Tìm lại niềm tin

Khi Dung quyết định bỏ công việc ở một tỉnh lẻ, đưa con lên Hà Nội, bạn bè nói Dung quá liều lĩnh, hãnh tiến với bản thân để cho con cái phải sớm chịu vất vả. Thực ra, chỉ Dung và những người trong cuộc mới hiểu vì sao cô dứt áo ra đi. Đứa con nhỏ không cha, cuộc sống gia đình không trọn vẹn khiến Dung luôn day dứt.

Sự cố gắng vươn lên của Dung không lấy lại được thiện cảm của mọi người. Mẹ con Dung phải sống trong sự coi thường, soi mói của hàng xóm, láng giềng. Rồi ngay chính những người thân trong gia đình cũng không đủ rộng lòng với mẹ con Dung, khiến cô phải quyết tâm rời bỏ quê hương sau khi trúng tuyển vị trí nhân sự tại một công ty ở Hà Nội.
Dung khá về chuyên môn, các kỹ năng ngoại ngữ đều thành thạo, nên cô hoàn thành công việc mới không mấy khó khăn. Lương thưởng cũng đủ trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con. Tuy nhiên, nếu ai tinh ý đều thấy Dung không mấy khi vui vẻ thực sự, lúc nào cô cũng cố giấu một nỗi buồn tận sâu thẳm trong tâm hồn…
(ảnh minh họa)
Làm công tác nhân sự, Dung có điều kiện tìm hiểu hoàn cảnh của nhiều đồng nghiệp. Trong số những nhân viên nam, Tuấn là một người tốt bụng, tay nghề khá, nhưng gần đây anh luôn bị sếp khiển trách vì không hoàn thành công việc. Trong cuộc họp toàn công ty, sếp tuyên bố nếu Tuấn không lấy lại phong độ cũ, dù không muốn, sếp cũng sẽ phải ký quyết định sa thải.
Bằng trải nghiệm của chính mình, Dung biết rằng Tuấn đang mất cân bằng trong cuộc sống, đằng sau sự buông thả của anh chắc chắn có ẩn giấu một sự thật nào đó...
Để tâm tìm hiểu, Dung biết vợ chồng Tuấn đang chuẩn bị ly hôn, vợ Tuấn đã bỏ bố con anh, chạy theo người tình giàu sang. Để được quyền nuôi con, Tuấn phải nhường lại cho vợ tất cả tài sản chung của hai vợ chồng. Sự phản bội của người vợ khiến Tuấn mất hết niềm tin vào cuộc sống. Tuấn chán đời, buông xuôi, chẳng thiết tha với công việc, dù trước nay anh vốn là một nhân viên tay nghề khá, sống rất có trách nhiệm…
Khi biết hoàn cảnh của Tuấn, trong lòng Dung trào lên sự đồng cảm, xót xa. Mỗi ngày, Dung tranh thủ đi chợ từ sáng sớm, sơ chế một vài món ăn, đem đến cơ quan, lặng lẽ treo vào xe cho Tuấn, kèm theo đó là tờ giấy ghi vài dòng chữ chia sẻ, động viên, khích lệ Tuấn.
Sự giúp đỡ của Dung với bố con Tuấn, dù rất kín đáo, nhưng cũng không tránh được tai mắt, dị nghị của đồng nghiệp. Dung chẳng màng đến những dị nghị, bởi cô đã quá quen với những đàm tiếu và biết cách vượt qua dư luận. Cô chia sẻ với Tuấn bởi sự đồng cảm, muốn giúp đỡ đồng nghiệp, hơn nữa cô hiểu sự tổn thương, mất mát của những đứa trẻ khi thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha, mẹ là như thế nào.
Nhờ sự động viên, chia sẻ của Dung, một thời gian sau, Tuấn thay đổi rõ rệt, anh lao vào công việc như "trả nợ", anh cởi mở và vui vẻ hơn. Còn Dung, cô sống với sự chân thành, làm việc đầy nhiệt huyết nên khi tổng kết cuối năm, Dung đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua.
Sau tất cả, không như mọi người trong cơ quan suy luận, chẳng có một mối tình nào xảy ra giữa Dung và Tuấn. Dung bảo, những người như cô, như Tuấn, trước hết cần tìm lại niềm tin thực sự vào hạnh phúc, chứ không cần tìm một cái vỏ gia đình. Niềm tin vào hạnh phúc sẽ cho con người ta sức mạnh để cống hiến, để sống hữu dụng hơn…


  • 03/07/2012 11:03
  • Minh Hạnh
  • 2648


Gửi nhận xét