Vài năm trước, tôi có một nhân viên nam với thói quen đi trễ "bền vững" đến lạ thường. Anh ta tên là Antony, nắm giữ chức Quản lý quan hệ khách hàng. Công việc chính của Antony là giám sát và theo sát những khách hàng trọng điểm của công ty, đồng thời theo dõi quá trình sản xuất và giao hàng để đạt được sự hài lòng cao nhất.
Vào thời điểm đó, công ty vẫn còn khá nhỏ với chỉ 10 nhân sự, và chúng tôi đang rất háo hức vì mới dọn vào một văn phòng với view biển tại Santa Monica, bang California. Đây là một cột mốc lớn trong quá trình hoạt động của công ty, tôi còn nhớ như in những tiếng trầm trồ và vẻ mặt đầy phấn khích của nhân viên khi thấy khung cảnh tuyệt vời kia.
Sau khi ổn định chỗ làm, cả công ty liền tổ chức ăn mừng và tinh thần mọi người lên cao hơn bao giờ hết… nhưng đáng tiếc là "dư âm" của cuộc vui đã kéo dài quá mức cần thiết.
Ông bà ta có câu "Gần mực thì đen…"
Dù giờ làm việc chính thức là 8 giờ 30, "chàng Antony" thường xuất hiện tại văn phòng vào lúc 9 giờ 30 sáng, và lắm lúc là hơn 10 giờ. Tất nhiên là tôi có biết chuyện đó, nhưng để làm hài lòng nhân viên và không muốn tạo thêm áp lực không đáng có, tôi đã phớt lờ nó với hy vọng rằng "chuyện nhỏ" này sẽ không ảnh hưởng gì đến công việc.
Nhưng ông bà ta có câu "Gần mực thì đen …", tôi dần nhận ra các nhân viên còn lại cũng bắt đầu đi theo vết xe đổ của Antony với thời gian có mặt lúc 8 giờ 45, 9 giờ và thậm chí là hơn thế nữa mà không có một lời biện hộ nào. Không dừng lại tại đó, một số nhân viên năng nổ trong quá khứ còn bắt đầu "an nhiên" về sớm với nhiều việc còn dang dở như không có chuyện gì xảy ra.
Tôi bắt đầu siết chặt hơn bằng cách bắt mọi người ký một cam kết sẽ bắt đầu thời gian làm việc lúc 8 giờ 30 sáng. Nhưng bước đi tưởng chừng như khắt khe trên cũng chỉ chấn chỉnh được tình hình trong một thời gian ngắn. Mỗi khi tôi đi công tác tại New York như thường lệ, Antony ngay lập tức lợi dụng tình hình và bắt đầu đi trễ như trước kia.
Và như giọt nước làm tràn ly, một sự kiện đã làm tôi đưa ra quyết định cũng tại chuyến đi công tác định mệnh. Khi thức dậy vào lúc 6 giờ 30 sáng tại một khách sạn ở Quảng trường thời đại, tôi mở cửa sổ và trước mặt tôi là một phòng họp chật kín người. Mọi nhân viên tại đó đều ăn mặc chỉnh tề với áo vest, cà vạt… và mọi người dường như rất tập trung vào nội dung cuộc họp đang diễn ra.
Tôi nhẩm tính có ít nhất 20 người trong phòng họp đó, gần gấp đôi số nhân viên hiện tại của tôi. Không quan tâm công ty họ làm gì hay họ đang lời lỗ thế nào, những người lãnh đạo ở công ty đó chắc chắn đã "đánh bại" tôi ở một điểm: Xây dựng được một văn hóa làm việc đầy "đam mê" cho nhân viên của mình. Những nhân viên cách tôi một con phố kia sẵn sàng làm việc nghiêm túc vào lúc 6 giờ 30 sáng, trước tận 3 tiếng so với thời điểm mà nhân viên của tôi "lê lết" đến chỗ làm.
Ghen tỵ pha lẫn cảm hứng, kể từ lúc đó, tôi đã quyết định sẽ "thay máu" văn hóa công ty của mình.
Chuyện không thể tránh khỏi
Khi trở về Los Angeles, tôi ngay lập tức yêu cầu Antony gặp tôi vào lúc 9 giờ 30 sáng. Và không bất ngờ lắm khi "chàng ta" xuất hiện vào lúc… 10 giờ.
Tôi quyết định sa thải Antony ngay sau khi anh ta xuất hiện, anh ta cũng không phản kháng gì nhiều và ngay lập tức trở về chỗ làm để dọn đồ đạc. Cả công ty im lặng chứng kiến cảnh tượng Antony bước ra khỏi công ty lần cuối cùng.
Và kết quả của việc sa thải Antony đến ngay vào sáng hôm sau. Khi tôi xuất hiện đúng lúc vào 8 giờ 30 sáng, cảnh tượng tại công ty đã khiến tôi không hết sững sờ. Tất cả mọi nhiên viên đều đã có mặt, quần áo chỉnh tề và đang chú tâm giải quyết dở công việc của mình. Tôi có cảm giác rằng công ty chưa hề ngừng làm việc kể từ tối hôm qua.
Hiệu suất của công ty tăng lên nhiều lần, số lượng công việc được hoàn thành nhanh chóng với chất lượng rất cao. Mọi người như cùng có chung một mục tiêu phát triển.
Hiệu quả về tình hình kinh doanh cũng xuất hiện sau đó không lâu, thời gian giao sản phẩm đến tay khách hàng chỉ còn một nửa so với lúc trước, số lượng khách hàng tăng lên đáng kể, đặc biệt là các khách hàng thân thiết đã tăng gần gấp đôi.
Đối với nhân viên, mọi người dường như quyết tâm hơn lúc trước, mạnh dạn nêu lên ý kiến để gia tăng hiệu quả của công ty, tự tổ chức những cuộc họp nội bộ để gia tăng hiệu quả làm việc nhóm, và còn đề xuất những dự án với tiềm năng lẫn rủi ro lên cho ban giám đốc.
Văn hóa của công ty dường như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới và một động lực to lớn. Hành động sa thải Antony đã gửi đến mọi nhân viên một thông điệp rõ ràng: Công ty luôn mong chờ những gì tốt nhất từ nhân viên của mình, và mọi người đừng nên coi việc nhận lương "đều đều" mỗi tháng là chuyện hiển nhiên.
Sa thải lập tức một nhân viên là chuyện không dễ dàng gì, nhưng đó cũng chính là một "vũ khí" lợi hại để chấn chỉnh tâm lý và văn hóa của cả công ty.