Công sở... "loạn ngôn"

Một môi trường giao tiếp thân thiện, gần gũi nơi công sở là nét văn hóa doanh nghiệp đáng tôn trọng, nhưng gần đây nhiều văn phòng của các công ty ở Việt Nam đã quá lạm dụng ngôn ngữ gia đình, xưng hô suồng sã không đúng nơi đúng lúc làm mất đi nét đẹp nơi công sở.

Thế giới văn phòng phong phú ngôn ngữ giao tiếp... (Ảnh minh họa)

Nếu như trước đây, ngôn ngữ của giới công chức Việt Nam chỉ quanh quẩn trong vài ba từ “thủ trưởng”, “cán bộ”, “đồng chí” thì nay với sự phát triển của xã hội và sự giao thoa về ngôn ngữ, có thể nói thế giới ngôn ngữ của dân văn phòng phong phú hơn bao giờ hết. Có lẽ ngôn ngữ của những người đi làm đa dạng chỉ sau thế giới trường học. Nhiều luồng ngôn ngữ xâm nhập vào thế giới công sở mang theo cả ưu và nhược, tạo nên một thế giới giao tiếp nhiều sắc màu.

Tây – Ta lẫn lộn

Một trong những phong cách dễ nhận thấy trong chốn công sở ngày nay là nói nhanh như gió, ngôn ngữ nửa tây nửa ta. “Bạn giải quyết problem (vấn đề) này như thế nào?”, “Em sure (chắc) chứ?”, “Mọi người đã clear (rõ) việc phải làm?”…Và thay vì các đại từ xưng hô bằng tiếng Việt, dân văn phòng thích gọi nhau bằng “Ai – ju”, “Moa - Toa”, “Ủa – Nỉ”…, cách xưng hô trực tiếp của dân ngoại ngữ Anh, Pháp hay dân “sính” Hoa ngữ.

Giới đi làm ngày nay dường như xem ngôn ngữ nửa tây nửa ta là thước đo của sự chuyên nghiệp. "Đi làm bây giờ cần nhất là sự nhanh nhẹn và tiếng Anh lưu loát. Vì vậy, mình vừa nói tiếng Việt, vừa đệm tiếng Anh thì có thể trau dồi thêm vốn từ ngữ và tập nói luôn" – Thanh Tuyền, nhân viên một công ty quảng cáo cho biết.

Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp tỏ thái độ mất cảm tình với những ứng viên thích dùng đệm các tiếng nước ngoài trong khi giao tiếp. Họ cho rằng việc đệm ngôn ngữ như vậy là do họ “sính ngữ”, nó không phải là biểu hiện của người làm việc chuyên nghiệp. Họ khẳng định biết cách sử dụng tiếng Việt nhuần nhuyễn và trong sáng mới thực sự là người có khả năng giao tiếp và làm việc tốt nơi công sở.

Ngôn ngữ gia đình “lên ngôi”

Công sở đã biến thành gia đình lúc nào không hay bởi những kiểu xưng hô “mẹ ơi, cho con ứng ít tiền” hay “chồng ơi, đi ăn cơm với vợ nhé…” ngày càng tràn lan và được dân văn phòng ủng hộ nhiệt liệt.

Không biết từ bao giờ, chị Hải, kế toán của công ty tôi đã trở thành "mẹ" của một loạt nhân viên “choai choai” trong công ty. Người này xưng mẹ, người kia gọi u, cứ như giữa họ có mối quan hệ ruột thịt vậy. Hễ có việc động đến kế toán, mọi người đều chăm chăm sang nhờ mẹ Hải. Lâu dần thành thân, có chuyện gì khúc mắc, nhiều người cũng chạy vào tỉ tê với mẹ. Hồi mới được “phong chức”, chị Hải thấy ngại ngại nhưng giờ đây, chị dường như cũng thấy vui với cách gọi ấy. “Gọi như thế cũng thân thiết hơn và chị em làm việc với nhau trong công ty cảm giác ấm áp hơn”, chị Hải nói.

Đấy là cách xưng hô với những người lớn tuổi, còn giữa lớp trẻ với nhau họ có những cách gọi kiểu “gia đình” khiến người ngoài cuộc không thể không bị “choáng”. Tiêu biểu nhất là kiểu gọi “vợ vợ - chồng chồng”. Trong nhiều văn phòng không còn lạ gì những tiếng gọi như “chồng ơi, đi ăn sáng với vợ”, “chồng hôm nay mệt hay sao mà mặt mày ỉu xìu thế”… Khi khác lại nghe “vợ ơi, đi ăn không”… cứ như họ là một gia đình thực thụ nhưng thực tế 100% cặp đôi đó là đồng nghiệp không hơn.

Một môi trường giao tiếp thân thiện, gần gũi nơi công sở là nét văn hóa doanh nghiệp đáng tôn trọng nhưng gần đây nhiều văn phòng của công ty Việt đã quá lạm dụng ngôn ngữ gia đình, xưng hô suồng sã không đúng nơi đúng lúc làm mất đi nét đẹp nơi công sở. Các công ty chuyên nghiệp và các công ty nước ngoài rất phản cảm với kiểu giao tiếp thân tộc này.

Không nên lạm dụng ngôn ngữ gia đình, xưng hô suồng sã không đúng nơi đúng lúc làm mất đi nét đẹp nơi công sở... (Ảnh minh họa)

Gọi nhau bằng biệt danh

Kiểu xưng hô này khiến nhiều chuyện “dở khóc dở cười” đã xảy ra nơi công sở...

"Ê, cùi bắp, sao hôm qua chở "má" đi bơi mà nói là đi công chuyện gấp hả mày, định "cắm sừng" tụi này hả. Xử mày một khung tuyết" - T.T, một nhân viên phòng kinh doanh của một công ty IT ở Q.7 ném nguyên tràng ngôn ngữ "nghe hiểu chết liền" vào đồng nghiệp khác khi vừa bước vào phòng. Câu này có thể tạm "dịch" là: "Ê, bồ tèo, hôm qua chở bạn gái đi chơi sao lại nói đi công chuyện gấp... Xử mày một két bia đông tuyết".

Gọi nhau bằng nick name đang là “mốt” nơi công sở. Nick name càng độc, càng ấn tượng, càng hấp dẫn! Nhiều nhân viên cho biết cách gọi bằng biệt danh có thế giúp họ xả stress bởi mỗi khi nhắc đến biệt danh nào ngộ nghĩnh, cả phòng lại cười rộ lên. “Tụi mình xả bớt xì-trét cũng nhờ nó đó" - Trung Kiên với biệt danh "cò trọc", kiến trúc sư một công ty thiết kế nội thất cười nói.

Tuy nhiên, đôi lúc với đồng nghiệp cùng trang lứa, việc gọi nhau một cách thoải mái, đặt cho nhau những biệt danh "khó nuốt" lại rất dễ gây tác dụng ngược. Do quen miệng nên trong một cuộc mở thầu với khách hàng, anh Đức, nhân viên phòng Đầu tư của Công ty Viettel bị đồng nghiệp vẫn gọi cái tên hay trêu đùa “Đức Dê” chỉ vì anh hồi trước học lớp D… “Lúc đó, tôi chỉ muốn độn thổ luôn", anh Đức giãi bày.

Rõ ràng, gọi nhau bằng biệt danh có thể làm cho đồng nghiệp trở nên thân thiết  và cuộc nói chuyện giữa mọi người vui vẻ, cởi mở hơn nhưng việc sử dụng chúng quá vô tư, đặc biệt là với các biệt danh quá “độc” như "K.khùng", "H.già" hay "M. đểu", “Đ.dê”… sẽ khiến người  nghe rất dễ bị phản cảm và làm cho người đối diện mất đi chút ít thiện cảm với mình trong khi giao tiếp. Là nhân viên công sở, bạn nên tránh làm mất sự tự tin và giữ thể diện cho đồng nghiệp nếu sử dụng nick name của họ.


  • 28/09/2011 08:49
  • Theo Tầm Nhìn
  • 2538