Giò tai là món ăn được nhiều người ưa thích
|
Vài năm gần đây, thời điểm những ngày cuối năm vẫn được ví là “ngày vàng” để kinh doanh, cộng thêm việc nhu cầu mua sắm của mọi người tăng cao, đã tạo ra “chất xúc tác” để dân công sở quyết định trổ tài buôn bán.
“Bây giờ, các loại bánh homemade (làm tại nhà) được nhiều người quan tâm, đặc biệt là chị em công sở, bởi tính vệ sinh an toàn thực phẩm và thuận tiện khi có thể đặt mua hàng online. Mình cũng bắt đầu bán và mình nghĩ dịp nghỉ lễ mọi người có thể mua nhiều hơn. Chỉ là buôn bán thời vụ thôi, nhưng mình cảm thấy vui và dù sao cũng có thêm một khoản thu nhập”, chị Hương (Láng Hạ, Hà Nội) chia sẻ.
Cũng theo chị Hương, khách hàng của chị đa phần là đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Mặc dù giá có cao hơn bánh ngọt bán ngoài thị trường, nhưng chị Hương vẫn làm “thượng đế” của mình hài lòng thích thú với những loại bánh đảm bảo không dùng phẩm màu hay chất bảo quản độc hại, có mùi hương và hình dáng lạ mắt do chị tự nghĩ ra hoặc khách có thể đặt hàng.
“Khách sẽ vừa miệng hơn vì mình có thể điều chỉnh ngọt hơn hay nhạt theo ý của họ. Nhưng thông thường mình làm tùy hứng vì như vậy mỗi bánh sẽ có sự đặc biệt riêng. Mình cũng đang mở topic trên vài trang bán hàng online, cập nhật lên cả Facebook để hút thêm khách”, chị nói.
Gần đây nhất, dân công sở lại “sốt” món ruốc nấm, được cho là ăn vừa sạch, vừa ngon, lại vừa có công dụng giảm béo. Nhìn thấy tiềm năng của món ruốc homemade này, chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định thử làm để bán.
Chị Hoa hào hứng kể: “Ban đầu, tôi nghe nói ăn ruốc nấm vừa an toàn, giàu protein lại có công dụng giảm béo nên mua ăn thử. Đến cơ quan cũng thấy chị em "sốt" món này lắm, rất nhiều người muốn mua, nên tôi chợt nghĩ sao mình không kinh doanh. Chồng thấy vợ chăm chỉ, hào hứng với món mới, rồi lại muốn kinh doanh, chép miệng tảng lờ. Thế nhưng sau khi tôi rang vài mẻ ruốc nấm đầu tay, chồng thấy thơm “nhức” mũi, nên cũng xuôi lòng”.
Nếu như những năm trước, dịp nghỉ Tết dương lịch vợ chồng chị Hoa đều đưa con về ông bà nội ngoại chơi, thì kế hoạch năm nay của anh chị đã thay đổi: “Tôi thường tranh thủ buổi tối và sáng sớm để làm ruốc theo đặt hàng của khách. Mấy ngày gần đây, lượng đặt hàng bắt đầu tăng đáng kể. Đúng là có chút tham việc, nhưng hai vợ chồng muốn tranh thủ để làm thêm”.
Cũng ham "làm giàu", dù đang làm công sở nhận lương tháng nhưng vợ chồng chị Hạnh (Xuân La, Hà Nội) lại đi theo hướng kinh doanh thời trang. Theo thông lệ, thời điểm bán hàng tốt nhất và lãi nhất với mặt hàng quần áo chính là dịp đông xuân. Hiểu được quy luật này, vợ chồng chị Hạnh nhờ người mối lái để nhập quần áo Quảng Châu (Trung Quốc).
Chị Hạnh cho biết: “Lúc đầu, mình chỉ bán hàng ở cơ quan, vừa không mất vốn thuê mặt bằng, và khách hàng thì… ở ngay xung quanh. Hàng trẻ em giá rẻ, có những món chưa đến 100.000 đồng, áo ấm cũng chỉ 300.000 đến 400.000 đồng một chiếc nên nhiều người mua. Phấn khởi với những thành công bước đầu, vợ chồng mình đã lập cửa hàng ảo trên Facebook và rao bán trên một vài diễn đàn”.
Cũng theo chị Hạnh, buôn bán thời trang có lẽ phù hợp với chị nhất bởi chị cũng từng là khách hàng nên nắm được thị hiếu. Bên cạnh đó, hàng quần áo vốn ít, lại gọn nhẹ. Mỗi buổi đi làm, chị chỉ cần khuân một túi đồ đến là tha hồ đi rao bán cho cả ngày hôm đó. Còn chồng chị, có thể phụ chị việc đi lấy hàng và “tiếp khách” trực tuyến cho vợ.
Mặc dù quan niệm “phi thương bất phú”, cũng muốn trải nghiệm “buôn thúng bán mẹt”, nhưng vợ chồng chị Hạnh xác định rõ không quá ham hố để bỏ việc theo hẳn nghiệp buôn bán.
“Kinh doanh không hề đơn giản, nhất là đối với dân văn phòng, cả ngày bận rộn công việc ở cơ quan, về nhà lại tính toán buôn bán sẽ rất mệt mỏi. Bao năm cố gắng với công việc hiện tại rồi giờ vứt bỏ đi để thành “con buôn” thì không đáng. Vợ chồng mình xác định kiếm thêm đồng ra đồng vào thôi, chứ không quyết liệt làm giàu. Nếu như cảm thấy áp lực, mệt mỏi ảnh hưởng đến công việc, gia đình thì mình sẽ bỏ nghề tay trái này”, chị Hạnh chia sẻ.