Hiền... chưa chắc đã tốt

Họ là những nhân viên suốt ngày cặm cụi, vùi đầu vào công việc ,nhưng hầu như chẳng bao giờ được sếp “để mắt” đến, thậm chí nhiều khi bị đồng nghiệp chơi xấu cũng "tặc lưỡi" cho qua. Hiền quá cũng... khổ!

Ảnh minh họa

Vào công ty hơn 1 năm, gánh bao nhiêu việc cho cả phòng, nhưng Hòa chưa bao giờ được giám đốc để ý đến, thậm chí có khi còn chẳng nhớ nổi tên cô. Đã đành, mọi việc đều có trưởng phòng báo cáo với sếp, song nhiều chương trình, ý tưởng do Hòa đưa ra đã được áp dụng, triển khai. Thế nhưng, chẳng hiểu giám đốc không biết hay vì Hòa quá lặng lẽ mà chưa bao giờ ông chú ý đến Hòa, chỉ trừ những cuộc họp với cả phòng về vấn đề ý tưởng cho các chương trình mới, Hòa mới có dịp diện kiến giám đốc.

Hòa vốn hiền lành, ít nói nhưng được cái có nhiều ý tưởng, sáng tạo và vốn kiến thức phong phú về nhiều lĩnh vực. Trưởng phòng biết năng lực của cô nên luôn tạo điều kiện để Hòa thể hiện bản thân, giúp cô có cơ hội thăng tiến và để công ty đánh giá đúng khả năng của cô. Nhưng có vẻ như Hòa không biết tận dụng những điều kiện ấy. Ngày nào cũng ở công ty từ 8h sáng đến tận 6h tối, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, Hòa chăm chỉ như một chú ong cần mẫn, với lối suy nghĩ “gái có công chồng chẳng phụ”.

Cũng hiền và chăm, nhưng Thủy không được “tốt số” như Hòa bởi nếu so với Thủy, đời sống nơi công sở của Hòa vẫn còn bình yên chán. Phòng Thủy có 5 người, nhưng người nào cũng đanh đá, lắm lời, mỗi cô là “Người Việt trầm lặng” và không biết tự bao giờ, Thủy trở thành bia đỡ đạn cho các đồng nghiệp mỗi khi bị sếp quở trách vì làm sai hay xử lý công việc không đến nơi đến chốn. Phòng chương trình của Thủy lúc nào cũng đòi hỏi phải có sự hợp tác, làm việc theo nhóm chứ không thể mỗi người một việc. Công việc suôn sẻ thì công đầu chẳng bao giờ đến lượt Thủy , nhưng hễ có gì rắc rối, các bà chị “tốt bụng” lại lôi Thủy ra đổ lỗi.

Có lần bị sếp mắng vì làm lỡ một hợp đồng mua bán bản quyền phim, rõ ràng, Thủy chỉ lo khâu chuẩn bị hợp đồng, mọi việc liên hệ, ký kết đều do chị Nga phụ trách. Thủy đã lo hoàn thành sớm mọi giấy tờ trước cả tháng trời, trưởng phòng đã duyệt, nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, chị Nga không giành được hợp đồng. Thế là bao nhiêu tội vạ đổ lên đầu cô, nào là chuẩn bị nội dung không tốt, đối tác chê, nên không ký hợp đồng, nào là Thủy làm việc thiếu trách nhiệm, không tận tâm... Thủy định lên tiếng thì đã bị Nga chặn lại, nói ào ào như súng liên thanh, không cho cô cơ hội thanh minh gì. Biết không thể nào đấu lại mấy bài “võ mồm” của các chị, Thủy đành im lặng. Cũng may là sếp quyết định mức phạt chia đều cho cả đội chứ không riêng mình ai.

Cũng như Thủy, mới vào công ty vài tháng mà Thu đã phát sợ với mấy đồng nghiệp vì cái thói làm thì ít nhưng chỉ thích tranh công. Là ma mới, lại rất được việc, nên ngay khi vào công ty mới vài tuần, Thu đã bị các chị ra đòn “phủ đầu”: “Ở đây làm việc là phải cống hiến hết mình, không có kiểu chưa làm đã nghĩ đến quyền lợi đâu nhé”. Biết thế, Thu tự dặn mình phải cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Nhưng cô không thể ngờ được đồng nghiệp của mình lại có cái thói thích tranh công đến thế.

Việc thì mình Thu quần quật làm từ đầu, đến khi sắp hoàn thành, các bà chị mới “nhảy” vào “để chị hoàn thiện nốt”. Cái “nốt” đấy cũng đồng nghĩa với việc công đầu thuộc về chị. Vài ba lần Thu cũng bỏ qua, không lên tiếng vì nghĩ mình là nhân viên mới, lại gặp mấy đồng nghiệp đanh đá, khôn lõi đời. Nhưng thói thường, “con giun xéo lắm cũng quằn”, Thu không muốn đôi co, cãi cọ nhau nơi công sở, nhưng cũng không thể để kẻ khác cướp công trắng trợn như thế, Thu đành xin nghỉ việc ở công ty trong sự nuối tiếc của các chị bởi từ nay không có ai “làm hộ” để các chị vơ vét công lao về mình nữa.

 


  • 26/08/2011 03:20
  • Theo Zing
  • 2624


Gửi nhận xét