Những đôi chân không mỏi

Nói đến nghề khảo sát điện là nói đến vất vả, gian nan. Có chứng kiến công việc thường ngày, mới thấy được sự tận tụy, lao tâm khổ tứ nghề khảo sát điện nói chung và của những kỹ sư khảo sát Công ty Tư vấn điện miền Nam nói riêng. Họ là những con người có “đôi chân không mỏi”.

  Làm việc dưới nước là “chuyện thường ngày” của “lính" khảo sát điện

Chuyến công tác khảo sát cắm mốc tuyến đường dây 110 kV Trần Văn Thời - Sông Đốc - Phú Tân (Cà Mau) của chúng tôi rơi đúng vào những ngày mưa bão. Nhóm công tác gồm 5 người dự tính sẽ thực hiện công việc trong khoảng 3 tuần. Sau một ngày ngồi trên xe từ TP Hồ Chí Minh tới TP Cà Mau, chúng tôi tiếp tục di chuyển về huyện. Hai bên đường nước ngập trắng xóa, cây cối um tùm. Trưởng nhóm công tác nhìn chúng tôi lắc đầu và mỉm cười. Có lẽ anh đang nghĩ về những vất vả sắp tới mà chúng tôi phải vượt qua để hoàn thành đúng tiến độ công việc.

Công tác chuẩn bị khảo sát được thực hiện trước 2 ngày. Ngày thứ nhất, chia nhóm đi khảo sát sơ bộ tuyến tìm lại dấu vết cũ, đường vận chuyển thiết bị vật tư, chọn địa điểm đặt mốc. Ngày thứ hai, vận chuyển mốc đến vị trí đã chọn đưa vào tuyến cho dễ và chọn đoạn đường ngắn nhất. Đến sáng ngày thứ ba, trước khi xuất phát, trưởng nhóm hỏi lớn: “Hôm nay trời có thể mưa đấy, anh em chuẩn bị trang phục đầy đủ chưa?”. Do có sự chuẩn bị từ trước nên chúng tôi nhanh chóng trả lời chắc gọn: “Rồi!”. Và cuộc trải nghiệm của chúng tôi bắt đầu.

7 giờ sáng chúng tôi có mặt tại địa điểm tuyến, nhanh chóng triển khai. Trưởng nhóm khái quát lịch trình: “Hôm nay triển khai đo đạc cắm mốc toàn tuyến. Anh em sẽ phải làm việc ngoài trời, lội sình, trèo qua những cây đước, bần, băng ao tôm và đi bộ mỗi ngày để làm nhiệm vụ đến khi mặt trời lặn mới nghỉ”.

Hơn 12h30, chúng tôi vẫn chưa nghỉ trưa, miệt mài làm việc. Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt đồng nghiệp, đẫm ướt áo đồng phục màu xanh, tôi chạnh lòng suy nghĩ, để có nguồn điện đến với từng nhà máy, xí nghiệp, từng hộ gia đình, không biết đã có bao nhiêu giọt mồ hôi như thế đổ xuống. Hình ảnh những người khảo sát điện, thông tuyến thật giản dị và tận tâm. Quệt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên má, bên chiếc máy đo, trưởng nhóm vừa "ngắm" máy vừa nhắc nhở: “Mấy đứa lội ao chú ý rắn và ong nhé, ở vùng này phải chú ý quan sát, có gặp trở ngại thì ra hiệu để anh em khác biết hỗ trợ”.

Công tác đo đạc, đào lỗ chôn mốc định vị tuyến đang thực hiện suôn sẻ, bỗng dưng đào trúng ngay tổ ong,  đàn ong vỡ tổ túa ra đốt chúng tôi, người thì úp mặt xuống đất, người vùng chạy lao xuống ao. Có người bị ong chích, lát sau bị sốt. Sau gần một tiếng chờ đợi lũ ong bay đi, chúng tôi hoàn thiện mốc rồi dời sang vị trí đo tiếp theo. Sau khi đặt trạm máy mới, mây đen kéo đến và trời mưa như trút nước. Cơn mưa kéo dài song chúng tôi cũng kịp hoàn thành mốc để kết thúc ngày làm việc.

Những vất vả phải trải qua thường ngày của người thợ khảo sát không hề làm chúng tôi chùn bước. Ngược lại, những vất vả ấy đã rèn luyện chúng tôi thêm tính kiên nhẫn, tận tụy với công việc. Do tính chất nghề vất vả, nên chỉ có nam giới mới theo được nghề này.

Khi tuyển vào làm khảo sát điện, ngoài việc phải tốt nghiệp các trường đào tạo chuyên môn thì quan trọng nhất là phải đủ sức khỏe, chiều cao, cân nặng, tuyệt đối không có bệnh tim mạch, huyết áp. Một điều nữa là phải biết bơi lội. Bởi nghề khảo sát của chúng tôi thường xuyên làm việc tại hiện trường có địa hình phức tạp, băng qua sông, rạch, núi đồi… nên cần phải biết bơi, biết leo trèo để tiết kiệm thời gian và không xảy ra sự cố. Chuyện những bữa ăn vội vàng ngay tại bờ ruộng, bờ kênh là bình thường. Nếu may mắn được khảo sát khu vực gần khu dân cư thì việc ăn uống còn thuận lợi, chứ ở vùng sâu, vùng xa thì phải ăn mì, cơm gói mang theo.

Nghề khảo sát điện là nghề vất vả bởi nhiều khi tiến độ gấp thì lập tức phải lên đường ngay, ngày lễ, ngày chủ nhật cũng vẫn lặng lẽ bước bên tuyến điện. Có phần thiệt thòi, nhưng bù lại, những cán bộ khảo sát điện được người dân yêu mến gọi là “lính khảo sát điện”. Được dân tin, dân yêu, đùm bọc, giúp đỡ… là những động lực khiến chúng tôi yêu nghề hơn. Thường xuyên sống trong dân nên chúng tôi làm luôn công tác “dân vận” để thuyết phục bà con hỗ trợ cho đặt máy móc, trang thiết bị trong vườn hay trên chính thửa ruộng, ao tôm mà mọi người đang cày cấy, nuôi trồng”…

Khi công trình điện hoàn thành, nhìn những tuyến đường dây với hàng cột thẳng tắp, cao vút, dây điện giăng giăng, những người làm khảo sát chúng tôi thấy trong lòng thật ấm áp. Niềm vui, niềm vinh dự, tự hào đã tạo cho chúng tôi sức mạnh khi được đóng góp công sức để xây dựng công trình, đem ánh điện về khắp mọi miền Tổ quốc.

 


  • 10/09/2013 11:02
  • Phạm Văn Chung
  • 1659


Gửi nhận xét