Sếp mắc bệnh... lười

Đẩy việc cho nhân viên, nhưng lại hí hửng nhận công đầu về mình khi được ngợi khen, đó là chân dung của những vị sếp lười nơi công sở ngày nay.

Khi sếp chỉ thích "vắt chân chữ ngũ"... (Ảnh minh họa)

Ngại việc

Hồi mới vào công ty, Hạnh ngạc nhiên về lối làm việc của trưởng phòng nhưng lại chẳng dám nói gì vì cô chỉ là "lính mới". Sau này Hạnh mới biết, hóa ra trưởng phòng chính là bạn nối khố của giám đốc, lại còn có họ hàng "dây mơ rễ má" với nhau. Anh này được cái mồm mép nhanh nhẹn, lại có chút vốn liếng nên cổ phần cũng kha khá trong công ty, có lẽ vì vậy mà tính vốn lười lại được thể... lười thêm.

Đường đường là trưởng phòng nhưng công việc chính của anh này là... cà phê, trà đá và chơi game, mọi việc khác giao cho trợ lý và nhân viên thực hiện. Sáng, nhân viên phải có mặt tại văn phòng từ 8 giờ, còn sếp thì thoải mái, thích đến lúc nào thì đến, thậm chí có hôm có giấy tờ cần chữ ký của sếp, gọi điện năm lần bảy lượt anh mới chịu “ló mặt” đến công ty.

Công việc ngập đầu, nhân viên nhiều hôm phải ở lại làm đêm nhưng riêng sếp cứ "vắt chân chữ ngũ".

Còn vị sếp nữ ở cơ quan Thảo cũng vậy. Vẫn biết phụ nữ đã có gia đình thì phải bận rộn, lo toan việc nhà nhiều hơn đám thanh niên độc thân, nhưng cũng không thể vì thế mà sếp đẩy hết công việc cho cấp dưới. Cái lý mà sếp đưa ra là “Chúng mày còn trẻ thì tích cực làm đi, chị làm bao năm nay rồi. Còn trẻ thì cứ cống hiến nhé”. Thế là bao nhiêu việc thi nhau đổ lên đầu ba cô nhân viên có mức lương chỉ bằng 1/10 của sếp.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Là trưởng ban quản lý dự án của một công ty xây dựng, Tùng rất ít khi phải "nhúng" tay vào công việc bởi anh vừa là con cháu sếp tổng, lại vừa có tay trợ lý đắc lực với một nhóm nhân viên khá ổn. Công việc hầu hết được giao cho cấp dưới, Tùng cứ việc đủng đỉnh cà phê cà pháo hoặc ngồi chơi điện tử ở công ty. Thế nhưng, khi công việc hoàn thành, dự án đúng tiến độ và được cấp trên tuyên dương, công đầu Tùng đứng ra "hứng trọn". Ban đầu, anh em trong phòng ấm ức nhưng cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Vào công ty lâu năm, được lòng giám đốc nên có lẽ cái danh trưởng phòng tổ chức sự kiện của Trung có được là nhờ “sống lâu lên lão làng” chứ cũng không phải tài cán gì. "Năm thì mười họa" Trung mới bắt tay vào viết một cái kịch bản hoặc là dựng hoàn chỉnh một chương trình. Nếu bị khách hàng phàn nàn, anh lập tức "đổ tội" cho nhân viên. Rồi khi khách hàng phản ánh với giám đốc, Trung lại tìm người gánh tội hộ mình. Những "lính mới" còn dễ dàng bỏ qua chứ các bậc "trưởng lão" thì không sao chịu nổi. Có lần, Trung và chị Hằng cùng làm format, ý tưởng là do Trung đưa ra, chị Hằng là người viết. Thế nhưng, khi sếp chê về ý tưởng, Trung không ngần ngại "nhường" luôn phần ý tưởng cho chị Hằng. Vốn thẳng tính lại thừa hiểu ý đồ của Trung nên chị không cần nể nang mà “phản đòn” ngay trước mặt sếp: “Anh nói thế mà nghe được à, rõ ràng anh là người lên ý tưởng, tôi viết. Tôi đã góp ý thêm nhưng anh cứ gạt đi, không nghe, giờ lại đổ ý tưởng không hay là do tôi sao?”. Biết không thể bắt nạt được chị Hằng, Trung cũng đành ậm ừ cho qua chuyện. Cũng vì vụ đó, Trung bị giám đốc mắng cho một trận ra trò.


  • 18/06/2012 05:49
  • Theo Bưu điện Việt Nam
  • 2449


Gửi nhận xét