Nếu bạn đặt câu hỏi tới những người đã thành công cho dù ở bất kỳ lĩnh vực nào “Yếu tố nào giúp bạn thành công?’, thì đa số sẽ nhận được câu trả lời ‘Một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp tôi thành công đó là tính kiên trì’.
Kiên trì giúp bạn tập trung năng lượng và nguồn lực của cá nhân cũng như tổ chức vào mục tiêu đã đặt ra, cố gắng vượt qua mọi thử thách trong quá trình cũng như trên hành trình đến đích.
Những thử thách dọc đường ấy như con rối làm tiêu hao năng lượng, ý chí và dễ đánh lạc hướng người đi giống như các cô yêu tinh xinh đẹp dụ dỗ Đường Tam Tạng vậy! Do đó kiên trì là chìa khóa của thành công thì không có gì phải tranh cãi.
Nhưng khi đã thành công thì tính kiên trì cũng có thể là nguyên nhân cho sụp đổ. Kiên trì lúc này trở thành “thành trì” ngăn cản tính thích nghi với sự thay đổi của thế giới xung quanh.
Tập trung quá vào một quy trình sẽ trở nên "mù" trước những biến đổi
Sau một thời gian phấn đấu, cá nhân hay tổ chức (khởi nghiệp hay công ty) xây dựng chiến lược, quy trình, phương pháp và hệ thống giúp tổ chức thành công. Những điều này hình thành văn hóa của tổ chức và tư duy mặc định cho cấp lãnh đạo được thể hiện qua những nhận định ‘Đó là cách/điều giúp chúng ta thành công….’ để bác bỏ những ý tưởng thay đổi hay gạt bỏ những nguy cơ. Nói một cách khác ‘ngủ quên trên chiến thắng’.
Khi chúng ta tập trung quá vào một quy trình thì sẽ không còn khả năng thấy các thay đổi xung quanh. Thí nghiệm khoa học cho người tham gia coi đoạn phim một số người chơi dồi banh (đập bóng) trước một thang máy.
Trò chơi này yêu cầu người xem phải đếm người chơi dồi banh mấy lần. Trong khi dồi banh thì thang máy mở ra và có người bận bộ đồ như con gấu đen bước ra đi một vòng rồi vào thang máy.
Kết quả sau cuộc chơi, người làm thí nghiệm hỏi người xem có thấy gì khác lạ không. Đa số không thấy gì khác lạ! Đây là một điểm mù mà não bộ con người không có khả năng nhận thức và cũng là nguyên tắc cho các màn ảo thuật.
Thêm vào đó tâm lý thiên vị xác định (confirmation bias) nghe điều ta muốn nghe, thấy điều ta muốn thấy và tin điều ta muốn tin cộng với tâm lý thiên vị tự phụ (ta lúc nào cũng giỏi hơn trung bình, tổ chức ta lúc nào cũng làm tốt hơn đối thủ cạnh tranh, thành công thì phần lớn nhờ tôi, thất bại thì tại với bị…) sẽ làm cho cấp lãnh đạo trở nên ‘mù’ trước những biến đổi trong môi trường hoạt động hay kinh doanh có nguy cơ đến sự tồn tại của tổ chức.
Chính những cái ‘mù’ này đã làm sụp đổ biết bao nhiêu công ty lớn trên thế giới tuy nhiên bài học này sẽ còn lặp lại thường xuyên và sẽ không chấm dứt!
Những bài học mà ai cũng biết nhưng chỉ ngộ ra ở những hơi thở cuối cùng
Kodak là một bài học tiêu biểu nhất. Kodak thống lĩnh thị trường film máy ảnh trên thế giới. Khi một nhóm kỹ sư của công ty phát minh ra công nghệ ảnh số thì giới lãnh đạo bảo ‘nếu không có film thì làm sao bán’ vì đối với họ film là cơm, máy ảnh là mồi thôi.
Thế là họ gạt bỏ phát minh này và tiếp tục phát triển film. Kodak chết bởi chính phát minh của mình! Trong khi đó Fujifilm là công ty lớn thứ hai trên thị trường film cho máy ảnh nhìn thấy được nguy cơ đã dũng cảm thay đổi mô hình kinh doanh và nhờ vậy Fujifilm vẫn còn tồn tại.
Blockbuster là bài học gần đây nhất. Blockbuster thường tự hào ở mỗi góc phố trên nước Mỹ có một tiệm cho mướn phim DVD. Khách hàng chính của Blockbuster là những Soccer Moms (những bà mẹ có con trẻ). Thay vì chở con và bạn con đi coi phim thì mua vài cái Pizza lớn rồi ghé Blockbuster mướn 1-2 phim mới ra thế là các con có một buổi tiệc cuối tuần vui vẻ.
Khi Netflix ra đời thì Blockbuster cho rằng không có gì phải lo vì khách hàng của Netflix là số nhỏ sinh viên trẻ tuổi thích những phim xưa nên không đụng hàng, mặc dù họ biết công nghệ stream video đã có nhưng nó đi ngược lại với mô hình kinh doanh của họ và do đó họ gạt bỏ tất cả những nguy cơ.
Đến khi họ nhận thức được có nguy cơ thì nó đã quá trễ. Ít ra họ biết vì sao họ chết. Thật ra công ty Redbox cho mướn DVD ở những kiosk đặt ở các siêu thị như ‘put a nail in the coffin’ cho Blockbuster (viên đạn kết liễu cho người sắp chết).
Đây là hai bài học tại sao kiên trì lại là nguyên nhân cho sụp đổ. Bài học này sẽ còn lặp lại thường xuyên. Bạn có thể hỏi ‘Tại sao các lãnh đạo tổ chức không học bài học của những người đi trước?’ Thật sự họ biết cả và ai làm kinh doanh cũng biết cả. Hầu như tất cả các sinh viên học business đều phải học những case-study này. Chỉ có điều là họ không thấy nó áp dụng trong trường hợp của mình đến khi họ (tổ chức) "ngáp" hơi thở cuối cùng.
Link gốc