1001 trò "đánh cắp" thời gian nơi công sở

Theo quy định, mỗi nhân viên làm việc 8 tiếng/ngày ở công sở, nhưng không phải lúc nào bạn cũng dành toàn bộ khoảng thời gian đó cho công việc. Thử kiểm lại xem, từ khi bắt đầu đi làm đến giờ, bạn đã “ăn cắp” bao nhiêu giờ hành chính?

Tắc đường và hỏng xe

Hồi đi học, bạn vẫn hay nói dối thầy cô mỗi lần đến lớp muộn là “bị hỏng xe”. Giờ thì các phương tiện giao thông hiện đại và thuận tiện hơn rồi, nên lý do đó có vẻ không còn “hợp khẩu vị”, thỉnh thoảng mới lôi ra dùng. Còn các nhân viên văn phòng bây giờ hay dựa vào chuyện tắc đường để lý giải cho việc đến muộn của mình. Cứ mỗi lần “tắc đường” và “hỏng xe”, bạn “chôm” được ít nhất 30 phút.

Bữa sáng, cà phê và báo

7h30 phải có mặt ở cơ quan. Không sao, đến cơ quan điểm danh đã, sau đó, anh em lại kéo nhau ra hàng phở. Xong phở thì đến cà phê và báo. Bên tách cà phê sáng, đồng nghiệp ngồi đàm đạo chuyện an ninh trật tự, chuyện Irắc, chuyện tên lửa hạt nhân, chuyện MU, Chelsea,… Tạm dừng lại ở đây, bạn “ăn cắp” được khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Chat và mail

Công sở thời hiện đại, đường mạng ADSL chạy vèo vèo, đến nhân viên lão làng sắp nghỉ hưu còn học chat nữa là giới trẻ. Bắt đầu làm việc, bạn mở hòm thư, nhân tiện "nghía" xem có cái nào bạn bè gửi thì “reply” luôn thể. Rồi bạn vào Yahoo, xem khách hàng có “message offline” không. Câu chuyện buổi sáng bắt đầu rôm rả khi có cô bạn làm bên công ty du lịch “nhảy” vào chào hỏi…

Còn gì thuận tiện, hiện đại và kín đáo hơn việc “giao lưu bốn phương” bằng chat và mail. Rải rác suốt ngày, bạn cũng kiếm thêm cho mình được chừng hơn 1 tiếng.

“Buôn dưa lê” và “nấu cháo” điện thoại

Trò này rất hợp với cánh chị em văn phòng, quần là áo lượt ngồi phòng máy lạnh, gặp nhau là kể chuyện gia đình, chồng con, thời trang,… Chốc chốc có chị mang ít thực phẩm đến, lại tụ tập ngồi chấm mút chuyện trò. Thấy bóng sếp tới gần thì tản ra, sếp đi lại chụm vào.

Trò “nấu cháo” điện thoại cũng được tận dụng triệt để nhằm… tiết kiệm tiền và giết thời gian, nhất là những chị lễ tân, văn thư, công việc quá nhàn mà điện thoại lại nằm ngay trước mặt.

Những câu chuyện trên trời dưới bể của chị em, tưởng vô hại nhưng thực chất đã lấy mất của cơ quan nhiều thì hai tiếng mỗi ngày, ít thì dăm ba mươi phút.

"Nấu cháo điện thoại" - một cách "đánh cắp" thời gian phổ biến nơi công sở

Đi gặp khách hàng

Trò này thường được nhân viên kinh doanh áp dụng triệt để. Có việc cần ra ngoài, muốn đi shopping, tranh thủ thăm người ốm, tụ tập bạn bè uống cà phê,… Tất tật mọi việc đều được họ giải thích bằng một lý do nghe rất… chuyên nghiệp: “Em đi gặp khách hàng”.

Kiểu “đánh cắp” này gây hậu quả nặng lắm. Không chừng, bạn lấy béng cả một buổi sáng ấy chứ.

Bữa trưa muôn năm

Đúng giờ Ngọ, kéo nhau đi ăn trưa. Ăn xong, anh em rủ nhau ngồi làm chén trà, điếu thuốc; chị em rủ nhau lượn lờ phố phường, ngắm hàng quần áo, vòng quanh siêu thị,… Về cơ quan có khi đã hơn 2h chiều. Có nhân viên nào muốn “đánh” thêm giấc ngủ trưa thì lại phải 3h mới bắt đầu làm việc được. Ấy là cứ tính thế thôi, chứ buổi trưa, sếp mấy khi để ý giờ giấc như buổi sáng, cứ từ từ, không việc gì phải vội!

Toilet

Đừng cười! Văn phòng hiện đại, toilet còn thơm tho, sạch sẽ và sáng sủa hơn cả bàn làm việc. Nhiều người muốn giải khuây, họ kết hợp thời gian giải quyết nhu cầu sinh lý với việc giải trí (đọc sách báo, nhắn tin cho bạn,...). Mải mê xả stress, họ đã làm mất đứt hơn nửa giờ của cơ quan.

Đón con và đi chợ

5h30 cơ quan mới tan, mà lớp học của cô con gái nhỏ 5h đã kết thúc, mình phải về sớm đón con. Hẳn rồi, chứ không để cháu vật vạ ở đâu? Rồi còn tranh thủ rẽ qua chợ mua đồ ăn. Đi sớm một tí, chứ để giờ cao điểm mới về thì có mà nhịn bữa tối. Với vô vàn các lý do, 4h30, các phòng ban nhân viên nhấp nhổm “chuồn”.

Một ngày làm việc kết thúc, tính xem bạn đã “ăn cắp” được bao nhiêu thời gian rồi? Đã khi nào bạn giật mình nhận ra, thời gian mình dành cho những điều vô bổ quá nhiều? Giờ thì bạn đã biết tại sao công việc của mình lúc nào cũng ùn tắc rồi chứ? Và tại sao mình cứ mãi chỉ là một nhân viên quèn trong mắt sếp?


  • 18/02/2012 09:05
  • Theo Dân trí
  • 2576


Gửi nhận xét