Sếp mắng... để rồi thương

“Đi ra ngay, làm ăn thế thì húp cháo mà sống à...”, tiếng quát tháo vọng ra từ phòng sếp khiến ai nghe thấy cũng phải lắc đầu, lè lưỡi.

Ảnh minh họa

Lại có ai đó làm sai ý sếp, khiến sếp nổi trận lôi đình…?

Mà khi sếp giận thì "trời cũng bằng vung". Sếp nạt nộ, quát tháo. Ban đầu, nghe những lời thô lỗ "bay" ra từ miệng sếp, ai cũng rất khó chịu, sau đành tìm cách thích nghi, vì “phút thăng hoa” đó của sếp sẽ tái đi tái lại nhiều lần trong từng hoàn cảnh, chứ không theo kiểu “huy hoàng rồi chợt tắt”.

Đầu óc sếp vào loại “có sạn”, từ Đông – Tây – Kim – Cổ, vấn đề gì sếp cũng am tường và có thể tranh luận cả ngày không chán. Sếp quản lý thì thôi rồi, bé như cái kim, sợi chỉ cũng không lọt. Ai hoàn cảnh như nào, tính cách ra sao, sếp đều nắm rõ như lòng bàn tay.

Nhân viên trong công ty kháo nhau rằng, giá sếp không hay nạt nộ, quát tháo, hẳn ông sẽ là nhà quản lý hoàn hảo bởi đằng sau tính cách nóng nảy, những lời thô lỗ ấy là trái tim vô cùng ấm áp, nhân hậu.

Chả thế mà vụ cưới xin nào của nhân viên cũng nhận được quà, tiền mừng của sếp. Đám hiếu “tứ thân phụ mẫu” của nhân viên, dù có bận mấy, sếp cũng dành thời gian đến phúng viếng, thăm hỏi. Người thai sản có chế độ đàng hoàng, người ốm đau được thăm nom, người có con nhỏ được linh động thời gian, người có gia cảnh khó khăn được sếp kêu gọi đồng nghiệp tương trợ…

Vì vậy, ngoài sự nóng nảy và thô lỗ, sếp là một người lãnh đạo có tài, có tâm, lại rất công bằng. Ai làm việc hiệu quả, có ý tưởng sáng tạo, sếp lập tức tuyên dương, khen thưởng. Ai làm việc hời hợt, thiếu tư duy, thiếu trách nhiệm thì sếp ghét, sếp bực. Mà khi đã làm sếp bực rồi thì chuyện bị hứng chịu những lời thô lỗ của sếp cũng là... đương nhiên.

Nhiều người thấy khó chịu với tính cách của sếp đã bỏ đi, nhưng sau đó lại tìm về, vì họ thấy ở những chỗ khác, chế độ lương thưởng không bằng. Lại nữa, sếp ở những chỗ khác tuy lịch sự, nói năng kiểu cách nhưng xa lạ với nhân viên, hoàn cảnh của nhân viên thế nào, khó khăn ra sao họ cũng không nắm rõ để động viên, hỗ trợ… Nhân viên rời bỏ công ty, rồi tìm cách quay lại vẫn được sếp chấp nhận. Sếp chỉ mắng cho “lũ ngu mà lười” một trận, rồi sau đó lại sắp xếp công việc cho họ.

Nhân viên bảo nhau rằng, sếp có nóng, có thô nhưng còn tốt đẹp hơn chán vạn những ông sếp lịch sự khác. Thôi thì đành lựa tính sếp mà sống sao cho sếp hài lòng. Mà điều khiến sếp hài lòng nhất là hiệu suất công việc, là sự năng động sáng tạo, là thành tích của cả tập thể. Sếp hài lòng, tức là mọi chuyện đều trôi chảy, tốt đẹp, công ty làm ăn khấm khá, lương, thưởng cũng từ chuyện sếp hài lòng mà tăng đều đặn.

Nhiều khách hàng, đối tác đã rất ngạc nhiên khi vô tình chứng kiến những trận lôi đình của sếp, vô tình nghe những lời thô lỗ từ miệng sếp, vậy mà nhân viên vẫn bình thản chịu trận, rồi lăn xả vào công việc. Họ còn ngạc nhiên hơn khi biết nhân viên đã vào đây làm chẳng ai muốn bỏ đi, và doanh thu của công ty cứ tăng đều đặn dù lạm phát kinh tế khiến không ít công ty phải phá sản hoặc tuyên bố giải thể.

Hỏi đến thì sếp cười khì khì, “Làm gì có bí kíp nào ngoài việc sống thật tâm, làm việc thật lực, yêu thương nhân viên như người thân. Chuyện mắng mỏ là chuyện chẳng đặng, mà thô mãi rồi cũng thành thói quen chẳng bỏ được… Nhưng nịnh nọt nhân viên để rồi thiếu trách nhiệm, để cuộc sống của họ đói khổ thì tôi chẳng làm được. Mắng họ, để rồi thương họ, dẫu sao đạo đức cũng hơn thói lịch sự rởm đời!”


  • 31/05/2012 03:53
  • H-Nguyễn
  • 4222


Gửi nhận xét