Tác hại của stress và hướng khắc phục

Cho đến nay, dù đã có không ít đề tài khoa học nghiên cứu về chứng stress nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập đến những tác hại của nó một cách rõ ràng và đầy đủ.

Ảnh hưởng đến não

Mất ngủ thường xuyên do stress gây ra là nguyên nhân khiến não trở nên kém linh hoạt, minh mẫn, thậm chí có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ ở Úc, chỉ cần không chợp mắt trong khoảng 20 giờ liên tiếp, mức độ linh hoạt và khả năng kiểm soát của não sẽ bị thuyên giảm tương đương với việc nồng độ cồn trong máu tăng hơn mức bình thường 50%.

Hướng khắc phục: Cần nghỉ ngơi, thư giãn đầy đủ kết hợp với hấp thu nhiều magiê, sắt và vitamin B phức hợp từ thực phẩm.

Ảnh hưởng đến tim

Khi bị stress, cơ thể thường giải phóng một lượng lớn hormone cortisol, góp phần làm xuất hiện bệnh cao huyết áp, béo phì và tiểu đường. Ngoài ra, stress còn là nguyên nhân khiến tinh thần ủ rũ, lười vận động, nếu ai có thói quen dùng nhiều đường và mỡ động vật thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch là rất khó tránh khỏi

Hướng khắc phục: Nên thường xuyên luyện tập mỗi ngày để giúp tim mạch khỏe và giải phóng mọi áp lực cho tinh thần

Ảnh hưởng đến phổi

Ngoài cortisol, stress còn kích thích tuyến thượng thận giải phóng hormone adrenaline. Khi lượng hormone này tăng cao thì hơi thở thường trở nên gấp gáp, không sâu. Điều này giải thích tại sao các nhà tâm lý khuyên mọi người nên giữ bình tĩnh mỗi khi gặp căng thẳng hay lo âu bằng cách cố gắng hít thở thật sâu và đều đặn. Người bị stress nếu đã mắc bệnh suyễn hoặc các bệnh khác về đường hô hấp thì bệnh tình sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Hướng khắc phục: Dưỡng sinh, yoga và thiền là ba môn thể dục có khả năng giúp điều hòa hơi thở rất tốt. Khi hít thở sâu và đều đặn, lượng ôxy vào phổi sẽ tăng lên đáng kể, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Ảnh minh họa

Ảnh hưởng đến mắt

Dễ dàng nhận thấy mệt mỏi, căng thẳng luôn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng mất ngủ. Khi mất ngủ, bên cạnh một số biểu hiện thường thấy như thần sắc kém tươi tỉnh, da thô ráp, cơ thể suy nhược…, thì tình trạng mắt mệt mỏi, thâm quầng hoặc sưng đỏ cũng rất dễ xảy ra. Mất ngủ lâu ngày thậm chí còn có thể làm giảm thị lực cũng như gây thêm nhiều căn bệnh nguy hiểm khác về mắt.

Hướng khắc phục: Thư giãn tinh thần và tạo thói quen nghỉ ngơi hợp lý. Nên hấp thu nhiều tỏi và vitaminh B các loại nhằm giúp hệ miễn dịch khỏe hơn.

Ảnh hưởng đến da

Theo các nhà khoa học tại Trường Đại học Freedom ở Berlin, một trong những tác hại chính của stress đối với da là kích thích các tuyến nhờn hoạt động mạnh, khiến da trở nên kém mịn màng, nhanh lão hóa và dễ nổi mụn, có khi còn làm xuất hiện các bệnh nguy hiểm khác như chàm bội nhiễm, vảy nến…

Hướng khắc phục: Tăng cường hấp thu các loại thực phẩm giàu kẽm như hải sản (nghêu, sò, hến…), thịt đỏ các loại (bò, trâu, heo…) và ngũ cốc nguyên chất nhằm ổn định quá trình tiết chất nhờn của cơ thể một cách hợp lý.

Ảnh hưởng đến lưng, cổ

Ngoài tác hại làm hơi thở trở nên gấp gáp, hormone adrenaline còn khiến cơ bắp dễ căng cứng, mệt mỏi. Điều này giải thích tại sao lưng, cổ dễ bị đơ hoặc đau nhức khi tinh thần căng thẳng, suy nhược. Các nhà khoa học cho rằng stress không những khiến chúng ta lười vận động mà còn có khuynh hướng nằm, ngồi, đi, đứng…không hợp lý, càng thêm mỏi mệt.

Hướng khắc phục: Kết hợp massage nhẹ với việc hấp thu nhiều dưỡng chất có magiê nhằm giúp cơ bắp thư giãn, hạn chế nhức mỏi và giải phóng mọi áp lực cho cơ thể. Cố gắng giữ tư thế ngồi và nằm hợp lý, dù tinh thần đang mệt mỏi, căng thẳng.

Ảnh hưởng đến dạ dày

Khi bị stress, những loại hormone có tác dụng tăng cường lưu lượng máu đến các cơ trên cơ thể sẽ thuyên giảm rõ rệt, hậu quả là sức vận động cũng như sự co bóp của chúng bị giới hạn hoặc yếu đi, trong đó có dạ dày, dẫn đến tình trạng khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng.

Hướng khắc phục: Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý bằng cách hạn chế những món ăn “nặng” như thịt và mỡ động vật, đồng thời tăng cường những món ăn “nhẹ”, dễ tiêu hóa như xúp rau các loại, hoa quả xanh…

Ảnh hưởng đến răng miệng

Khi tinh thần suy sụp, căng thẳng, hoạt động của hệ miễn dịch trở nên kém hiệu quả, nguy cơ nổi mụn nhiệt (còn gọi là đẹn) ở vòm miệng, nướu, lợi, lưỡi…sẽ rất cao.

Hướng khắc phục: Tăng cường hấp thu vitamin B và C nhằm cải thiện chức năng của hệ miễn dịch. Cũng có thể kết hợp điều trị mụn nhiệt bằng cách hòa đều và thoa hỗn hợp tinh dầu cây đinh hương với tinh dầu cây chè.

Ảnh hưởng đến đầu

Stress là một trong những nguyên nhân chính khiến đầu óc dễ choáng váng, mệt mỏi, kể cả chứng đau đầu kinh niên. Nguy cơ này sẽ cao hơn nếu lưng và cổ bị tổn thương trong khi stress hành hạ.

Hướng khắc phục: Kết hợp hấp thu nhiều magiê với việc dùng các loại thảo dược được chế biến từ cây nữ lang và hoa lạc tiên nhằm thư giãn và giảm thiểu mọi áp lực cho cơ bắp.

Ảnh hưởng đến chất lượng sống

Tác hại cuối cùng, cũng chính là tác hại dai dẳng nhất của stress là ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần. Nếu không có biện pháp chế ngự kịp thời, stress sẽ từng bước làm thui chột khả năng tư duy, trí nhớ, khả năng tự kiểm soát, phán đoán…của người bệnh, đồng thời dễ làm mất đi niềm tin vào cuộc sống, cướp mất nghị lực, ý chí vươn lên.

Hướng khắc phục: Luôn duy trì cuộc sống theo hướng tích cực, tận dụng tối đa những giờ phút thư giãn có thể có. Sống vui tươi, lành mạnh và cởi mở với mọi người xung quanh.


  • 23/01/2016 04:34
  • Nguồn bài: Doanh nhân cuối tuần
  • 1423


Gửi nhận xét