Ông Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên HĐQT – Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Điện lực Khánh Hòa
|
PV: Các giá trị văn hóa doanh nghiệp tại Công ty CP Điện lực Khánh Hòa được biểu hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Các giá trị văn hóa doanh nghiệp (VHDN) được biểu hiện cụ thể thông qua hệ thống các quy định quản trị Công ty, tinh thần tuân thủ pháp luật và trách nhiệm cá nhân được tăng cường, bảo đảm hình thành một môi trường làm việc quy củ. Điều này đã tạo điều kiện cho mỗi cá nhân có điều kiện chủ động trong công việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo...
Bên cạnh đó, là một Công ty phân phối điện, VHDN trong Công ty được thể hiện khá rõ nét qua công tác chăm sóc khách hàng. Chất lượng phục vụ không ngừng được nâng cao thông qua việc xây dựng các phòng giao dịch khách hàng kiểu mẫu, lắp đặt công tơ một cửa, đa dạng hóa phương thức thanh toán tiền điện... Nhân viên giao dịch trực tiếp trả lời và hỗ trợ những thông tin cần thiết tới khách hàng với phương châm “khách hàng là sự tồn tại của chúng tôi”. Việc thông tin được công khai cũng đã góp phần giám sát thái độ của nhân viên Công ty, không để xảy ra chuyện phiền hà, sách nhiễu khách hàng. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng dịch vụ của Công ty là bảo đảm dòng điện thông suốt, hạn chế tối đa tình trạng mất điện kéo dài. Các tổ trực ở các Điện lực luôn chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo với bộ phận trực điều độ của Công ty để nhanh chóng chỉ đạo khắc phục các sự cố mất điện xảy ra bất kể ngày, đêm. Vì vậy, hiếm khi có sự cố mất điện xảy ra nhiều giờ liền, ngoại trừ những tình huống bất khả kháng.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình:"Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển Công ty CP Điện lực Khánh Hòa giai đoạn 2010 - 2015.
Các hoạt động xã hội, từ thiện, việc đầu tư xây dựng, đưa điện tới nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa không chỉ là thực hiện nghĩa vụ theo Luật Điện lực mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của Công ty".
|
PV: Bất chấp những nỗ lực chuyển mình của các doanh nghiệp trong toàn EVN, xã hội vẫn có không ít những định kiến với ngành Điện, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Cá nhân tôi không cho rằng xã hội đang định kiến với ngành Điện. Những phản ánh, phê phán lỗi lầm, thiếu sót, tiêu cực,... đâu đó trong CBCNV ngành Điện nhìn ở khía cạnh tích cực chính là yêu cầu của khách hàng, của xã hội để thúc đẩy ngành Điện ngày càng cải tiến phương thức kinh doanh; thúc đẩy mỗi CBCNV ngành Điện tự soi rọi và không ngừng tự hoàn thiện bản thân để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của Ngành, của doanh nghiệp, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
PV: Trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Công ty CP Điện lực Khánh Hòa gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Xây dựng VHDN là một quá trình lâu dài và Công ty đang ở những bước đi đầu tiên. Vạn sự khởi đầu nan, những khó khăn của Công ty hiện nay là: Cơ cấu tổ chức bộ máy chưa thật ổn định, một số yếu tố để xác định tầm nhìn, chiến lược kinh doanh trong dài hạn chưa định hình rõ nét và khó khăn lớn nhất là tư duy của đội ngũ CBCNV chậm chuyển biến sau gần 30 năm làm việc trong môi trường mà VHDN chưa được coi trọng đúng mức. Một doanh nghiệp lớn gồm rất nhiều nhân lực khác nhau về trình độ, văn hóa, nhận thức. Muốn tập hợp, phát huy mọi nguồn lực của các cá nhân đơn lẻ, nhằm góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp cần phải có biện pháp để tất cả các thành viên trong Công ty thống nhất quan điểm, nhận thức và hành động trên tinh thần tuân thủ pháp luật, bảo vệ lợi ích của Công ty và của người lao động.
PV: Có ý kiến cho rằng văn hoá của doanh nghiệp không chỉ thể hiện ở tác phong làm việc của nhân viên mà còn ở phong cách lãnh đạo của người quản lý. Ban lãnh đạo Công ty đã xây dựng hình ảnh, tác phong của người lãnh đạo như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến đó. Văn hóa doanh nghiệp khởi nguồn từ văn hóa của người đứng đầu, người lãnh đạo DN. Người lãnh đạo đưa ra các quyết định, tất nhiên là qua quá trình thảo luận, góp ý, tư vấn... nhưng luôn mang dấu ấn văn hóa của người lãnh đạo. Khi giao nhiệm vụ cho các cá nhân, bộ phận trong DN, người lãnh đạo có trách nhiệm theo dõi, đánh giá các quyết định đó được thực hiện như thế nào. Nếu quyết định không được tiếp nhận và thực hiện tốt, người lãnh đạo DN sẽ sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quyết định để tạo ra sự đồng thuận giữa lãnh đạo và nhân viên, tạo ra sự đồng thuận trong tập thể.
Hình ảnh, tác phong Ban lãnh đạo Công ty mong muốn xây dựng là tuân thủ pháp luật, tận tâm, có trách nhiệm, hợp tác và hiệu quả cao.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyên tắc trong giao tiếp với khách hàng tại Công ty CP Điện lực Khánh Hòa:
- Phải luôn thể hiện sự tôn trọng, lịch sự, bình đẳng trong giao tiếp với khách hàng.
- Khi thực hiện nhiệm vụ:
+ Cấm mọi cử chỉ, lời nói thiếu văn minh, đe dọa, cửa quyền
+ Cấm uống rượu, bia trước và trong khi làm nhiệm vụ;
+ Phải giải quyết đúng hẹn, đúng nội dung, đầy đủ, rõ ràng những vấn đề mà khách hàng yêu cầu trên cơ sở các quy định của Nhà nước, của Tập đoàn và của Công ty. Cấm tự đặt ra những điều kiện không có trong quy định.
+ Cấm lợi dụng cương vị công tác, nhiệm vụ được giao để vòi vĩnh, sách nhiễu, gây phiền hà cho khách hàng, đặc biệt khi đến khách hàng đòi nợ, khảo sát, thi công công trình điện, sửa chữa, nghiệm thu.... Trường hợp yêu cầu của khách hàng không thuộc phạm vi giải quyết của đơn vị mình phải giải thích để khách hàng rõ và hướng dẫn khách hàng đến cơ quan có trách nhiệm để giải quyết.
|