Sếp trẻ khổ với nhân viên già

Đôi lúc, bản thân Liên chẳng phân rõ ai là sếp, ai là nhân viên. Có lẽ tuổi tác là yếu tố quá lớn để cô khó lòng quản lí nhân viên dưới quyền mình.

Ảnh minh họa

Quyền lực tỉ lệ với... tuổi tác?

 

Nhiều người định kiến rằng tuổi tác tỉ lệ với kinh nghiệm. Số khác lại mang suy nghĩ “ma cũ phải có quyền lực hơn ma mới”. Thế nên chuyện một vị sếp trẻ, nếu không khéo léo và thông minh, sẽ bị nhân viên cấp dưới có thâm niên tuổi tác đánh giá rằng “trẻ ranh”. Thực tế cũng vậy, nhiều vị sếp trẻ điêu đứng vì bị nhân viên lớn tuổi dưới quyền mình “quay”.

 

Mang tiếng là sếp, nhưng nhiều tháng nay, Thu Liên thật sự khó chịu với nhân viên cấp dưới cổ hủ của mình. Đúng là về tuổi tác Liên còn thua xa cấp dưới. Nhưng xét về chuyên môn, kinh nghiệm, Liên tự tin rằng mình chẳng thua kém ai. Ấy thế mà, mọi ý kiến của Liên đưa ra luôn bị “cấp dưới” bác bỏ. Thậm chí, cái quyền ra quyết định, điều kiển nhân viên cũng... không thuộc về cô. Đôi lúc, bản thân cô cũng chẳng phân rõ ai là sếp, ai là nhân viên. Có lẽ tuổi tác là yếu tố quá lớn để cô khó lòng quản lí nhân viên dưới quyền mình.

 

Nhiều lần Liên cũng gọi riêng nhân viên cấp dưới để “nhắc khéo” nhưng hầu như không tác dụng. Trong mọi cuộc họp, lúc nào nhân viên cấp dưới của cô cũng ra vẻ và “lên lớp” cô. Nếu dùng quyền lực để “tống cổ” nhân viên, thì cô sợ mọi người sẽ đánh giá mình là vì chuyện riêng tư. Thêm vào đó, vì mới lên nắm quyền, chưa đủ lực nên Liên cũng không thể mạnh tay như thế. Nhưng tiếp tục cái cảnh “có tiếng mà không có miếng”, Liên chẳng dễ chịu chút nào.

 

Không ít nhân viên lớn tuổi bất mãn vì chuyện sếp trẻ, chỉ đáng tuổi con mình mà lại được chỉ huy. Nhất là khi sếp được đưa lên không phải do thực tài, hay do con ông cháu cha thì càng khiến nhân viên cấp dưới bất mãn, hay ít nhất cũng “bằng mặt mà không bằng lòng”. Chuyện cũng dễ hiểu, bởi cứ nghĩ đến cảnh phải luồn cúi, dạ vâng với “đứa nhóc” bằng tuổi con mình, chưa biết tài cán ra sao thì chẵng dễ khiến người ta chấp nhận.

 

Càng nhân nhượng, càng lấn tới

 

Không ít vị sếp trẻ, mặc dù chẳng thích nhưng vẫn cần sự hỗ trợ và kinh nghiệm của nhân viên cấp dưới, đành “chịu đựng cho qua chuyện”. Thế nhưng, không phải nhẫn nhịn là yên ổn. Chẳng thiếu những vị sếp trẻ bị nhân viên “già” tranh quyền lực. Ngay cả chuyện công việc, tiền bạc không rõ ràng nhưng cũng vẫn không dám làm gì. Nói thẳng ra họ bị nhân viên cấp dưới “nắm đuôi”, xoay như bù nhìn chong chóng.

 

Quang Hà, 26 tuổi, vừa đi du học về, được bố mẹ xin cho vào một công ty đầu tư xây dựng. Quang Hà tốt nghiệp bằng thạc sĩ loại giỏi ở Mỹ. Anh nghiễm nhiên chiếm được chức... Giám đốc điều hành. Thế nhưng con đường để “giữ ngôi” của anh chẳng hề dễ. Anh phải lãnh đạo nhiều người đáng tuổi bố mẹ anh. Biết mình mới vào còn trẻ, Quang Hà rất “nhún nhường”. Thế nhưng điều đó khiến nhân viên của anh cảm thấy sếp mình... vô dụng, miệng còn hôi sữa, nên rất lộng quyền. Hà càng nhún nhường bao nhiêu, cấp dưới càng lạm quyền, leo “lên đầu lên cổ" anh bấy nhiêu.

Gặp kiểu nhân viên này rất khó xử nếu bạn không biết cách. Bạn dễ bị cấp dưới của mình “dắt mũi”. Tất nhiên, chẳng phải nhân viên thâm niên nào cũng hành xử như vậy. Trừ khi họ biết được sếp trẻ cần mình. Việc không có quan điểm, phải dựa dẫm vào “lính” lại càng tạo cơ hội cho cấp dưới dễ xoay mình hơn.

 

Mách bạn một số kinh nghiệm:

 

Để trở thành một người sếp giỏi, chuyện gặp những nhân viên “bằng mặt nhưng không bằng lòng” là chuyện thường thấy. Đừng nên để họ khiến bạn áp lực và mất đi sự hào hứng trong công việc. Hãy cho họ thấy rằng bạn cũng đang làm việc cùng họ, rất chăm chỉ và không chút bận tâm về những rào cản họ đang tự dựng lên.

Bạn cần nỗ lực hết mình bằng những hành động cụ thể như dậy sớm thức khuya gửi email cho kịp công việc. Cuối tuần và những lúc rảnh rỗi bạn cũng nên tranh thủ vào thực tế kiểm tra công việc của nhân viên. Luôn có mặt ở văn phòng và trên mạng. Tham dự tất cả cuộc họp dù đang rất bận rộn hay có việc riêng.

Hãy luôn thể hiện bản lĩnh của mình ngay cả khi bị gây khó khăn. Đặc biệt không nên ác cảm với những “nhân viên già khó chịu”. Luôn làm việc minh bạch, ngay cả khi những người gây khó khăn cho bạn có ý tưởng hay thực hiện công việc tốt. Thường xuyên khen thưởng nhân viên giỏi, xuất sắc trong công việc. Nếu chẳng may sai sót, hãy thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm của mình. Đồng thời việc quan tâm đến đời sống của các nhân viên dưới quyền, cũng khiến cho họ nể phục và yêu mến bạn đấy!


  • 23/08/2011 10:25
  • Theo aFamily
  • 2404


Gửi nhận xét