Sẻ chia với cộng đồng: Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp Nhật Bản

Với những tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản, chia sẻ với cộng đồng được đặt vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Đây cũng là kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển.

Doanh nghiệp tạo tác động đến xã hội

Theo các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, các công ty, doanh nghiệp (DN) chỉ có thể phát triển bền vững và trở nên nổi tiếng khi hoàn thành được ba trọng trách lớn là, hiệu quả kinh doanh, tuân thủ luật pháp và trách nhiệm xã hội. Trong đó, doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội được coi là xu thế kinh doanh bền vững ở Nhật Bản. Điển hình cho việc xây dựng mô hình này là Tập đoàn Hitachi AIC. Doanh nghiệp này coi việc chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng là một cam kết trong chiến lược phát triển bền vững của mình, được thực thi bằng các hoạt động hỗ trợ giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu như vấn đề môi trường, chống nghèo đói, bình đẳng giới trong giáo dục... Cụ thể, năm 2012, Hitachi mua các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường thông qua chính sách "Mua xanh". Từ năm 2013, đã có 92% sản phẩm đầu vào cho khối văn phòng của Tập đoàn là các sản phẩm được chứng nhận về bảo vệ môi trường, thông qua hệ thống mua sắm điện tử "The E-Sourcing Mall"...

Tập đoàn Toyota nổi tiếng thế giới có triết lý thành công gắn liền với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Toyota chỉ tập trung vào ba yếu tố quan trọng là môi trường, giáo dục và phát triển nông thôn. Toyota sẵn sàng đầu tư, khích lệ các ý tưởng vì cộng đồng, khuyến khích mọi người quan tâm, đưa ra giải pháp cho những vấn đề đặc thù và có tính cấp bách tại địa phương mình đang sống. Tập đoàn cũng thành lập Quỹ và cam kết tài trợ để những ý tưởng tốt nhất được đi vào hiện thực, với mong muốn hành động nhỏ của mỗi cá nhân sẽ mang lại thay đổi lớn cho cả cộng đồng.

“Chúng tôi sẵn sàng tài trợ cho những ý tưởng tuy nhỏ, nhưng có sức ảnh hưởng và lan tỏa lớn, góp phần xây dựng và cải thiện môi trường sống do các dự án mang lại. Tôi tin rằng, khi mọi cá nhân trong cộng đồng được truyền cảm hứng để hành động ngay ngày hôm nay, xã hội sẽ chứng kiến rất nhiều thay đổi tích cực trong tương lai gần” - Chủ tịch Tập đoàn Toyota - Toyoda Akio cho biết và chia sẻ thêm: “Đương nhiên, DN không phải là tổ chức từ thiện, nhưng khi bạn có một chiến lược kinh doanh vừa phát triển công ty và phát triển xã hội chính là một định hướng trong tương lai. Đó là sự chuyển đổi đang diễn ra trên thế giới và những người trẻ tuổi sẽ chỉ muốn làm việc trong một công ty có đóng góp tốt cho xã hội".

Bên cạnh chiến lược kinh doanh của các Tập đoàn lớn, những DN nhỏ và vừa tại Nhật Bản do nguồn tài chính còn hạn hẹp nên đã liên kết với nhau, cùng tham gia vào những chương trình hỗ trợ dài hạn và có chiến lược cụ thể phục vụ cộng đồng. 

Kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam

Từ thực tiễn của Nhật Bản, có thể thấy, các DN Việt Nam cần đưa trách nhiệm xã hội với cộng đồng vào chiến lược phát triển trọng tâm, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về trách nhiệm với cộng đồng một cách mạnh mẽ hơn, không nên bó hẹp trong giới doanh nhân, DN, phải hướng tới cộng đồng dân cư và địa phương. Bên cạnh đó, việc sẻ chia với cộng đồng phụ thuộc nhiều vào ý chí và lợi ích của DN, trực tiếp là tư duy của người đứng đầu. Thậm chí, tư duy của người đứng đầu cũng quyết định “bản chất” của những hoạt động vì cộng đồng của DN.

Hầu hết các DN khi được hỏi đều cho rằng, sẻ chia với cộng đồng có nghĩa là làm từ thiện. Điều này tuy đúng, nhưng vẫn chưa đủ. Hiện nay, các dự án doanh nghiệp vì cộng đồng sẽ mang lại hiệu quả tích cực và ảnh hưởng lan toả mạnh mẽ nhất khi được thực hiện bởi chính những cá nhân, tổ chức xã hội tại địa phương. Thay vì biếu tặng những phần quà mang tính hiếu hỷ nhất thời, DN có thể tham gia hỗ trợ, tài trợ, người dân tự thực hiện các dự án có ích cho cộng đồng tại nơi đang sống. Những dự án này nếu thành công sẽ mang đến lợi ích lâu dài và bền vững, chắc chắn sẽ thành công hơn so với công sức mà DN đã bỏ ra để đầu tư cho trách nhiệm xã hội.

Giáo dục, sức khỏe và môi trường là ba vấn đề rất quan trọng mà các quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần phải chú trọng, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế. Chúng ta đang đặt mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế một cách bền vững, có nghĩa là tăng trưởng kinh tế phải đồng bộ với tiến bộ và phát triển xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên cơ sở vẫn đảm bảo được cân bằng sinh thái, môi trường. Bằng cách tập trung hỗ trợ vốn cho các dự án xã hội sẽ góp phần giải quyết một cách bài bản những vấn đề nêu trên. Hy vọng, các DN Việt sẽ chung tay, góp sức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững kinh tế của đất nước. 

Các DN Nhật Bản đều là đối tác của Hội Chữ thập đỏ tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thông qua tổ chức này, các DN hiểu được nhu cầu thật sự của cộng đồng, từ đó đề ra các phương án hỗ trợ hiệu quả và kịp thời .


  • 05/05/2020 03:21
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3457