Nhận diện quấy rối tình dục nơi công sở

Quấy rối tình dục công sở là vấn đề hết sức nhạy cảm, làm ảnh hưởng đến tinh thần, hiệu quả làm việc của người lao động. Những hành vi nào được coi là quấy rối tình dục?

Khái niệm quấy rối tình dục chưa được đề cập một cách rõ ràng trong Bộ Luật Lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, theo “Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục trong nơi làm việc ở Việt Nam” do Bộ LĐTB-XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng biên soạn, quấy rối tình dục là “hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý, làm xúc phạm đối với người nhận”.

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình, phụ nữ - vị thành niên, quấy rối tình dục được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Bằng ngôn ngữ

Tại nơi công cộng, trong những văn phòng, trên các bàn ăn, uống, những câu chuyện vui, đùa tục tĩu, nhạy cảm vẫn được coi là bình thường, được chia sẻ một cách tự nhiên, ngay cả khi những “chuyện đùa” ấy đi quá giới hạn, gây khó chịu hoặc xúc phạm tới người khác. Tuy nhiên, thực tế, những nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, đạo đức, văn hóa và không được mong muốn của người đối diện liên quan đến chủ đề tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét về cơ thể, trang phục của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ cũng được xem là quấy rối tình dục bằng lời nói.

Ngay cả ở những quốc gia văn minh, rất nhiều người phải chịu đựng những hành vi quấy rối bằng ngôn ngữ. Đầu năm 2019, tờ New York Times của Mỹ đã đưa tin về vụ quấy rối tình dục liên quan đến ông Gordon Edelstein, 63 tuổi, Giám đốc Nghệ thuật Nhà hát kịch Long Wharf (New Haven, Hoa Kỳ). Qua cuộc phỏng vấn 24 nhân viên, diễn viên và cộng sự làm việc tại Long Wharf, Edelstein bị tố cáo đã liên tục có những nhận xét khiếm nhã, tục tĩu về ngoại hình và những bộ phận tế nhị của phụ nữ ở nơi làm việc.

Bằng hành vi phi ngôn ngữ

Loại quấy rối tình dục này gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, làm cho đối phương thấy khó chịu, bị xúc phạm... Hình thức này còn bao gồm việc phô bày tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, đồ vật, liên quan tới tình dục. Anh N.S.P, ở Cần Thơ đã từng chia sẻ câu chuyện của mình: “Vì công việc, nên tôi hay đi công tác chung với một cô bạn đồng nghiệp. Do thân tình, tôi và S (tên cô đồng nghiệp) hay nói chuyện, đi đâu cũng ngồi gần, hay nhắn tin chia sẻ công việc, cuộc sống. Lâu dần, tại các buổi tiệc S có những ánh mắt khác lạ khi nhìn tôi, thậm chí có khi nhìn chằm chằm vào những phần nhạy cảm trên cơ thể tôi hay gửi cho tôi những hình ảnh kích dục, những hình vẽ tục tĩu. Do không chịu được kiểu quấy rối tình dục thiếu văn hóa như vậy, tôi đã chủ động chuyển công tác và cắt đứt quan hệ với S.

Dạng quấy rối tình dục phi ngôn ngữ có thể gây tổn hại, thậm chí ám ảnh về mặt tinh thần đến đối tượng bị quấy rối. Cho đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh hành vi quấy rối tình dục phi ngôn ngữ tại nơi làm việc. Ví dụ, nếu chỉ nhìn người khác giới bằng mắt “khác lạ” thì có thể coi đó là biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục được không? Hay trong môi trường làm việc khép kín hiện nay, làm sao để người bị quấy rối tình dục có thể chứng minh mình là nạn nhân của quấy rối tình dục bằng hành vi phi ngôn ngữ.

Bằng hành vi

Những hành động mang tính sàm sỡ như, tiếp xúc, cố tình đụng chạm không mong muốn như: Sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hôn, hoặc tấn công tình dục... đều được coi là hành vi dễ nhận biết nhất của quấy rối tình dục. Loại quấy rối này biểu hiện khi đồng nghiệp đứng quá gần và xâm phạm không gian riêng tư của bạn. Họ có thể đặt tay lên người bạn hay sàm sỡ lưng bạn khi đang ngồi. Thậm chí còn ôm hay hôn bạn khi bạn không chú ý hoặc không mong muốn. Dấu hiệu quấy rối tình dục này thậm chí còn có thể tiến triển thành hành động công kích và cưỡng hiếp.

Ngoài các dấu hiệu trên, đồng nghiệp còn có thể quấy rối bạn bằng một số cách khác như, để lại các ghi chú gợi dục trên bàn làm việc, gửi cho bạn những món quà mang tính chất khêu gợi... Bạn nên đề phòng mỗi khi gặp mặt và tránh ở trong hoàn cảnh chỉ có hai người. Nếu hành động quấy rối ngày càng lộ liễu, bạn có thể cân nhắc quyết định báo cáo cấp trên, có biện pháp xử lý phù hợp.

Tại Việt Nam:

-  Nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam phần lớn là nữ giới (78,2%) và vì các yếu tố văn hóa, nỗi sợ bị mất việc dẫn đến nhiều nạn nhân không dám trình báo sự việc.

- Chưa có trường hợp quấy rối tình dục nào nơi làm việc bị xử phạt nặng hoặc bị đưa ra tòa như nhiều nước khác.

(Theo báo cáo nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện với sự giúp đỡ của Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO năm 2018)


  • 16/07/2019 03:05
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 7654