Ngàn lẻ chuyện nịnh

Hiện nay, chuyện "nịnh" đang len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội, nhưng xu hướng chủ yếu là “nịnh xuôi”, nghĩa là dân nịnh quan, dưới nịnh trên, nhân viên nịnh thủ trưởng,...

"Nịnh" là chuyện phổ biến trong xã hội - Ảnh minh họa

Nịnh có nhiều kiểu, nhiều cách, nhiều cấp độ, văn cảnh, hoàn cảnh, tình huống, “mưu đồ” khác nhau. Ở chi bộ kia, có đồng chí đã dám "thẳng thắn phê bình” thượng cấp rằng: Thủ trưởng không quan tâm đến sức khỏe, hay làm việc quá giờ, quá sức.

Ở cơ quan nọ, có đồng chí nhân viên tâng bốc cấp trên là ân nhân của toàn thể cán bộ, nhân viên. Hễ vắng thủ trưởng một ngày là cơ quan như “rắn không đầu”, vô phương, vô hướng, công việc rối bời. Thôi thì ngàn lẻ một câu chuyện nịnh.

Đó là chuyện nịnh xuôi, thôi thì âu cũng là cái quy luật của tạo hóa, thế nhưng gần đây lại xuất hiện chuyện nịnh ngược. Ở đơn vị X, trong ban lãnh đạo Y có một "sếp trưởng" và hai "sếp phó". Đồng chí trưởng đang chờ hưu, hai đồng chí phó đều nằm trong diện quy hoạch. Xét về năng lực thì mỗi đồng chí có những thế mạnh khác nhau nhưng suy cho cùng cũng "một chín, một mười", “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Thế là một cuộc “chạy đua võ trang” ngấm ngầm bùng nổ. Giai đoạn đầu là việc nịnh "sếp trưởng". Hai "sếp phó" đua nhau khen ngợi "sếp trưởng" là người đại tài, đức cao vọng trọng, có bề dày kinh nghiệm, rất xứng đáng được thăng quan, tiến chức cao hơn nữa, nhưng do sinh ra không gặp thời, đành chấp nhận “thui chột nhân tài”, rằng thủ trưởng tâm hồn sáng trong, trí tuệ anh minh, nhân cách mẫu mực, tỏa sáng... Thủ trưởng mà nghỉ hưu thì chúng em không biết dựa vào đâu.

Hết “nịnh xuôi”, các phó lại dở chiêu “nịnh ngược”, tức là “bỗng dưng” yêu mến cán bộ, nhân viên cấp dưới đến kỳ lạ. Làm việc gì cũng hướng đến cấp dưới: “Tớ là tớ hết sức coi trọng đời sống tinh thần và vật chất của cấp dưới”, “tớ là tớ lo cho cán bộ, nhân viên trước hết”, “cơ quan mà có vấn đề gì là tớ ăn không ngon, ngủ không yên”, “cơ quan mình mà không có cậu trực tiếp thực hiện lĩnh vực công tác ấy thì gay to”, “người như cậu, tớ mà được cân nhắc…, tớ sẽ hết sức trọng dụng”… Đơn vị bình yên đến lạ, các công việc, nhiệm vụ của nhân viên chưa hoàn thành, hoặc chưa đúng ý định của "sếp phó", thay vì những cơn thịnh nộ là những lời lẽ ân cần: “Tớ đề nghị cậu sửa lại chỗ này”, “Theo ý tôi là thế, còn chị, chị có chuyên môn sâu về vấn đề này, cứ sửa theo ý chị cũng được”…

Và rồi hai "sếp phó" săn đón, mời mọc cán bộ, nhân viên vào phòng làm việc của mình uống nước, hỏi thăm tình hình gia đình, vợ con. Các phó nhờ người nọ, người kia tác động, vận động cán bộ, nhân viên trong cơ quan ủng hộ mình. Gia đình cán bộ, nhân viên có công việc gì là các sếp quan tâm “gửi quà”, động viên, sẵn sàng “chia sẻ vui buồn” cùng cấp dưới. Thậm chí, các sếp còn “hứa thật nhiều” rằng nếu ai ủng hộ thì sau này sẽ được quan tâm, đãi ngộ thỏa đáng.

Thế rồi "sếp trưởng" nghỉ hưu. Hai sếp phó "nín thở" chờ trên bổ nhiệm. Đùng một cái cấp trên thông báo sẽ bổ nhiệm một đồng chí ở đơn vị khác về làm thủ trưởng. Thế là công lao hai sếp phó thành "bong bóng xà phòng". Hai sếp, ngay lập tức quay 180 độ về trạng thái ban đầu. “Vectơ nịnh” quay về hướng thủ trưởng mới.

Chuyện "nịnh xuôi" thì chẳng lạ, còn "nịnh ngược" cũng không phải chỉ xảy ra ở đơn vị X, mà nó đang lan rộng ở nhiều nơi... Thiết nghĩ, nếu các sếp phó ở đơn vị X thật sự là những cán bộ có trình độ, năng lực, có tâm, có tầm, có uy tín thì cấp dưới sẽ luôn tôn trọng và tín nhiệm thật sự, mà đâu cần phải “nịnh ngược, nịnh xuôi” như câu chuyện đáng buồn nêu trên.


  • 16/07/2012 11:21
  • Theo Báo Quân đội Nhân dân
  • 2884


Gửi nhận xét