Thành Cổ Loa, Hà Nội
|
Khi khai quật Thành Ngoại, các nhà khoa học phát hiện nhiều di vật như 300 mảnh ngói, đồ đá, 70 mảnh gốm tráng men, 95 mảnh đồ sành. Riêng di vật gốm tráng men thời Lê Trung Hưng chiếm 87,1%.
Cùng với nguồn sử liệu thành văn kết hợp với dữ liệu hiện vật khảo cổ học thu được từ lần khai quật lũy, hào Thành Trung năm 2007 - 2008 và khai quật Thành Ngoại gần đây, bước đầu góp phần làm sáng tỏ về lũy, hào của cư dân giai đoạn Đông Sơn (muộn) ở Cổ Loa, giai đoạn đắp thành thời An Dương Vương và các lần đắp thêm ở hai vòng Thành Trung, Thành Ngoại vào giai đoạn lịch sử cụ thể. Một trong những lần đó thuộc thời Lê.
Các đơn vị chức năng đã tiến hành mở một hố khai quật có diện tích 72m2 ở dải đất cao của Thành Ngoại, trong khu vực gần gò Đống Dân. Căn cứ vào sự riêng biệt của các lớp đất, bước đầu các nhà khoa học đưa ra nhận định bốn giai đoạn đắp thành lũy và hai giai đoạn đắp thêm thành như sau:
Giai đoạn một, đắp nền đất và được để một thời gian khá dài. Giai đoạn hai, đắp đất về cả hai phía Bắc - Nam rộng 14,18m, cao 114cm so với mặt nền đất. Giai đoạn ba, đắp đất từ một phần ở đỉnh của giai đoạn đắp thành lần thứ hai về phía Bắc rộng 13,46m, cao 60cm so với đỉnh giai đoạn hai. Trong giai đoạn này khi đắp có lẫn mảnh ngói Cổ Loa ở rìa ngoài chân thành về phía Bắc. Giai đoạn bốn, đắp lớp đất từ một phần giai đoạn ba về phía Nam rộng 11,08m, cao 25cm so với đỉnh giai đoạn ba. Gần phần chân của giai đoạn này về phía Nam có lẫn một số mảnh ngói Cổ Loa.
Kết quả khai quật cũng cho thấy, đắp thêm thành lũy lần thứ nhất mà cụ thể đắp đất phủ lên giai đoạn ba về phía Bắc và giai đoạn bốn về phía Nam. Trong giai đoạn tu sửa này được gia cố nhiều đá và ngói Cổ Loa ở chân thành về phía Nam. Đắp thêm thành lũy lần thứ hai đắp thêm cả hai phía Bắc và Nam. Diện tích lần gia cố này như thành hiện tại, rộng 26m, cao 250cm so với mặt nền đất.