Tôi cũng chẳng hiểu bố tôi nghĩ gì, khi gửi tôi đến đây làm việc. Gọi là công ty xuất nhập khẩu cơ khí cho oai, chứ chính xác giống một cái nhà xưởng hơn. Chỗ này vài người đang đóng thành phẩm, chỗ kia một nhóm người đang bốc dỡ hàng lên, xuống xe; chỗ khác người ra, người vào... Ai cũng luôn tay, luôn chân làm việc. Phòng của sếp quây bằng tôn và kính, gần phía cửa sổ, ngoài cái bàn gỗ, cái máy in, máy fax, điện thoại, còn có một tủ sách nhỏ xếp kín đủ mọi loại sách từ khoa học, văn học đến kinh doanh…
Sau màn chào hỏi, với những câu phủ đầu chẳng mấy cảm tình, sếp lại túi bụi với công việc, nào điện thoại, nào đặt hàng, tiếp nhận hợp đồng, rồi lại chạy ra chạy vào sắp đặt công việc cho mọi người, đến cái liếc mắt dành cho tôi cũng không. Quá trưa, khi cái bụng tôi đã sôi ùng ục vì đói, vẫn thấy sếp và mọi người mải miết làm việc, nghe đâu để kịp mấy chuyến hàng ngày mai. Mãi đến gần hai giờ chiều, sếp mới vỗ vai tôi, lúc này đang đứng lớ ngớ một góc, giục đi ăn cơm.
Ngày làm việc đầu tiên của tôi diễn ra tẻ nhạt như thế. Ngày thứ hai, thứ ba cũng chẳng hơn gì, sếp bảo thấy cái gì “trái mắt” thì làm, đừng đợi dắt tay chỉ việc. Tôi ấm ức lắm, rõ ràng sếp chẳng coi cái bằng cử nhân kinh tế loại khá của tôi ra gì. Đem “cục tức” về mách bố, bố bảo tôi cần kiên nhẫn, được làm việc và học hỏi sếp là một diễm phúc với tôi.
“Muốn thành công phải thành thạo từ công việc nhỏ nhất, phải làm thợ giỏi mới mong làm thầy, mà làm thầy rồi cũng không được ngại làm thợ…”. Bởi cái lý luận ấy, sếp chẳng sắp xếp cho tôi một việc nào cụ thể. Chỗ nào, bộ phận nào cần người phụ giúp, sếp đều bảo tôi đến đó làm cùng mọi người.
Ban đầu, tôi làm tất cả những việc sếp giao với tâm lý rất hậm hực. Tuy nhiên, nhìn mọi người hăng say làm việc, lại đối xử với nhau rất thân tình, tôi đã nhận thấy cái "uy" ngầm từ sếp, một sự tôn trọng chân thành của tất cả người lao động ở đây dành cho sếp.
Để tâm hỏi han, tôi mới biết, sếp là một thương binh mất gần 60% sức khỏe. Không đầu hàng đói nghèo, bệnh tật, sếp làm mọi việc để cải thiện kinh tế gia đình, từ làm mộc, đóng gạch... sếp đều trải qua. Sau nhận thấy nghề thu mua sắt vụn vừa không mất vốn, vừa lãi, nên vợ chồng sếp đầu tư thời gian đi lùng mua ở các xã, các huyện lân cận, rồi phân loại ra bán. Trải qua mấy năm, tiền lãi kiếm được từ nghề thu mua đồng nát cộng với vốn vay từ ngân hàng, sếp mạnh dạn phát triển thành công ty thu mua phế liệu, rồi chuyển thành công ty xuất nhập khẩu cơ khí như bây giờ.
Sếp làm việc suốt ngày, lo lắng cho nhân viên từng miếng cơm, manh áo. Người nào có hoàn cảnh khó khăn, sếp đều tìm cách giúp đỡ. Trong đối đãi thì thân tình, trong công việc thì nghiêm túc, hăng say... Sếp bảo mọi thói quen có được bởi từng may mắn là “lính cụ Hồ”, mọi thành công đều đến từ sự nghiêm túc, cầu tiến.
Làm việc với sếp một thời gian, tôi mặc nhiên “bị” sếp cảm hóa. Từ thái độ gượng ép ban đầu, giờ tôi đã không còn tư tưởng ngại việc, lại ham học hỏi, tôi được các anh chị em trong công ty rất quý mến. Tôi đoán sếp cũng hài lòng, nhưng ông rất kiệm lời khen với tôi, nếu tôi làm rất xuất sắc một việc nào đó, cùng lắm chỉ được sếp vỗ vai: “Khá đấy. Cố gắng lên nhé”.
Thương nhất là những khi trái gió trở trời, vết đạn nằm sâu trong đầu hành hạ sếp. Ông vã mồ hôi vì đau đớn, nhưng cắn răng không kêu. Mọi người ái ngại cho sức khỏe của sếp, ông đều xua tay: “Các cậu cứ lo việc của mình đi. Tớ không sao đâu. Tớ vẫn chịu được”.
Mấy hôm vừa rồi, trời nóng như thiêu như đốt, công việc nhiều, sức khỏe của sếp không đủ sức chống đỡ, ông lăn ra ốm. Nằm một chỗ mà ông cứ lăm lăm cái điện thoại, cắt cử, điều hành công việc, hễ ai vào thăm là ông lập tức hỏi han tiến độ công việc.
Sếp tôi là như vậy đó. Mãi sau này, tôi mới hiểu thâm ý sâu xa của bố khi gửi tôi đến làm nhân viên của sếp. Tôi đã học được rất nhiều điều từ sếp - một người lính cụ Hồ.