Dưới đây là 6 bước giúp bạn nổi giận “đúng cách” với đồng nghiệp nơi công sở, hãy cùng tham khảo nhé.
Chủ động kiềm chế
Hãy nhớ rằng bất kì cơn giận dữ nào đều để lại ít nhiều tổn thương với mối quan hệ, và sẽ còn tệ hơn nếu lỗi hoàn toàn do bạn. Do đó, tốt nhất là bạn hãy tự chủ động kiềm chế những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Mỗi người sẽ có cách giải tỏa cơn giận khác nhau. Một số cách bạn có thể áp dụng như hít thở sâu, như đi bộ nhanh vài vòng, uống cốc nước to, nghe bản nhạc êm dịu, hoặc chỉ ngồi im lặng ở nơi yên tĩnh. Đừng vội hành động khi bạn đang giận dữ, bởi như vậy chẳng khác nào “giương buồm giữa cơn giông tố”, hậu quả sẽ nặng nề hơn bạn nghĩ.
Viết ra mọi thứ
Khi bực dọc thì hẳn trong đầu đang chất chồng ngổn ngang những ý nghĩ tiêu cực, và điều này càng khiến bạn rơi vào tình trạng thiếu sáng suốt. Hãy tìm cách viết ra tất cả các chi tiết liên quan về vụ việc gây ra cơn giận, bao gồm cách nhìn nhận của bạn và của đối phương.
Sau đó, bạn xem xét tổng quát, xâu chuỗi các dữ kiện và đưa ra các giả thuyết về nguyên nhân lẫn cách giải quyết phù hợp nhất. Lưu ý rằng bạn cần phải sử dụng góc nhìn khách quan nhất có thể và không nên đưa ra các phỏng đoán quá tiêu cực làm trầm trọng thêm vấn đề.
Tìm người chia sẻ
Chắc chắn không chỉ có bạn là người từng rơi vào hoàn cảnh không mong muốn khiến tâm trạng cáu bẳn thậm chí “nổi trận lôi đình”. Bạn hãy tìm đến những người bạn thân thiết, trút bầu tâm sự và lắng nghe lời khuyên của họ.
Thông qua những cuộc trao đổi, bạn sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về sự việc, rút thêm kinh nghiệm, và nhận được sự tư vấn hữu ích. Từ đây, bạn sẽ có thêm thông tin cần thiết nhằm đi đến quyết định cuối cùng. Lưu ý rằng bạn chỉ nên liên hệ người thân quen bên ngoài, trung lập với vấn đề nhằm tránh gây thêm thị phi ở nơi làm việc.
Chuẩn bị đầy đủ lý lẽ
Hành động nổi giận vô căn cứ chắc chắn là một điều tệ hại, nhưng nếu bạn có những lý do chính đáng thì mọi người sẽ thông cảm và đứng về phía bạn. Sau khi bình tâm, xem xét vấn đề, nhận được sự chia sẻ cần thiết, bạn hãy chuẩn bị những lý lẽ cần thiết để giải thích cho cơn giận của mình.
Dĩ nhiên, bạn không có trách nhiệm phải làm vừa lòng tất cả mọi người nhưng đây là nơi làm việc, cấp trên và đồng nghiệp sẽ chờ đợi lời giải thích của bạn để hiểu rõ hơn vấn đề và có “phân xử” phù hợp, nếu cần thiết.
Tranh luận với thái độ chừng mực, chuyên nghiệp
Hãy nhớ rằng, bạn là một nhân viên văn phòng với tác phong chuyên nghiệp, nên thái độ giao tiếp phải luôn lịch sự. Hãy tạo ra cuộc tranh luận tích cực bằng các ngôn từ văn minh, đặt ra những câu hỏi cần thiết, và tránh áp đặt suy nghĩ, cảm xúc bản thân lên đối phương.
Ngoài ra, bạn cũng nên tích cực lắng nghe, giữ giao tiếp bằng mắt, không ngắt lời hoặc cướp lời để tránh bỏ lỡ thông tin thiết yếu. Sự tôn trọng dành cho đối phương sẽ giúp cải thiện tình hình.
Cùng hướng đến kết quả hài hòa
Cuối cùng, bạn cần nhớ rằng mục đích cuối cùng của cuộc “nổi giận” này là đi tìm giải pháp, và các bạn sẽ vẫn phải tiếp tục tương tác, làm việc với nhau dù muốn hay không. Nếu bạn cảm thấy mọi sự không tiến triển tốt đẹp, thì hãy tạm ngưng để đôi bên có thêm thời gian trao đổi trở lại. Sự thiếu tỉnh táo sẽ kích hoạt “bom nổ chậm” một lần nữa.