Chị Lê Thị Ánh ( ở Hà Tĩnh) vốn là công nhân trực vận hành trạm lấy chồng làm công nhân điện lực bao năm chị nhưng chị vẫn "dị ứng" với hai từ: Sự cố! Hai vợ chồng chị ở xa ông bà nội ngoại, công việc của chồng thường xuyên phải đi nên việc gia đình phần lớn đều do chị Ánh quán xuyến.
Tổ ấm của gia đình chị Mai Trang - anh Lê Bình (công nhân trực trạm 110 kV Đồng Xuân, chi nhánh Lưới điện cao thế Phú Thọ, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc.
|
“Lúc đầu cũng hờn với công việc chồng, nhiều lúc chị phải trực đêm không biết gửi con cho ai. Chồng thì đi xử lý sự cố đi cả ngày chưa về, đôi khi muốn trách lắm nhưng thấy chồng về quần áo nhem nhuốc, cơm chưa kịp ăn thì lại thương nhiều hơn giận” - chị Ánh tâm sự.
Không chỉ riêng chồng chị Ánh, những công nhân đường dây cũng giống như người “chiến sĩ” bất kể công việc ngày đêm, trong mưa dông, sấm sét, bão bùng khi có sự cố trên lưới làm gián đoạn vận hành việc cung cấp điện thì đều sẵn sàng “ra quân”.
Chị Thu Hà (vợ anh Trần Văn Phú, Đội trưởng đội Quản lý vận hành ĐZ 110kV Phú Thọ) chia sẻ: "Có lúc cả nhà đang ăn cơm mà nghe điện thoại gọi là chồng vội vội vàng vàng đi rồi. Trời đánh tránh miếng ăn đã đành, ngày mưa bão người ta tìm chỗ trú thì anh lại lục đục áo mũ ủng đèn đi tìm sự cố. Bọn trẻ cứ thắc mắc, sao bố cứ phải đi khi trời mưa gió, sấm sét...Thương hơn nữa đó là những hôm trời mưa lạnh, người ta nằm trong chăn ấm nệm êm chồng mình vẫn đang treo mình trên cột...
Có những lần chồng chị đã xin nghỉ phép, về thăm quê rồi mà vẫn giật mình mỗi khi sấm sét đùng đoàng. Kết thúc câu chuyện chị Thu Hà kể, những hôm thao tác trên lưới, 1 giờ sáng chồng chị đã dậy để kịp có mặt tại hiện trường. Vợ dậy nấu vội cho bát mì, anh còn đùa, chẳng biết đây là ăn đêm hay ăn sáng?
Sau một ngày hè giãi nắng, nhìn chồng chị Hà vừa thương vừa buồn cười: Anh làm chỉ huy trực tiếp, thường xuyên ngửa mặt lên trời, trán có mũ che thì trắng, từ mắt xuống cổ thì đen nhẻm.
Còn theo chị Mai Trang (vợ anh Lê Bình trực trạm 110 kV Đồng Xuân, chi nhánh Lưới điện cao thế Phú Thọ, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc) lấy chồng thợ điện là phải hiểu và cảm thông với công việc của chồng. Có đợt trạm thiếu người chồng gần như ở lại trạm luôn. Mọi việc trong gia đình, từ lễ tết đến giỗ chạp chị đều chủ động lo liệu giúp anh.
Đồng cảm với nổi niềm với chị Trang, chị Linh (Vợ anh Tuấn – đồng nghiệp với anh Bình) chia sẻ: Ngày đóng điện trạm cũng là ngày giỗ mẹ chồng. Anh giao lại trọng trách gia đình cho mẹ con chị, còn anh phải ở lại cùng đồng nghiệp làm nhiệm vụ. Mọi người không hiểu chuyện cũng trách đấy, mình lại là người giải thích cho họ hiểu để cảm thông công việc của chồng hơn.
Lời tâm sự của các chị, tôi hiểu sự vất vả của người thợ điện nhưng không phủ nhận sự đồng cảm, hy sinh của những người vợ đối với công việc của chồng. Bố tôi cũng làm trong ngành Điện, số lần bố ở nhà đón giao thừa đếm như ở đầu ngón tay. Nhớ tháng mưa bão, hai bố con cùng trực ở cơ quan, anh trai đi làm xa, mẹ tôi ở nhà chống bão một mình. Hôm đó, sóng điện thoại cũng mất không gọi được cho mẹ, cả bố và tôi như lửa đốt. Sau bão, trạm không bị ảnh hưởng, bố vội về nhà dù lúc đó đã quá nửa đêm.
Tôi thường nghĩ, đằng sau dòng điện sáng là sự thầm lặng của những người lính áo cam không ngại ngần mưa nắng. Và đằng sau bóng áo ấy chính là sự hi sinh thầm lặng của những người vợ - hậu phương vững chắc, điểm tựa tinh thần để các anh làm tốt hơn công việc được giao.