Những chuyện thú vị về bữa trưa nơi công sở

Nhà xa, giờ nghỉ trưa ngắn, hầu như dân công sở hiện nay đều ở lại cơ quan ăn cơm trưa. Có khá nhiều chuyện thú vị xung quanh "bữa trưa công sở".

Ăn chung, ăn riêng

Hà, nhân viên hành chính mới đi làm được 1 tuần vô cùng hoang mang không biết phải giải quyết bữa trưa của mình thế nào.

Sau 1 tuần dò la thói quen ăn cơm trưa ở chỗ làm, Hà không biết phải theo "phe" nào. Một vài anh chị mang cơm đến văn phòng ăn. Nhưng làm như thế thì lại tách biệt với cộng đồng quá. Suốt trong giờ làm đã chỗ ai người ấy ngồi, việc ai người ấy làm. Đến giờ ăn trưa cũng lầm lì ngồi 1 chỗ, ăn 1 mình thế thì biết đến đời nào Hà mới làm thân được với đồng nghiệp.

Những người còn lại trong công ty chia nhóm ra để cùng đi ăn bên ngoài. Ngặt nỗi các anh chị phòng Hà toàn đi quán “sang chảnh”, tiền ăn 50 nghìn đồng/bữa. Có khi nổi hứng lên, mọi người còn rủ nhau đi taxi đến hàng lẩu băng chuyền, sushi Nhật. Mà tần suất nổi hứng rất dày. Tuần đầu tiên đi làm, Hà đã đếm được có 3 bữa trưa "bỗng dưng" nổi hứng như vậy.

Nhẩm tính sơ sơ, nếu "đu dây" theo hội "sang chảnh", Hà mất khoảng 2 triệu cho việc ăn trưa mỗi tháng. Lương nhân viên thử việc 4 triệu, một nửa đi tong vào vào ăn trưa, Hà không biết mình sẽ xoay xở kiểu gì cho đủ.

(Ảnh minh họa)

Hà đã thử cách cố theo đuôi khi nhóm "sang chảnh" ăn “cơm bình dân” 50 nghìn đồng/suất, còn hôm nào nhóm đó nổi hứng thì từ chối cho tiết kiệm. Nhưng sau 2 lần “xin phép” không đi theo, Hà đã nghe có tiếng xì xào là ki bo. Mấy anh chị cùng phòng cũng lảng đi, không rủ Hà đi ăn cùng như mọi khi nữa. Hà méo mặt khi thấy mình sắp bị tẩy chay vì tiết kiệm trong bữa trưa nơi công sở.

Lén lút ăn cơm

Công ty của Trang cấm tiệt nhân viên mang đồ ăn đến công sở. Sếp lấy lý do là muốn cơ quan trở nên văn minh, chuyên nghiệp.

Không được mang đồ ăn vào chỗ làm đồng nghĩa với việc đem cơm nhà đi ăn trưa cũng bị cấm tiệt, theo lý giải của sếp là tránh cho văn phòng toàn mùi thức ăn. Điều này khiến những nhân viên có tính sạch sẽ, tiết kiệm như Trang lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Nhà xa, chạy về rồi quay lại công ty thì hết luôn giờ nghỉ, chẳng kịp ăn uống. Ăn ngoài thì Trang không thích. Tin thực phẩm giả, thực phẩm bẩn đầy rẫy trên báo, không tin tưởng được mấy quán bên ngoài. Trang quyết định lén mang đồ từ nhà đi ăn cho đảm bảo.

Buổi sáng, Trang phải lèn cơm, rau, thịt cá vào cái hộp bé tí tẹo cho vừa vào túi xách để mang đi mà không bị phát hiện. Sau đó thì bọc mấy lượt túi ni lông xung quanh cho mùi thức ăn khỏi bay ra. Trong giờ làm, lúc nào cô nàng cũng nơm nớp lo sợ bị "bắt hộp cơm”. Nhất là những khi sếp tới gần, hít hít cái mũi, tim Trang như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

Đến giờ trưa, chờ mọi người đi ăn hết, Trang mới lén lút xách túi ra lối thoát hiểm ngồi ăn vội vội vàng vàng, nhìn trước ngó sau. Hoặc hôm nào cảm thấy tình hình nguy hiểm, cô nàng còn phải bê cơm ra ghế đá công viên gần đó ngồi giải quyết. Lúc ăn cũng chẳng được yên, cứ phải nhai nhanh nuốt vội. Ăn xong lại một công đoạn đóng hộp, bọc ni lông chặt chẽ cho khỏi mùi rồi mới lóc cóc quay lại công ty.

Chẳng biết ăn như vậy đảm bảo ở chỗ nào. Chỉ biết sau một thời gian ăn nhanh nuốt vội, ăn xong lại chạy như ngựa vía, Trang phải đi khám vì cái dạ dày ngâm ngẩm đau của mình.

Góp gạo thổi cơm chung

Công ty truyền thông Z lại có một cách rất hay để vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh mà lại gắn kết thêm được tình cảm giữa các nhân viên trong công ty. Đó là ăn bữa trưa công sở kiểu “buffet góp”.

Mỗi người phụ trách nấu một món mang đến công ty để góp vào bữa “buffet chung”. Người mang thịt, người mang cá, người mang tôm, người nấu canh, người mang hoa quả… Giờ cơm trưa, mọi người quây quần lại , bày tất cả các món ăn trên bàn, cùng nhau thưởng thức “bữa tiệc”. Nếu món nào còn thừa, mọi người lại cho vào tủ lạnh, hôm sau đem ra quay lò vi sóng dùng tiếp, tránh bị lãng phí.

Từ ngày nghĩ ra cách áp dụng “buffet góp” cho bữa trưa, mọi người trong công ty nhàn hẳn. Sáng ngủ dậy, thay vì phải lách cách nấu bao nhiêu món: Cơm, canh, thức ăn mặn thì chỉ việc nấu có một món, rất nhanh gọn và tiện lợi.

Bữa trưa lại đa dạng món ăn, bảo đảm an toàn vệ sinh, không bị nhàm chán vì nhiều người nấu với nhiều khẩu vị khác nhau. Còn có những nàng khéo tay làm cả bánh ngọt, chè, kem mang đến tráng miệng. Hôm nào muốn "đổi gió", mọi người lại góp tiền, cử ra vài người chuyên lo khoản hậu cần mua về nhà làm rồi mang lên công ty cho "cả nhà" cùng thưởng thức. Có khi là bữa xôi gà, bún cuốn hay nem tai... nhưng tất cả đều do các chị em tự tay làm cho an toàn, đảm bảo vệ sinh.

Mọi người ngồi chung lại, cùng ăn, cùng nhận xét các món, rồi hỏi nhau cách làm. Bỗng dưng, nhờ “buffet góp công sở”, các đồng nghiệp xích lại gần hơn, thân thiết hơn, hiểu nhau hơn. Nhờ vậy mà sự phối hợp trong công việc cũng trở nên trôi chảy, thuận lợi.


  • 21/08/2013 11:30
  • Theo Trí thức trẻ
  • 2902


Gửi nhận xét