Tranh nhau đi công tác
Đi công tác là xa vợ xa con, ăn uống tạm bợ nhưng ở nhiều cơ quan, công ty bây giờ, người ta tranh nhau đi công tác. Lý do là đi công tác có thể được chênh lệch từ tiền thực tế chi tiêu và tiền công tác phí.
Anh Phạm Anh T (công ty công trình giao thông) cho biết: “Mỗi lần đi công tác 2 ngày, mình có thể đem về cho vợ khoảng một triệu. Tiền công tác phí được tính toán khá sát sao cho việc mình được nghỉ tại một khách sạn tương đối tốt, ăn uống đầy đủ. Mình đi thì chỉ ngủ nhà nghỉ bình dân thôi, ăn uống cũng bình dân, nên lúc về cũng dư được 2 hộp sữa cho con. Chứ xa nhà, cơm đường cháo chợ thì ai thích đâu”.
Tương tự như vậy, nhiều cơ quan, công ty cũng tạo điều kiện cho nhân viên khi gói gọn công tác phí, còn chi tiêu ra sao thì tùy nhân viên đó, miễn công việc được đảm bảo.
Chị Liên N (Đội Cấn – Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi lần đi công tác là phải gửi con bé con sang ngoại, chồng thì bữa trưa vạ vật, bữa tối cũng về bà ngoại xin cơm nốt. Cũng xót chồng, xót con lắm nhưng đành phải đi thôi. Tính ra hai chiều vé may bay, đổi từ Việt Nam Airline sang Jetstar cũng đã chênh được khối tiền rồi”.
Cuối năm, dân công sở càng chăm chỉ làm thêm (ảnh minh họa)
|
Nhận thêm việc về nhà làm
Hai năm đầu của cuộc sống hôn nhân, với lối sống đơn giản, gia đình chị Bùi Kim X (Hoàng Mai – Hà Nội) khá thoải mái với đồng lương công sở của hai vợ chồng. Nhưng từ khi thành viên nhí xuất hiện, chị X nhận thấy dù chi tiêu khéo léo, dè sẻn đến đâu cũng chỉ tạm đủ, hoàn toàn không có tích lũy: “Mỗi lần có ai mời cưới hay việc hiếu nhà người quen, bạn bè là mình lại méo mặt, không biết xoay ở đâu ra. Cứ giật gấu vá vai mệt quá. Hai vợ chồng phải tính việc làm thêm. Chồng thêm việc thiết kế nội thất cho khách lẻ, ít nhiều gì cũng nhận làm. Mình thì nhận thêm sổ sách của mấy cửa hàng về làm kế toán. Phải như vậy mới có đồng ra đồng vào”.
Chị Nguyễn Thị Đ (Hà Đông – Hà Nội) là y tá tại một bệnh viện lớn. Tuy vậy, thu nhập của chị cũng không đáng bao nhiêu, lại gần như là trụ cột của gia đình, nên chị cũng rất chăm chỉ làm thêm ngoài giờ: “Chồng mình là bộ đội, thường xuyên xa nhà, thu nhập lại không nhiều. Hai đứa con đang tuổi ăn học, tốn kém lắm. Vây là sau giờ làm ở viện và các ngày cuối tuần, nếu không phải đi trực, hễ có ai nhờ đến truyền nước, thay băng hay tắm cho trẻ con là mình đi ngay. Cũng mệt lắm chứ chẳng sung sướng gì, nhưng đói thì đầu gối phải bò thôi”.
Phi thương bất phú
Người xưa có câu “phi thương bất phú”, nếu chỉ đơn thuần là người làm công ăn lương thì không bao giờ có chuyện khá giả. Phải làm ăn buôn bán thì mới khá lên được, nhưng đâu phải ai cũng có gan tập trung hoàn toàn cho việc buôn bán. Vừa ăn lương, vừa "tay trong tay ngoài" là một giải pháp gần như hoàn hảo cho dân công sở.
Chị Nguyễn Thị Hằng (Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ: “Công việc ở văn phòng mình cũng không bận rộn lắm, nên mình tranh thủ buôn bán thêm quần áo trẻ con trên mạng, cũng có thêm đồng ra đồng vào. Có đợt nguồn hàng và khách hàng tốt, thu nhập từ việc làm thêm gấp mấy lần lương chính ấy chứ. Nhưng bảo bỏ văn phòng thì không bao giờ mình bỏ”.
Tương tự như chị Hằng, chị Phùng Ngọc A (Nguyễn Văn Cừ - Hà Nội) cũng tranh thủ buôn bán thêm: “Mình buôn nhỏ thôi, một ít đặc sản vùng miền nho nhỏ nhưng tạm đủ cho con gái ăn học, mua quần áo và uống sữa. Còn bố mẹ thì sống bằng lương của bố mẹ thôi. Cũng may là có việc để làm, chứ dạo đầu vất vả lắm. Hai vợ chồng cãi nhau suốt ngày chung quy cũng chỉ vì chuyện tiền mà thôi”.
Ngoài những người buôn bán quanh năm như một nghề tay trái chính thức, cũng có những người chỉ buôn theo thời vụ, đáp ứng như cầu một số dịp đặc biệt như buôn bánh chưng, giò chả ngày Tết; buôn hoa ngày 8/3; buôn bánh nướng, bánh dẻo vào dịp Trung thu,… Với những dịp này, nếu khéo léo, số tiền kiếm được cũng không hề nhỏ.
Tết sắp đến, lại một mùa làm thêm thời vụ bắt đầu.