Khi sếp độc đoán

Nếu sếp đã nói vấn đề này là A, coi như vấn đề đó đã được khẳng định, mọi nỗ lực chứng minh vấn đề đó là B đều trở nên vô ích dù nhân viên cảm thấy hình như kết luận của sếp có cái gì đó chưa ổn.

Nếu sếp nói đó là A thì vấn đề coi như đã được khẳng định

Là một công ty rất nổi tiếng, tên tuổi của vị giám đốc công ty cũng nổi như cồn. Nhân viên trong công ty thường rỉ tai nhau những giai thoại về vị giám đốc tài giỏi nhưng độc đoán, thay đổi nhân viên xoành xoạch…

Nhân viên mới được nhận vào công ty không phải vì quá giỏi, nhân viên cũ bị sa thải không phải vì dốt. Chỉ bởi nhân viên cũ đã đến lúc không còn phù hợp với sếp, nhân viên mới như những chú thiêu thân, choáng ngợp bởi ánh hào quang của công ty mà sống chết lao vào bằng mọi giá.

Của đáng tội, mọi chế độ lương thưởng của công ty này khá hậu hĩnh, môi trường làm việc cũng khá ổn. Dù vậy, vị giám đốc lại luôn phải đau đầu với chuyện sa thải người cũ và tuyển người mới. Đơn giản vì nhân viên trong công ty chẳng ai vừa ý vị sếp tài ba này cả, trừ những vị trí làm việc ít phải đấu trí với sếp như lao công, bảo vệ, thu ngân, đầu bếp, còn lại cứ dính tí chút chuyên môn là bị sếp xoay cho ra vấn đề.

Sếp giỏi! Điều này ai cũng phải thừa nhận. Chỉ mới gần 40 tuổi, sếp đã quản lý công ty tổng và vài công ty con, mọi việc dưới bàn tay sếp đều vận hành trơn tru, hợp đồng tiền tỷ với sếp nhiều khi chỉ cần một cuộc điện thoại. Vì thế sếp kiêu. Sếp không thấy ai thực sự có tài. Sếp độc đoán trong mọi suy nghĩ. Nếu sếp nói vấn đề này là A, coi như vấn đề đó đã được khẳng định, chẳng ai muốn chứng minh vấn đề đó là B, dù họ cảm thấy hình như kết luận của sếp đôi lúc có cái gì đó chưa ổn.

Dưới sự “cai trị” độc đoán của sếp, nhân viên cứ răm rắp vâng lời, người giỏi phải ẩn mình, chẳng có chính kiến, sáng tạo, họ dần trở thành những con người làm việc thụ động…

Tất nhiên, có một số người không muốn chấp nhận ý kiến của sếp, họ phản biện, họ tranh luận, một lần, rồi hai lần, nhưng thường chẳng bao giờ có lần thứ 3, vì ngay sau những buổi tranh luận đó, họ đương nhiên bị sa thải. Những người cũ dần rút ra một bài học, muốn trụ vững ở công ty cần phải nắm rõ nguyên tắc không bao giờ được cãi lời sếp, sếp “luôn luôn đúng”.

Nhân viên mới thì phải dành thời gian đào tạo, mà cũng không lấy gì bảo đảm rằng những người đó sau khi được đào tạo đều làm được việc đúng ý sếp. Một số người cũ thì chọn phương án “im lặng là vàng”, số khác đã dũng cảm “bái bai” sếp, vì họ biết số phận mong manh của họ có thể bị rơi rụng khỏi công ty bất cứ lúc nào. Dẫu sao giải pháp ra đi trong vui vẻ vẫn hơn sự cay đắng bị sa thải… Và, trong cái vòng luẩn quẩn đó, sếp vẫn luôn phải đau đầu với việc tìm kiếm nhân viên phù hợp.


  • 28/05/2012 10:19
  • H-Nguyễn
  • 3793


Gửi nhận xét