Chủ đề thời sự nhất hiện nay của các bậc phụ huynh có con sắp vào lớp 1 là: “Con anh biết viết chưa? Biết đọc chưa?”, “Cái gì? Giờ này mà bé chưa biết đọc á? Chẳng bù con tôi, đọc truyện ầm ầm rồi”, “Chị phải cho bé đi học đi, ai lại để thế. Chẳng cô giáo nào dạy con chị từ A-Z đâu”. Anh Tiến Long (Minh Khai, Hà Nội) cho biết: “Thấy bạn bè ai cũng cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1, sợ con bị "tụt hậu", lạc lõng, tôi cũng quyết định cho con đến trung tâm học cho bằng bạn bằng bè. Biết rằng ép con học cũng tội bé lắm nhưng phải học trước mới... bình thường”.
Bé Bông – 6 tuổi, con gái của anh Tiến Minh cũng biết mặt chữ cái, số đếm bởi bé được các cô ở trường mẫu giáo dạy nhưng “chưa học thông viết thạo, chưa biết đọc vanh vách. Vậy nên hàng ngày vợ chồng anh phân nhau lịch đưa đón bé Bông đi học. Hiện bé đang được ôn luyện tại nhà một cô giáo đã nghỉ hưu ở Kim Liên. Anh chia sẻ: “Riêng tiền học thêm toán và luyện chữ cho cháu, chúng tôi đã chi hơn 3 triệu đồng cho 1 tháng học”.
Trung tâm luyện chữ của thầy C. ở phố Yên Phụ, Hà Nội lúc nào cũng đông đảo các em nhỏ đến ôn luyện chữ đẹp. Học phí không hề rẻ 1.200.000 đồng/10 buổi nhưng trung tâm luôn đông. Trước cổng trường mẫu giáo Tháng Tám ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chị Bích (Hàng Gai, Hà Nội) lo sốt vó khi nghe các mẹ khoe lịch học của con. Ai cũng tự hào rằng con mình biết đọc biết viết hết rồi và vài tháng tới sẽ vững vàng bước vào lớp 1 trường điểm để học. Mẹ nào cũng bảo chị Bích chủ quan, "ngây thơ": “Vài tháng nữa đi học mà con chị chưa biết đọc ư? Chị thế là chủ quan đấy. Cả lớp biết đọc, biết viết, cô giáo nào dạy riêng cho con chị?”.
Cháu nào cũng học kín từ sáng tới chiều, tối lại đi phụ đạo Tiếng Anh, học thêm xong, về nhà ăn rồi học bài cho ngày hôm sau. Tranh luận về việc có nên cho con học chữ trước hay không, dù là người rất hiện đại, tôn trọng con nhưng anh Nguyễn Kiên (Long Biên, Hà Nội) vẫn phải khẳng định: “Không học trước không được. Trước đây tôi cũng không cho con lớn học trước nhưng ngay năm đầu, con đã bị cô giáo khiển trách là "học chậm hiểu, học kém". Rút kinh nghiệm, bé thứ 2 tôi cho bé học phụ đạo từ khi 5 tuổi”.
Anh Kiên chia sẻ thêm: “Tôi được biết, để vào được một số trường tiểu học chất lượng cao, bé nào cũng phải thi tuyển. Thế nên, học hành là vô tận, không cố bây giờ thì tương lai con mờ mịt, trường điểm vẫn hơn trường làng chứ”. Với suy nghĩ này, không riêng gì bé Ngọc, thời điểm hiện tại nhiều bé cũng đang được bố mẹ cho đi học trước, ôn luyện với giá hàng triệu mỗi tháng.
Sai lầm nếu ép con học trước
Câu chuyện các bậc phụ huynh chi tiền triệu, ép con “chạy sô” ở các lớp ôn luyện, trước khi vào lớp 1 không còn mới, tuy nhiên nó cũng chưa bao giờ hết độ nóng, đặc biệt trong thời điểm này. Mặc dù hàng năm, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa ra nhiều lời cảnh báo về những hệ lụy có thể xảy ra song những lời khuyên đó vẫn như... không ai hay, không ai biết.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, cha mẹ cho con học chữ từ 4-5 tuổi, học trước chương trình không phải là chuyện mới. Dù chương trình lớp 1 được biên soạn cho trẻ chưa biết gì nhưng cuộc đua này vẫn ngày càng quyết liệt, diễn ra ở mọi nơi đặc biệt là những đô thị lớn. Theo chuyên gia, phụ huynh nên bình tĩnh, không nên quá lo lắng. Thay vì việc nhồi nhét kiến thức, cha mẹ nên để cho bé phát triển một cách tự nhiên. Điều cần nhất là chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1, cho trẻ tham quan, làm quen, chuẩn bị những kỹ năng với môi trường lớp 1 mới.
Hầu hết những bé đã biết đọc, học trước chương trình không còn hứng thú nghe cô dạy, mang tâm lý chủ quan. Việc cho con học sớm sẽ khiến bé bị thui chột hứng thú học vì cái gì cũng đã biết rồi. Trong khi đó, những em không học trước dễ lâm vào tình cảnh hoang mang, lo lắng, khủng hoảng ngay từ ngày đầu đi học khi thấy các bạn nào cũng biết, cũng đọc giỏi. Thêm vào đó, do phần đông cha mẹ cho con học trước nên đã xảy ra tình trạng giáo viên lớp 1 không dạy kỹ theo yêu cầu chương trình vì nghĩ rằng học sinh đã biết rồi. Ầm ầm đưa con đi học sớm theo trào lưu, chính các bậc phụ huynh đang cắt ngắn tuổi thơ được vui chơi của con em mình.
Không ít bậc cha mẹ mong mỏi con mình trở thành thần đồng, họ vô tình gây áp lực nặng nề cho con. Không ít trẻ bị người lớn nhồi nhét từ việc ăn, chơi đến việc học, mới 5-6 tuổi, bé đã phải suốt ngày cắm đầu vào làm bài, học bài. Cha mẹ nên để con vui chơi trong lứa tuổi này, tạo nhiều không gian, hoạt động rèn luyện kỹ năng cho bé chuẩn bị bước vào lớp 1. Hoạt động kỹ năng sẽ tốt và bổ ích hơn việc ép con học bài, làm bài, chạy sô học thêm.