Thắt chặt
Hạnh, nhân viên văn phòng một công ty có uy tín trong lĩnh vực xây lắp ở Hà Nội, cho biết: “Thay cho một tuần nghỉ hai ngày thứ bảy, chủ Nhật như trước thì hiện phần lớn các bộ phận đều thay phiên nhau nghỉ thêm hai ngày nữa trong tuần, do số lượng công việc giảm, nhưng công ty không thể sa thải nhân viên”.
Giải pháp tạm thời của công ty nơi Hạnh làm việc là cho nhân viên nghỉ việc luân phiên để vẫn đảm bảo việc làm cho mỗi người. Tuy nhiên, thu nhập nhân viên sẽ giảm đi vì thời gian làm việc ít hơn.
Trường hợp của Hạnh và công ty cô, có lẽ cũng không phải là hy hữu vào thời điểm hiện tại.
Tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, nhân viên nhiều doanh nghiệp kinh doanh vật tư và thiết bị khai thác hầm lò cũng cho biết, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu việc làm từ giữa năm 2012, tuy nhiên, vì là doanh nghiệp Nhà nước, phần lớn hợp đồng của nhân viên là không xác định thời hạn, nên không thể cho nghỉ. Cách duy nhất có thể áp dụng là thắt chặt cơ chế tài chính, cắt giảm một số khoản phụ cấp.
“Thu nhập của chúng tôi đã giảm khoảng một nửa so với trước đây vì sản phẩm không tiêu thụ được”. Ly, nhân viên kinh doanh tại một trong những đơn vị nói trên, chia sẻ. Cô cho biết thêm, không ít đồng nghiệp đã xin nghỉ việc không lương để ra ngoài tự kinh doanh.
Liên lạc trực tiếp với lãnh đạo một số doanh nghiệp có hiện tượng nói trên, tuy không vị lãnh đạo nào công nhận thực tế tình trạng lao động phải nghỉ việc luân phiên, thế nhưng khó khăn thật sự trong sản xuất, kinh doanh của những tháng đầu năm 2013 thì nhiều giám đốc sẵn sàng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thuật, giám đốc một công ty tư vấn và thiết kế xây dựng (trụ sở tại Cầu Giấy, Hà Nội), lo đủ việc làm là vấn đề căng thẳng nhất hiện nay đối với doanh nghiệp ông. Thực tế, cho nghỉ việc thì còn phải tính toán, nhưng giảm thu nhập thì buộc phải làm vào thời điểm hiện nay.
Tương tự, bà Trần Thị Nga, giám đốc một công ty truyền thông cũng cho biết, công ty bà đã phải sử dụng một nhân sự cho hai, ba vị trí khác nhau để hạn chế sử dụng nhiều lao động, đảm bảo thu nhập cho nhân viên còn bám trụ.
Giờ đây, hình ảnh một nhân viên văn phòng tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi giao hàng, hay hết giờ làm sấp ngửa đi dạy thêm, làm một chân quản lý tại các quán bar, thậm chí là nhập và bán hàng trực tiếp, đã không còn là chuyện lạ.
|
Làm thêm
Thu nhập giảm, việc làm thiếu, khiến không ít công chức, lao động công sở đã phải kiếm việc làm thêm bằng mọi cách. Giờ đây, hình ảnh một nhân viên văn phòng tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi giao hàng, hay hết giờ làm sấp ngửa đi dạy thêm, làm một chân quản lý tại các quán bar, thậm chí là nhập và bán hàng trực tiếp, đã không còn là chuyện lạ.
Mỗi sáng thức dậy, nhiều thành viên của trang mạng xã hội Facebook không còn ngạc nhiên khi thấy một người bạn, đang là nhân viên văn phòng tại một tập đoàn, giáo viên, hay một phóng viên nào đó lại chia sẻ những lời mời ngọt ngào, kiểu như: “Sáng chủ nhật chuyến hàng mực khô các loại to, nhỏ, vừa cùng với cua biển Hà Tĩnh sẽ về đến Hà Nội. Mình sẽ ship hàng đến tận nhà để hàng tươi ngon khi sáng sớm nhé”. Hay, “cả nhà thân mến, thực đơn rau sạch hôm nay của shop em có…”. Rồi quần áo, tất ủng, giầy dép, hàng mới về, giá nhẹ nhàng…
Phương Hoa, phóng viên một tờ báo ngành giao thông, quảng cáo trên trang Facebook của mình về món đặc sản quê hương Nam Định tự tay chế biến là món nem nắm "cực kỳ hấp dẫn".
Hoa cho biết, nhuận bút bị cắt giảm, phụ cấp cắt giảm khiến cho tổng thu nhập của cô kém đi. Thế nhưng, những chi tiêu tối thiểu thì vẫn không thể giảm. Cô tranh thủ làm thêm vào buổi tối để vẫn có thể đảm bảo kinh tế cho cả nhà.
Cùng hoàn cảnh, Trần Bình, đang làm việc tại một doanh nghiệp viễn thông, cũng tranh thủ nhập và bán hoa tươi vào những ngày lễ.
Nhiều viên chức khác thì tâm sự, hiện chưa nghĩ được việc gì làm thêm để kiếm thêm thu nhập, nhưng ý thức tiết kiệm tối đa đã được lên kế hoạch và thực hiện rất chặt chẽ. Họ cắt giảm những nhu cầu cá nhân có thể và gần như nói không với hoạt động "shopping", giải trí mấy tháng trở lại đây.