Phát hoảng với "khúc biến tấu" của đồng phục công sở

Phong cách nhái kiểu "nhà binh", hay biến tấu Tây - Tàu kết hợp đang trở nên phổ biến trong việc chọn lựa đồng phục công sở hiện nay, khiến cho nhiều người am hiểu về thời trang phát hoảng.

Mẫu đồng phục nhã nhặn của công ty chứng khoán CBV

Đồng phục "nhà binh" lên ngôi

Thời trang công sở hiện nay không còn bó hẹp với những mẫu đồng phục đơn điệu như quần âu (hoặc chân váy) kết hợp với áo sơ mi. Mặc đồng phục theo lối "nhà binh" hoặc nhái các đường nét trang phục của sĩ quan đang "làm mưa làm gió" và được nhiều công ty lựa chọn để may cho nhân viên của mình.

Tận mắt chứng kiến đồng phục của nhân viên bảo vệ các khách sạn Fortuna (Láng Hạ - Hà Nội), Sofitel (Thanh Niên - Hà Nội),... nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi mẫu mã những bộ đồng phục này nhái tới 80% những sĩ quan trong các cơ quan nội chính.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại các nhà hàng, siêu thị,... với việc "phong" sao, gạch một cách tùy tiện. Chỉ khác một điều, màu sắc các họa tiết trang trí trông màu mè, sặc sỡ hơn đồng phục của lực lượng vũ trang. Đời sống ngày một nâng cao nên không biết có phải vì "phú quý sinh lễ nghĩa" hay không mà ngay đội mai táng của "nhà đòn" ngày nay cũng được chú trọng đầu tư đồng phục khá kỹ lưỡng. Bác Nguyễn Tấn Phúc (Linh Đàm - Hà Nội) kể: "Tôi vừa đi viếng đám ma một người quen và không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh đội kèn trống của "nhà đòn" diện một bộ đồng phục rập khuôn nguyên bộ lễ phục của cánh nhà binh thường mặc duyệt binh trong những ngày lễ lớn với đầy đủ quân hàm, quân hiệu lẫn dây đai. Được biết người đã khuất chưa từng một ngày tham gia phục vụ trong quân đội nên trang phục đó bỗng trở nên tối nghĩa, không phù hợp với không khí của buổi lễ".

Đồng phục ... "ỡm ờ"

Lỗi "ỡm ờ" trong đồng phục của các doanh nghiệp, đơn vị, công ty được thể hiện rõ nhất ở các đơn vị chuyên cung cấp đội ngũ bảo vệ. Được biết bộ đồng phục của đội bảo vệ tòa nhà DMC (142 Hoàng Cầu, Hà Nội) do Công ty Đại Nam (Xã Đàn, Hà Nội) cung cấp có kiểu dáng và màu sắc giống tới 90% trang phục của các chiến sĩ cảnh vệ Bộ Công an.

Khi phóng viên thắc mắc, ông Nguyễn Nam Hải - Phó giám đốc công ty "hồn nhiên" cho biết: "Đó là ý tưởng khá thâm thúy của giám đốc bởi việc "ỡm ờ" trong trang phục sẽ khiến nhân viên nhìn "oai" hơn, thậm chí còn "hù" được nhiều người bởi họ lầm tưởng là công ty thuê cảnh vệ để đề phòng gây rối trật tự".

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Công ty may Hương Trầm (103 Thái Hà, Hà Nội): "Hiện nay vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định rõ ràng và định ra chuẩn mực cụ thể đối với những vi phạm trong việc sở hữu bản quyền trang phục công sở nên một số cơ sở làm ăn theo lối chụp giật mới ngang nhiên sao y bản mẫu theo yêu cầu của khách hàng. Không có hành lang pháp lý cho lĩnh vực này nên có thể thấy sự "hổ lốn" về trang phục công sở đang diễn ra một cách tràn lan".

"Biến tấu" ngoại nhập

Nhiều bạn trẻ chia sẻ: Mình cảm thấy dị ứng với thứ đồng phục văn phòng cũ rích với quần âu, sơ mi trắng, thắt cà vạt.  Hạo Anh (25 tuổi)  than thở: "Mình nộp đơn vào một công ty nước ngoài. Nhân viên ở đây phải mặc áo sơ mi trắng, thắt cà vạt. Dân mỹ thuật bọn mình vốn phóng khoáng trong ăn mặc giờ bắt "đóng hộp" thì chả khác nào cực hình".

Cánh chị em vốn chuộng nhiều gu thời trang khác nhau cũng chia sẻ một vài chiêu đối phó: "Đồng phục có thể hợp với người này nhưng lại không hợp với người kia. Thế là xảy ra tình trạng nhân viên sáng xách đồng phục từ nhà đến công ty thay, rồi chiều lại bỏ vào túi mang về".

Dường như để cải thiện tình trạng giúp nhân viên không mấy mặn mà với việc ngày ngày ra khỏi nhà với độc một bộ cánh như thế mà thời trang công sở hiện nay đã mạnh dạn hơn với những "biến tấu" nhằm thể hiện đặc trưng ngành nghề của mình. Tuy nhiên đôi khi những "biến tấu" táo bạo khiến "màu cờ sắc áo" của một số cơ quan, đoàn thể lộ rõ sự lai căng đến mức kệch cỡm.

Nhà thiết kế Văn Thành Công

"Một mẫu đồng phục công sở được gọi là thành công cần phải đảm bảo: Có sự kết hợp hài hòa giữa môi trường sống, môi trường làm việc, tính chất công việc mà vẫn tạo được sự tự tin cho người mặc. Nổi bật hiện nay là sử dụng trang phục với những biến tấu vừa đủ độ để vừa mặc được nơi công sở nhưng vẫn có thể mặc đẹp khi đi ra đường hay tiếp khách bên ngoài".

Nhiều công ty lựa chọn các mẫu thời trang của nước ngoài, chạy theo mốt trong phim, đặc biệt là các bộ phim Hàn Quốc. Còn nhớ cách đây vài năm, ngay sau khi bộ phim "Ngôi nhà hạnh phúc" được trình chiếu trên VTV3, kiểu áo phông màu với áo khoác lửng bên ngoài của nhân vật nữ chính do Song Hye Kyo thủ vai lập tức thao túng thời trang của giới trẻ Việt Nam cũng như giới văn phòng công sở.

Khách sạn Roma mặc dù có vị trí hơi khiêm tốn khi nằm ẩn mình trong một con ngõ đường Cầu Giấy nhưng lại chọn cách chơi nổi bằng bộ trang phục khá bắt mắt được thiết kế theo kiểu trang phục của người Trung Hoa cổ đại. Vị sếp khách sạn này đưa ra lý do rất "trời ơi" và thậm chí không hề ăn nhập với ý nghĩa cái tên khá Tây mà ông chọn đặt cho khách sạn của mình rằng, bắt chước kiểu làm của một khách sạn ở bên Trung Quốc trong một lần đi du lịch. Thấy trang phục của họ "đẹp" nên ông "kết" và quyết định đem nguyên mẫu về khách sạn của mình.


  • 15/10/2012 02:41
  • Theo Người đưa tin
  • 2786


Gửi nhận xét