“Bí quyết” thành công của Google

Trong khi những người anh em công nghệ cùng thời trải qua chuỗi thăng trầm, thì Google không ngừng lớn mạnh. Công ty mẹ Alphabet của Google vừa chính thức gia nhập “câu lạc bộ vốn hóa 1 ngàn tỷ USD”, giúp Alphabet trở thành 1 trong 4 doanh nghiệp lớn nhất Phố Wall.

Kinh doanh đa ngành

Thực ra bên trong Google có những cuộc “thay máu” mạnh mẽ, đầu tiên họ chuyển mình thành tập đoàn kinh doanh đa ngành nghề, thay vì chỉ tập trung vào một lĩnh vực có thế mạnh như nhiều doanh nghiệp khác.

Khi hệ điều hành trở thành “linh hồn” của các thiết bị thông minh cầm tay thì Google mau chóng sở hữu Android - nền tảng của hầu hết các thiết bị di động.

Google trở nên quyền lực khi Tổng thống Mỹ dùng Android để mặc cả với Huawei trong cuộc chiến tranh thương mại, rằng Huawei không “dễ bảo” thì Mỹ sẽ cấm cửa hệ điều hành này với Huawei.

Bước ngoặt tiếp theo là các nhà chiến lược tại Google quyết định mua lại nền tảng xem video Youtube, ngày nay không một đối thủ nào có thể vượt qua nổi Youtube.

Điều đặc biệt ở chỗ, chính sách “trả thù lao” từ Youtube giúp Google không chiến vẫn thắng, bởi họ có hàng triệu Youtuber sẵn sàng bất chấp luật pháp, đạo đức để thu hút người xem, kiếm tiền.

Từ khi tái cấu trúc vào năm 2015, Google còn tham gia phát triển xe tự hành, xây dựng thành phố thông minh và “lấn sân” sang cả lĩnh vực y học.

Bài học về sự thay đổi

Ngày nay, các doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải xây dựng riêng cho mình một “hệ sinh thái”, không chỉ đa ngành nghề mà đa dạng về mặt con người, quan điểm, đặc trưng văn hóa.

Sau khi tái cấu trúc, Google quản lý Google Search, Maps, YouTube, Android và quảng cáo. Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác như Nest, Fiber, Google Capital, Google X… được tách ra như những công ty con dưới sự quản lý của Alphabet. Đa nhiệm nhưng không ôm đồm, đó là đỉnh cao của khoa học tổ chức quản lý khi sự phân công lao động gần như hoàn hảo ở Google.

Khi các đối thủ chết dần chết mòn vì chỉ “đơn nhiệm” tập trung sản xuất kinh doanh một hoặc một vài mặt hàng thì Google, Facebook, Microsoft không ngừng mở rộng ra các lĩnh vực mà họ chưa hề có kinh nghiệm. Song những thứ đó lại đi đầu xu hướng, thành phố thông minh và xe tự hành là những ví dụ điển hình.

Jonathan Rosenberg, trong cuốn sách “How Google works” đưa quan điểm: “Điều cần quan tâm là bạn đang sống trong một thế giới năng động, với điều kiện và môi trường thay đổi nhanh tới mức chóng mặt. Những thứ như kinh nghiệm hay cách thức chúng ta làm việc sẽ không quan trọng bằng khả năng tư duy...”.
Để thành công trong kỷ nguyên số, các doanh nghiệp phải lôi cuốn được các nhân viên “sáng tạo thông minh” và tạo ra môi trường thuận lợi.

Link gốc


  • 19/02/2020 02:06
  • Nguồn: enternews.vn
  • 1856