Xây dựng văn hóa thương hiệu từ việc nâng cao truyền thông nội bộ

Để xây dựng và định vị thương hiệu trên thị trường, mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược riêng. Tuy nhiên, dù bằng con đường nào, thì hầu hết các thương hiệu nổi tiếng cũng đều chú trọng tới việc xây dựng văn hóa nội bộ, nhằm tạo ra sức mạnh tập thể đưa doanh nghiệp phát triển đến thành công.

Sau đây là 6 lời khuyên của các chuyên gia thương hiệu được đúc rút từ kinh nghiệm thực tế của các tổ chức uy tín.

1. Xác định văn hóa nội bộ của doanh nghiệp

Việc trước tiên mỗi doanh nghiệp cần làm là xác định rõ giá trị cốt lõi, tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng được hệ thống văn hóa chuẩn cho doanh nghiệp. Văn hóa này cần được xây dựng dựa trên sự chia sẻ, đồng thuận và quyết tâm của toàn thể nhân viên. Điều này không chỉ tạo ra hiệu quả cao trong quá trình thực hiện, mà còn tạo ra nét bản sắc riêng cho mỗi doanh nghiệp.

Khi đã có văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc riêng, doanh nghiệp mới có thể từ đó so sánh và du nhập thêm những nét văn hóa mới để thích nghi và phát triển trước sự thay đổi của thị trường.

Cần xác định rõ các yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hóa phù hợp cho doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Hãng Southwest Airlines nổi tiếng của Mỹ đã xây dựng văn hóa và thương hiệu của mình bằng cách bắt đầu từ văn hóa nội bộ. Văn hóa này được xác định từ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và sự  tích hợp với nét văn hóa khác để phù hợp với thị trường, sau đó, Hãng duy trì tính nhất quán bằng cách bảo đảm tất cả các nhân viên đều thấm nhuần và thể hiện tinh thần của tổ chức qua các hoạt động và cách ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp và với khách hàng.

Hãng FedEx với khẩu hiệu "Purple Promise," – lời hứa khó trở thành hiện thực, nhưng trên thực tế, họ đã luôn thực hiện dịch vụ khách hàng 1 cách xuất sắc, quyết tâm thực hiện lời hứa đã được coi là một phần văn hóa doanh nghiệp của Hãng. Mỗi nhân viên đều được kêu gọi làm việc để thực hiện lời hứa đó, kể  cả đối với những nhân viên ở vị trí không liên quan trực tiếp tới khách hàng. Thậm chí, tinh thần đó không còn là những cuộc chia sẻ nội bộ, mà nó đã trở thành một nội dung quan trọng trong trang web của họ, với các nội dung làm nổi bật các hoạt động hàng ngày của nhân viên thực hiện lời hứa đó.

2. Chia sẻ văn hóa doanh nghiệp với nhân viên

Nhiều tổ chức khi có nhân sự mới thường chỉ dẫn cho họ nhưng nguyên tắc hành chính đơn giản, hay hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật như: Cách lắp đặt, sử lý sự cố máy móc... Tuy nhiên, không ít tổ chức khác đã nhìn thấy điều quan trọng hơn là cần phải có sự chia sẻ với những nhân viên mới về văn hóa nội bộ ngay từ đầu. Thay vì tập trung vào các quy tắc và quy định, việc chia sẻ những tài liệu về văn hóa doanh nghiệp đã đem lại tác dụng to lớn một cách vô hình.

Hiệp hội tín dụng liên bang “Belvoir” mỗi khi đưa ra nhận diện thương hiệu mới, lại cung cấp cho nhân viên một cuốn sách văn hóa. Trong cuốn sách đó, giải thích rõ mục đích và những kỳ vọng về thương hiệu đó, đồng thời hướng dẫn cho nhân viên cách tư duy và hành động thế nào để có thể đưa được thương hiệu đó đến với khách hàng.

3. “Nói đi đôi với làm”

Hãy nhớ rằng lời nói chỉ có tác dụng khi đi đôi với hành động. Hành động thực tế tạo ra sự tương tác, đó cũng chính là cơ hội để khẳng định thương hiệu doanh nghiệp bạn với khách hàng. Uy tín thương hiệu của doanh nghiệp thể hiện ở lời hứa bạn thực hiện với khách hàng, văn hóa doanh nghiệp được biểu hiện qua tác phong, cách ứng xử lối sống của nhân viên.

4. Nhất quán trong thông điệp

Đó là sự nhất quán về tất cả các các nội dung được phổ biến trong doanh nghiệp. Các nội dung này cần được quán triệt một cách cụ thể thống nhất từ trên xuống dưới, đảm bảo tất cả mọi người đều hành động và phát ngôn cùng một thông điệp tới khách hàng về các chương trình khuyến mãi, tiếp thị, các sự kiện đáng nhớ của công ty...

Để làm được điều này, có thể sử dụng các công cụ truyền thông nội bộ như webside nội bộ, khuyến khích nhân viên truy cập vào mạng nội bộ của công ty hàng ngày hoặc hàng tuần để tìm hiểu các thông tin mới, hoặc cập nhật hoạt động của các phòng ban trong công ty. Đối với những thông tin cần phổ biến, có thể  gửi đường link cụ thể chứa nội dung đó đến từng thành viên, giúp họ dễ dàng truy cập ngay thông tin.

Hiệp hội tín dụng cộng đồng “Delta” đã xây dựng bản tin nội bộ và phân công người chuyên trách bản tin là Simon, để chia sẻ nội dung cụ thể cho chương trình khuyến mãi sắp diễn ra của công ty, hay các thông tin khác như hoạt động của các bộ phận trọng công ty, đơn giản hơn là nói về đội bóng của họ. Có thể nói Simon là phát ngôn viên nội bộ của Delta đối với cộng đồng, đông thời là người cung cấp các thông điệp quan trọng cho nhân viên trong công ty.

5. Khuyến khích các ý tưởng sáng tạo

Khuyến khích và hộ trợ nhân viên để họ có thể sáng tạo ở mức độ cao nhất (ảnh minh họa)

Khuyến khích nhân viên có ý tưởng trong các cuộc họp, hội thảo hoặc họp nhóm, gợi ý và cung cấp cho nhân viên mọi cơ hội để họ có thể sáng tạo ở mức độ cao nhất. Bạn sẽ thấy thật bất ngờ khi một nhân viên trẻ,  thiếu kinh nghiệm lại có thể đưa ra một ý tưởng hoặc phương án xuất sắc. Cho phép nhân viên tham gia các sự kiện quan trọng làm tăng sự tự tin của họ, giúp họ tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng nhanh hơn, từ đó, mở ra cánh cửa tương tác tốt hơn với khách hàng.

6. Chia sẻ tình yêu

Doanh nghiệp nào có văn hóa nội bộ luôn có sự công nhận, biểu dương những  đóng góp của người lao động sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn so với những doanh nghiệp hoạt động theo một nguyên tắc duy nhất: Cấp dưới phục tùng cấp trên. Nếu các nhà lãnh đạo và nhân viên không có chung tinh thần giống như trong cùng một đội bóng, thì văn hóa nội bộ của công ty ấy chưa phát huy được vai trò của mình. Nhân viên từ chỗ không cảm thấy được chia sẻ, gắn kết trong nội bộ sẽ không thể truyền cảm hứng tới cho khách hàng.


  • 30/08/2012 10:50
  • Trùng Dương (biên dịch theo thefinancialbrand.com)
  • 3350


Gửi nhận xét