(ảnh minh họa)
|
Từ rắc rối....
Trong cơ quan, có những người đã nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục được mời làm việc ở vị trí cố vấn, chuyên gia tư vấn... và cũng có những tân cử nhân vừa ngoài 20 tuổi. Khoảng cách vài chục năm tuổi tác ấy nhiều khi tạo nên rào cản trong cách giao tiếp, xưng hô.
Dường như với những ứng viên trẻ, cách xưng hô với người cao tuổi nơi công sở đã thành "luật bất thành văn": "Không có chú cháu, cô bác gì cả, trong quan hệ công việc, cách xưng hô duy nhất là anh - em, chị - em".
Hồi mới vào công ty, Linh gặp người lớn tuổi hơn cả bố mình. Nếu còn đi học, Linh sẽ chẳng đắn đo khi gọi người này là bác. Thế nhưng, giờ đã đi làm, phải người lớn hơn và giao tiếp cũng cần chững chạc hơn, Linh trung thành với "lý thuyết không chú cháu" và xưng anh - em khi làm việc dù vẫn có chút ngượng ngùng. Nhưng điều khiến Linh phải một phen đỏ mặt là đồng nghiệp lớn tuổi ấy lại gọi Linh là cháu và xưng tôi, bất kể Linh mở đầu thế nào. Về sau, nghe các đồng nghiệp cùng phòng nói chuyện, Linh mới biết, mấy người trẻ như Linh ở công ty đều gọi người đó là chú với sự nghiêm túc, trân trọng thực sự. Biết mình bị hớ, Linh chỉ còn cách thay đổi thật nhanh để xưng hô cho phù hợp với văn hóa công ty.
Trường hợp của My cũng hài hước không kém khi kế toán trưởng ở công ty là một chị khá lớn tuổi, tính ra chỉ kém mẹ My vài tuổi mà thôi. Ở công ty mọi người đều gọi kế toán trưởng là chị và My mặc nhiên tuân theo cách gọi đó không chút đắn đo. Đợt mẹ My ốm, công ty đến nhà thăm, có kế toán trưởng đi cùng và cách xưng hô ấy bắt đầu nảy sinh bất cập. Một mặt, kế toán trưởng gọi mẹ My là chị, xưng em. Mặt khác My cũng gọi kế toán trưởng là chị xưng em, thế là, mối quan hệ và cách xưng hô giữa My - kế toán trưởng và mẹ My thành một vòng tròn, không hề thống nhất. Không chỉ có My, đợt công ty tổ chức đi du lịch hè hay du xuân đầu năm, nhiều người đưa mẹ đi cùng. Rồi khi gặp con gái của kế toán trưởng, My cũng chỉ xưng hô "cậu - tớ" vì hai người bằng tuổi nhau. Thành thử, cô vô tình gọi bố mẹ bạn là anh chị. Lúc đó, nhiều người khác cũng nhận ra sự bất hợp lý trong cách xưng hô ấy. Tất nhiên cũng không phải là chuyện gặp hằng ngày nên sau một lúc ngẫm nghĩ mà vẫn chưa biết giải quyết thế nào, mọi người cũng đành chấp nhận sự thật hơi nghịch lý ấy.
... đến những "sáng kiến" bất ngờ
Gặp khó khăn trong cách xưng hô với đồng nghiệp cao tuổi, nhiều người đã nảy ra sáng kiến, đôi khi cũng khiến người khác bật cười.
Làm việc tại công ty xuất bản sách mấy năm nay, chị Hòa tỏ ra có chút kinh nghiệm hơn trong cách xưng hô, ứng xử với các bậc "cao niên". Chị Hòa kể, hồi mới đi làm cũng vấp phải không ít cú "phốt" vì vụ xưng hô này, nhiều khi ngượng chín người chỉ muốn chui xuống đất. Về sau, chị tự rút ra cho mình một bí quyết, với những người hơn nhiều tuổi như thế, tốt nhất là nên gọi bác xưng em. Khi đồng nghiệp thắc mắc, cách giải thích của chị Hòa "gọi như vậy đỡ ngại, mà có gì còn giải thích được là gọi thay cho con mình vậy", khiến các đồng nghiệp không thể nín cười.
Nhiều ứng viên khi đi phỏng vấn cũng ú ớ, không biết nên chào người phỏng vấn là anh hay chú, thành thử cứ chào bằng cách gật đầu, mấp máy môi, đợi người ta mở lời trước mới dám xưng hô. Thế mới có chuyện bạn tôi chỉ thích phỏng vấn bằng Tiếng Anh, vì dù người lớn tuổi đến mấy vẫn xưng "I" (tôi) và "You" (bạn).
Theo một số người làm việc ở vị trí nhân sự tại các công ty tư nhân, cách tốt nhất là nên tùy vào từng đối tượng và sở thích của họ mà có cách xưng hô phù hợp. Người nào thích xưng hộ anh - em thì cứ gọi anh - em, ai muốn xưng là chú - cháu thì mình cũng xưng hô là chú - cháu. Nghĩa là, chúng ta vẫn phải nhớ rằng, phải biết "tùy cơ ứng biến", bởi "Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".