Ăn gì trưa nay?

Cánh đàn ông chủ động tham gia bữa ăn vui vẻ cùng với “mấy mụ già”. Các chàng chưa vợ thì khỏi phải nói, cứ là rối rít khoe tiết kiệm được ối, nhờ những bữa cơm trưa chống bão giá của mấy bà chị cơ quan…

(Ảnh minh họa)

Câu hỏi tưởng như lãng xẹt, chẳng ăn nhập gì với một cơ quan thuần chuyên môn, sản phẩm được nhào nặn bằng trí não 100%, như cơ quan của tôi. Nhưng, “Trưa nay ăn gì?” lại đang là đề tài “sốt sình sịch” của không riêng gì “mấy mụ đàn bà ngồi lê” (cách gọi hài hước dành cho chị em của cánh đồng nghiệp nam), mà dường như đã lan tỏa khắp cơ quan.

Anh chàng Trung, chưa vợ, mới hơn 10h sáng đã "lỏn lẻn" đến bên chị Nga trưởng phòng: “Chị cả ơi, giờ em phải đi hỏi ý kiến sếp để triển khai nốt cái đề tài nghiên cứu của em, nhưng nhớ dành cho em một suất cơm trưa cùng với các chị nhé!”. Chị Nga gật đầu cười. Cô bé Lan ngồi kế bên chị liền tranh thủ hỏi han: “Chị, thế trưa nay mình ăn gì?”, “Ừ, thì bún đậu mắm tôm hay tạm tạm cái gì đó, thôi làm đi, trưa tùy cơ ứng biến!”.

“Tùy cơ ứng biến!” là cái kế sách vô cùng thông minh, có tình, có lý, lại hợp thời của cánh phụ nữ trong cơ quan. Thời buổi thóc cao, gạo kém, giá cả tăng vù vù, trong khi đồng lương giậm chân ình ịch một chỗ, chị Nga bảo không biết ứng biến tùy cơ, mà cứ vung tay quá trán, thì chỉ có cho chồng con ăn mì gói, cơm rau dưa cả tháng.

Cái chân lý đó của chị em phụ nữ cơ quan tôi, dường như càng được phát huy hết công suất, liên tục thay đổi giải pháp, để an toàn song hành cùng lạm phát. Bởi, ngoài đồng lương theo ngạch bậc, chúng tôi chẳng có đồng ra, đồng vào như các doanh nghiệp kinh doanh khác. Đồng lương nhỏ được chia năm xẻ bảy, tính toán đến chi li cho từng kế hoạch mỗi tháng.

Nhất là từ hôm 20/4, khi “ông xăng dầu” chính thức tăng giá xăng thêm 900 đồng/lít, vị chi tăng tới 3000 đồng mỗi lít trong vòng hơn một tháng, khiến thị trường đua nhau “tăng được gì cứ tăng”, giá cả leo thang vùn vụt, khiến chị em chúng tôi càng thêm đau đầu để giải quyết bài toán tưởng chừng quá đơn giản, là lên thực đơn cho mỗi bữa trưa.

Có những chị nhà ngoại thành, tranh thủ dậy sớm nhặt nhạnh rau trong vườn, xào xào, nấu nấu, xúc tạm vài muôi cơm, thức ăn thì có gì ăn vậy, mang đến cơ quan.

Một vài chị khác thì đưa ra sáng kiến tổ chức “bữa ăn đồng đội”, tức là mỗi người một món góp lại, quây quần ăn chung, chia sẻ, nhường nhịn, thế là ai cũng có bữa ăn tạm đủ chất mà vẫn rất tiết kiệm.

Chị Nga cùng nhóm chúng tôi thì tùy cơ ứng biến, hôm thì góp tiền mua đồ ăn từ sớm, đến để tủ lạnh cơ quan, trưa cùng bày biện ra, hôm thì kéo nhau ra quán vỉa hè, có khi nhờ một chị mua “hàng đồng giá bình dân” như xôi, bánh mì từ nhà đem đến. Quy luật số đông cùng chia sẻ rủi ro, khiến túi tiền của chị em ít bị hao tổn hơn.

Để tránh “cám dỗ shopping”, chị em chúng tôi thay sở thích lượn phố như trước đây bằng những bữa trưa tụ tập vui vẻ tại cơ quan, cùng nhau chia sẻ bí quyết nuôi dạy con cái, giữ lửa gia đình, bí quyết kết hợp trang phục, hô biến những bộ cánh cũ thành mới, hay mua bán, trao đổi đồ cũ qua các trang mạng…

Có chị chuyển hẳn sang đi xe bus, thay vì bon bon trên xe máy, vừa mệt vừa hao tổn túi tiền vì xăng. Vài em trẻ khỏe chân, mạnh tay, không ngại đạp xe đi làm “vừa khỏe, đẹp người, lại đỡ tốn kém”.

Cách chèo chống linh hoạt qua lạm phát của chị em phụ nữ, khiến cánh đàn ông trong cơ quan tôi thích mê. Các chàng cứ tấm tắc khen ngợi chị em tôi giỏi xoay xở, biết tiết kiệm tối đa số tiền trong túi. Các chàng cũng rủ nhau bỏ dần những buổi trưa trong nhà hàng, hay lê la ở quán cà phê giết thời gian, chủ động tham gia bữa ăn vui vẻ cùng với “mấy mụ già”.

Tình cảm đồng nghiệp trở nên gần gũi, cởi mở, chân thành hơn trong thời bão giá, sếp cũng thông cảm, hòa đồng với nhân viên hơn. Mấy chàng chưa vợ thì còn phải nói, cứ là rối rít khoe tiết kiệm được ối, nhờ những bữa cơm trưa chống bão giá của mấy bà chị cơ quan.

Chị Nga bảo, phụ nữ chúng tôi, nào có giỏi giang gì, cái khó ló cái khôn thôi, chèo chống qua bão giá, lạm phát cũng chính là một cách chia sẻ trách nhiệm với chồng con, với xã hội.


  • 28/04/2012 09:22
  • Minh Hạnh
  • 2457


Gửi nhận xét