Bà Nguyễn Thị Chiến
|
PV: Bà cho biết một số nét khái quát về lực lượng nữ CNVC - LĐ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam?
Bà Nguyễn Thị Chiến: EVN hiện có trên 2 vạn lao động nữ, chiếm khoảng 20,1% lực lượng lao động trong toàn Tập đoàn. Trong số đó có trên 70% chị em làm việc tại các tổng công ty phân phối điện.
Nữ CNVC - LĐ của ngành có mặt ở khắp mọi miền đất nước theo "dòng ánh sáng", từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi,... Họ cũng đảm nhận mọi công việc từ khâu kinh doanh, tư vấn thiết kế đến các công việc vận hành, sửa chữa điện,... cùng với những đồng nghiệp nam. Vì vậy, nữ CNVC - LĐ đã đóng góp đáng kể vào kết quả sản xuất kinh doanh của mỗi đơn vị và của Tập đoàn.
PV: Theo bà, nét đặc trưng nào của nữ CNVC - LĐ ngành Điện giúp họ không bị "hòa lẫn" trong hàng triệu lao động nữ trên cả nước?
Bà Nguyễn Thị Chiến: Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, nữ CNVC - LĐ của EVN luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất “Cần cù, Trung hậu, Đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Trên cơ sở đó mới bổ sung và phát triển thêm để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của từng thời điểm cụ thể.
Như tôi đã đề cập ở trên, có đến trên 70% chị em đang công tác tại các tổng công ty phân phối điện, đây là một lực lượng lao động quan trọng góp phần trực tiếp vào việc đẩy mạnh và nâng cao doanh thu trong các đơn vị. Công việc hàng ngày đối với chị em là thường xuyên giao dịch, tiếp xúc với khách hàng, thực hiện vai trò là “đại sứ của EVN” trong mối quan hệ doanh nghiệp và xã hội. Do đó, tôi cho rằng nét riêng, nét đặc trưng của phụ nữ ngành Điện là tổng hòa của những phẩm chất "Trí tuệ - Thanh lịch –Trách nhiệm", phù hợp với tính chất đặc thù công việc.
PV: Những phẩm chất đó được thể hiện cụ thể như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Chiến: Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công việc, phụ nữ ngành Điện bằng Trí tuệ của mình không chỉ thể hiện ở trình độ chuyên môn hay kiến thức xã hội mà còn thể biểu hiện ở thái độ, cách xử lý giải quyết công việc.
Đề cao vai trò văn hoá trong doanh nghiệp, phẩm chất Thanh lịch của chị em được thể hiện ở trang phục, đi đứng, giao tiếp, tác phong làm việc chuyên nghiệp, luôn cố gắng làm hài lòng khách hàng sử dụng điện. Hơn thế nữa, với bản chất cần cù của người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ ngành Điện đã thể hiện tinh thần Trách nhiệm bằng sự cần mẫn, kiên nhẫn, nỗ lực trong công việc, dù phải đối mặt với bất cứ khó khăn nào chị em cũng vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ và vươn lên tự khẳng định mình.
PV: Chị em đã thực hiện vai trò của mình như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Chiến: Mọi hoạt động của chị em đều gắn với nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh và hướng đến sự phát triển chung của đơn vị và Tập đoàn. Vì vậy với trên 70% chị em trong các đơn vị kinh doanh, phân phối điện, họ là những người trực tiếp tuyên truyền và đem sản phẩm điện đến tận khách hàng. Hơn 1.700 chị em trong các đơn vị cổ phần nhiệt điện, sửa chữa thiết bị điện thì công việc hàng ngày là sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, máy móc để góp phần sản xuất ra dòng điện. Còn chị em khối tư vấn, khối quản lý dự án cũng nỗ lực vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của những người đi khai thác, thăm dò, tư vấn, đền bù giải phóng mặt bằng ở những nơi vùng sâu, vùng xa, nơi sẽ là khởi nguồn của những công trình điện mới. Và một lực lượng không thể thiếu trong các hoạt động của mỗi đơn vị là đội ngũ chị em làm công tác chuyên môn nghiệp vụ tài chính, kế toán, kế hoạch, tổ chức,...đã gián tiếp tham gia trong công tác quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ, tham mưu chỉ đạo sản xuất,....
Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động như các đồng nghiệp nam khác, chị em còn tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động giỏi, các hoạt động văn hoá thể thao, hội thi Giao tiếp khách hàng, thi Văn hoá doanh nghiệp, tuyên truyền tiết kiệm điện, góp phần tuyền truyền, quảng bá thương hiệu Tập đoàn, tạo dựng hình ảnh đẹp của EVN trong xã hội.
Tôi cho rằng phần lớn chị em đã làm tốt vai trò "đại sứ của EVN", tuy nhiên vẫn có một số chị em còn dè dặt, thụ động, thiếu tự tin trong hoạt động, công tác chuyên môn. Bởi vậy, chúng tôi luôn động viên, khuyến khích chị em không ngừng học tập, nâng cao trình độ, vươn lên để khẳng định chính mình. Để làm được điều đó, bản thân chị em cần nỗ lực, phấn đấu vì chính họ mới là người quyết định sự tiến bộ của mình.
PV: Xin cảm ơn bà!