Ức chế khi đồng nghiệp... nói nhiều

Hễ cứ đến cơ quan, Ngân lại nói nhiều vô kể. Bất cứ chuyện gì, dù lớn dù bé, dù riêng tư hay chuyện công việc cũng đều trở thành đề tài cho cô "tám" không ngừng nghỉ.

Nói nhiều và nói bất cứ đề tài nào làm người ta hết khôn lại... thành dại (ảnh minh họa)

"Bà Tám" công sở

Không ít lần, chị em đồng nghiệp nhắc Ngân nói ít đi một tý, thế mà chỉ được 30 giây, mọi việc lại đâu vào đấy. Cái tật nói nhiều như đã thành bệnh, ăn vào máu thịt của Ngân khiến cô có muốn bỏ cũng không được. Sáng đến, Ngân buôn từ chuyện ngủ nghê tối qua, đến chuyện sáng nay ăn gì...

Giờ làm việc, dù bận rộn đến mấy, Ngân cũng tranh thủ thời gian thao thao bất tuyệt vài chuyện. Đã nói nhiều, Ngân lại còn mắc bệnh "hóng", hễ nghe ai nói gì là lại nghển cổ lên nghe ngóng, rồi bàn tán. Hôm nào công ty có chuyện gì "đình đám" thì khỏi phải nói, Ngân có thể bình phẩm đến vài ba ngày.

Tạng người Ngân hơi thấp, lại mập, nên đồng nghiệp vẫn đùa rằng, Ngân béo ra là nhờ nói, nếu không được nói, chắc cô nàng phát bệnh hoặc chí ít cũng hao mất vài cân. Những người ngồi cạnh Ngân, cứ dăm bữa lại kêu trời kêu đất vì cô nàng táy máy và nói rõ nhiều. Có khi đang làm việc, Ngân lại quay sang hỏi dăm câu ba điều về một vấn đề nào đó chẳng có liên quan gì tới công việc. Có cáu gắt, Ngân cũng chỉ im lặng được lúc đó, rồi vẫn chứng nào tật nấy, cứ như thể, không nói là Ngân lăn ra ốm ngay được. Thế nên, không ít đồng nghiệp ngồi cạnh được vài hôm lại lấy cớ này cớ nọ để "chuồn" ra chỗ khác, dù không thích vị trí ấy lắm, nhưng họ tự động viên rằng "cứ có chỗ ngồi tránh xa cái loa phát thanh của công ty là được”.

Đã ngoài 30 tuổi, chồng con đề huề, chị Mai vẫn không bỏ được tật nói nhiều. Mà không chỉ trong các cuộc họp hay những cuộc liên hoan, không ít lần, đồng nghiệp khó chịu ra mặt vì đang giờ làm việc hay giờ nghỉ trưa, giọng chị vẫn lanh lảnh, nói những chuyện chẳng ai thèm để ý.

Nhiều hôm, mọi người đang tranh thủ nghỉ trưa một chút, chẳng hiểu Mai đi đâu về, mồm miệng lại nói oang oang, khuấy tung cả công ty, làm ai cũng giật mình. Mà có phải là chuyện gì khẩn cấp, nghiêm trọng gì cho cam, chị buôn cái chuyện đi ngoài đường có hai cô bé xinh, trẻ bị công an phạt vì vượt đèn đỏ; hay chuyện một đôi tình nhân nào đó vừa đi đường vừa cãi nhau, hoặc có lúc cũng chỉ kể hôm nay mua được món đồ giá rẻ... mà thôi. Chuyện chẳng đâu vào đâu, thế mà Mai cứ kể say sưa, ầm ĩ cả văn phòng. Phê bình cũng chẳng có tác dụng gì, mọi người phải bàn nhau, mỗi khi chị Mai kể chuyện, đừng ai tham gia, để chị ấy nói một lúc rồi chán mà im lặng.

Đồng nghiệp… lắc đầu

Những người mắc bệnh nói nhiều thường rất vô tư, không để ý đến thái độ khó chịu của những người xung quanh. Vì thế, họ cứ liến thoắng kể lể, buôn chuyện khi đồng nghiệp lắc đầu, lè lưỡi vì... ngán. Từng "va chạm" đồng nghiệp nói nhiều, nên Yến luôn cảm thấy ái ngại mỗi khi chẳng may phải làm việc với người hay nói.

"Một đồng nghiệp nói nhiều đã mệt lắm rồi, cứ thử tưởng tượng ở một công ty có vài ba thành phần như thế thì chắc anh em đến nổ đầu mất. Có lần, sắp hết hạn hoàn thành công việc rồi, giấy tờ chất như núi, vậy mà cô nàng đồng nghiệp ngồi cạnh cứ ra rả suốt ngày không chán, từ chuyện thời trang, quán xá đến chuyện gia đình, con cái, đến ong hết cả đầu". Đã bao lần, Yến bực bội, thậm chí cãi nhau với đồng nghiệp chỉ vì cô ta nói quá nhiều nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy. Yến hiểu, chẳng gì có thể thay đổi được bản tính của họ nên lâu dần, cô tự rút ra kinh nghiệm cho mình "với những người ấy, tốt nhất là nên tránh cho xa".

Anh Hòa - người làm cùng phòng với chị Mai cũng không ít lần cau có vì thói nói nhiều của chị, dù nếu xét ra, ngoài cái tật "lắm lời" ấy, chị Mai khá thân thiện, tốt bụng với mọi người. "Nhiều lần góp ý nhưng vẫn chứng nào tật nấy, tôi cũng nghĩ ra một kế để thoát khỏi giọng nói ra rả mỗi ngày của chị ấy. Đó là đeo phone nghe nhạc. Đôi khi chỉ là giả vờ đeo thôi, nhưng nói mãi chả thấy đáp lời, Mai sẽ nghĩ rằng tôi đang mở nhạc to nên không nghe thấy và sẽ không buôn chuyện nữa". Theo anh Hòa: "Những người nói nhiều thường lại nói những chuyện không đâu, cứ hết chuyện khôn lại đùn chuyện dại. Nhiều khi họ đem cả việc riêng tư của mọi người ra để kể giữa văn phòng, ai mà chịu nổi". Sự dị ứng của anh Hòa đối với những đồng nghiệp "lắm lời'' cũng là quan điểm của đa số nhân viên công sở hiện nay.

Chẳng ai thích những người nói nhiều, nhất là nói những chuyện không đâu. Vì thế, đừng tự biến mình thành nỗi khó chịu cho mọi người chỉ vì cái thói ham chuyện, ham nói.


  • 19/12/2011 02:00
  • Theo thegioisanhdieu.vn
  • 2878


Gửi nhận xét