Vì sao họ mất việc?

Nhiều người tìm được công việc phù hợp nhưng lại không cố gắng; nhiều người lại nghĩ mình giỏi, nên có những ứng xử kỳ quặc…

(Ảnh minh họa)

Tự đánh mất cơ hội

Huệ được nhận vào làm nhân viên quản lý hợp đồng của công ty. Nhiệm vụ cụ thể là kiểm soát các bản hợp đồng kinh tế của công ty trước khi ký, giám sát việc thực hiện sau khi ký và đôn đốc tiến độ thực hiện. Thời gian đầu, Huệ làm khá tốt.
 
Các bản hợp đồng đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ nên không có sai sót; tiến độ thực hiện cũng được Huệ thường xuyên để ý nhắc nhở nên không bị chậm trễ. Tuy nhiên, mấy tháng sau, khi công việc đã quen thì Huệ bắt đầu bê trễ. Lý do cô đưa ra là con còn nhỏ hay đau ốm vặt…
 
Chính vì lý do đó mà khi hết hạn hợp đồng lao động 1 năm, anh trưởng phòng vẫn đề nghị công ty ký tiếp vì “thấy tội nghiệp, con còn nhỏ, nếu mất việc thì không biết xoay xở làm sao”. Trước khi ký hợp đồng, anh ân cần dặn dò cô phải ráng chú tâm vào công việc. Huệ hứa hẹn đủ điều nhưng rồi chứng nào tật đó. Đang giờ làm việc, mắt trước mắt sau không thấy sếp là cô vọt đi đâu mất. Hôm nào biết sếp bận họp bên ngoài thì thế nào cô nàng cũng đến muộn. Đang làm việc, có điện thoại bạn gọi là Huệ tìm mọi cách để “biến”…
 
Và cơ hội đã không đến với Huệ lần thứ hai khi hết hạn hợp đồng. Trưởng phòng nghiêm khắc nói: “Tôi cho em nghỉ vì những lý do sau: Em không đủ năng lực đảm trách công việc; em không yêu thích công việc nên không toàn tâm toàn ý vì nó và vì không yêu quý nên chẳng bao giờ có sáng tạo trong công việc. Rõ ràng là em không thích hợp cho công việc này”.

Giỏi đâu không thấy…

Một trường hợp mất việc khác rơi vào một chuyên viên rất giỏi. Anh được tuyển dụng thông qua một công ty “săn đầu người”. Chức danh của anh ở công ty sử dụng lao động là cố vấn cấp cao của ban giám đốc trong thực hiện chiến lược kinh doanh. Tuy là cố vấn của ban giám đốc nhưng anh được biên chế vào phòng kinh doanh. Phòng này có 15 nhân viên, chưa kể trưởng phòng.
 
Do nghĩ mình “là người của ban giám đốc” nên trước mắt “ông cố vấn” không hề có mười mấy nhân viên của phòng kinh doanh. Ra vào không chào hỏi, nói năng thì cục súc; đôi khi ngồi một mình đọc báo hay xem tin tức trên mạng cũng vỗ đùi la lối, thậm chí chửi thề…
 
Phản ứng đầu tiên của anh em phòng kinh doanh là đề xuất ban giám đốc “chuyển” biên chế của “ông cố vấn” đi chỗ khác. Kiến nghị này đang được xem xét thì xảy ra “đụng độ” giữa trưởng phòng và cố vấn. Anh trưởng phòng yêu cầu “ông cố vấn” tham gia các cuộc họp của phòng, quẹt thẻ chấm công theo quy định, nói năng từ tốn, đặc biệt là không được bất thình lình la lối làm mất trật tự phòng làm việc…
 
Tất nhiên là “ông cố vấn” rất bực tức và không chấp hành bởi “ông” chỉ làm việc theo chỉ đạo của ban giám đốc, còn tay trưởng phòng là cái thá gì mà dám yêu cầu này nọ? “Nếu anh thấy không thực hiện được những yêu cầu này thì mời anh ra khỏi phòng”, trưởng phòng buộc phải dằn mình thốt lên những câu nói không được nhẹ nhàng cho lắm sau một thời gian dài chịu đựng.
 
Tức khí, “ông cố vấn” nộp đơn xin nghỉ việc. Sau khi cân nhắc lợi hại, ban giám đốc đồng ý. Khi nghe tin này, mấy cô nhân viên phòng kinh doanh cười khúc khích: “Giỏi đâu không thấy, chỉ thấy khùng khùng”.


  • 22/04/2013 10:02
  • Theo Người lao động
  • 2020


Gửi nhận xét