệ thống của TNSL vẫn sẽ liên tục được trang bị các kiến thức liên quan đến việc hạn chế lượng rác thải nhựa ra môi trường và một số kỹ năng thực hành theo quy chuẩn đóng gói mới.

“Chúng tôi không thực hiện dự án này chỉ vì chạy theo một xu hướng nhất thời, mà dự án này nằm trong chiến lược xây dựng và phát triển một chuỗi cung ứng bền vững và có trách nhiệm của TNSL trong dài hạn”, ông Henry Low nhấn mạnh trước khi kết thúc câu chuyện.

Ông Henry Low lấy bằng MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) tại trường Đại học Strathclyde (Vương quốc Anh) và bằng Cử nhân khoa học tại trường Đại học Embry-Riddle Aeronautical (Mỹ).

Từ năm 1984 đến 1999, ông làm việc trong lĩnh vực dịch vụ cơ khí tại Singapore và Mỹ.

Trong hơn 2 năm tiếp theo, ông làm cho GE Engine Services – Japan, một công ty dịch vụ cơ khí trong lĩnh vực hàng không, và làm Tổng giám đốc của GPC, thuộc GE Healthcare, từ 2000 đến 2004.

Từ 2004 đến 2017, ông làm việc trong các vai trò quản lý khác nhau tại Solectron Technology/Flextronics, Amazon.com, ALOG Technology Logistics và Coupang.com.

Trước khi tiếp quản vị trí CEO tại TikiNow Smart Logistics, ông Henry Low giữ chức Tổng giám đốc chuỗi cung ứng của Mamenta.

Mamenta là một nền tảng thương mại toàn cầu, tạo sân chơi các thương hiệu và nhà bán lẻ từ mọi châu lục mở rộng ra quốc tế. Mamenta sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa các khâu hoạt động của thương mại toàn cầu, cho phép các thương hiệu và nhà bán lẻ bán hàng hóa tiếp xúc trực tiếp người tiêu dùng tại các trung tâm thương mại trên toàn thế giới.

Link gốc


  • 08/09/2020 10:31
  • Nguồn: thesaigontimes.vn
  • 1112