Việc nhà sếp phải như việc nhà mình

Những thói quen ấy dần ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người. Bây giờ, khi nhà sếp có ma chay, cưới xin thì ôi thôi sếp bận một, quân cán có khi bận mười, cơ hồ như việc nhà sếp mình càng phải trân trọng thực hiện thật tâm hơn hẳn việc nhà mình.

Lo việc nhà sếp xong lại họp phòng để "thẳng thắn phê bình những trường hợp không đến tham dự" - Ảnh minh họa

Chuyện là mẹ của sếp trưởng chúng tôi mất do tuổi cao, bệnh trọng. Sếp tôi là lãnh đạo của một sở lớn trong tỉnh nên việc người đến dự đám tang đông cũng là điều phải lẽ.

Duy có điều, nhà sếp có tang mà cơ quan chúng tôi cũng còn buồn hơn nhà đám. Bao nhiêu xe con, xe to của cơ quan ngày ngày túc trực ra vào nhà sếp. Bao nhiêu quân cán từ to tới nhỏ lo lắng, lăng xăng xung quanh. Anh trưởng phòng bình thường quát quân to tiếng thế mà nay cũng dịu dàng hẳn với việc kiểm điểm quân mình có đến đủ hay chưa, có ở lại giúp mời nước, nấu cơm hộ gia đình không? Thậm chí cậu quay phim cho đám hiếu chỉ vì tội đến muộn mà nhận được cái lừ mắt như dao sắc của trưởng phòng, khuyến mại thêm câu nói: "Cậu còn muốn làm ở cơ quan này hay không?"

Những câu chuyện như vậy hiện nay không phải là hiếm. Nói xui mồm, có người nhà của vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước nào không may mất đi thì thôi cả tỉnh đó nườm nượp xe ra xe vào. Thôi thì cảnh sát giao thông, quân đội được cử làm nhiệm vụ dẫn đoàn thật tấp nập. Dân chúng cứ được phen "ối à", đám ma nhà ai mà to thế. Mặc nhiên chuyện nay như thế, nhưng có nhiều vị lại luôn luôn rất chăm chỉ với chuyện nhà sếp, trong khi chuyện nhà mình có khi lại chẳng buồn động tay. Nguyên nhân là từ đâu?

Thực tế sự xu nịnh, a dua nay đã trở thành trào lưu hay sao? Quân không đến hộ công việc nhà cho lãnh đạo thì sợ sếp ghét, sếp trù dập. Bởi lẽ có những vị lãnh đạo phòng sau khi lo xong xuôi công việc của gia đình bèn tổ chức họp phòng để “thẳng thắn phê bình những trường hợp không đến tham dự”. Rằng “chúng ta cần phải thực sự nhìn nhận và nghiêm khắc sửa chữa thói quen này để tạo sự đoàn kết trong nội bộ…”.

Có những người hăng hái quên mình cho công việc nhà sếp vì mong cầu thăng tiến trong sự nghiệp, mong sếp nhìn thấy tấm lòng thành và trở thành cánh tay phải của sếp trong tương lai. Cũng có những người đi vì mọi người đều đi, chả nhẽ một mình mình chống lại ý trời?

Người Việt Nam vẫn sống bằng lễ, ảnh hưởng theo tư tưởng của Nho giáo. Cho nên phàm chuyện hiếu, chuyện hỷ đều cần nghiêm túc thăm nom cầu kỳ theo phương châm “Của cho không quý bằng cách cho”. Âu đây cũng là dịp quân cán thể hiện lòng thành với sếp, ghi điểm thêm cho mình. Thói đời, phải chăng chủ nghĩa hiện sinh đang chiếm ưu thế?


  • 16/07/2012 10:47
  • Theo trang điện tử Tuyên giáo
  • 3039


Gửi nhận xét