Chuông điện thoại giữa đêm khuya
Đắk Lắk đã vào mùa mưa. Nói như anh Hồ Xuân Lương - Tổ trưởng Tổ Quản lý lưới điện 1, Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột: “Nắng thì quá tải, mưa thì sự cố, chẳng có mùa nào thợ điện rảnh được với ông trời”.
Mùa mưa, các sự cố điện có thể do gió lốc khiến cây cối đổ vào đường dây làm gãy trụ điện, sét đánh đứt dây, vỡ sứ, mà có trường hợp rắn, tắc kè bò lên trạm biến áp “trú mưa” rồi làm mất điện. Theo đánh giá của Tổ Quản lý lưới điện 1, mùa mưa hằng năm tình hình sự cố lưới điện do thời tiết gây ra tăng trên 30% so với mùa khô.
Vì vậy, để có thể xử lý nhanh các tình huống trong mùa mưa bão, nhóm trực sửa chữa ngoài giờ luôn luôn có 8 người. Trong tình huống phức tạp sẽ được tăng cường nhân lực từ các tổ, nhóm ở điện lực khác đến hỗ trợ.
Bản thân anh Lương không có giờ làm việc cố định, bởi ngoài 8 tiếng hành chính còn phải trực theo ca dưới sự phân công của lãnh đạo đơn vị. Điều này cũng nhằm xử lý nhanh các tình huống bất thường trên lưới điện, đáp ứng nhu cầu cấp điện ổn định, an toàn, liên tục của khách hàng.
Mới đây, vào đầu mùa mưa, sét đánh xuống khu vực bãi rác Buôn Ky trong thành phố, làm đứt 1 sợi dây trung áp. Khi xảy ra sự cố đã 23 giờ, nhóm trực lập tức được điều động đến hiện trường và đảm bảo cấp điện trở lại trong vòng 2 tiếng đồng hồ kể từ khi nhận được tin báo. Hay trường hợp giông sét và gió lốc đã làm gãy trụ hạ thế gây mất điện của khách hàng trên đường Y Moan, TP Buôn Ma Thuột. Nhận được tin báo khi đã tối muộn, nhưng đơn vị khẩn trương tập trung lực lượng đào hố móng, thay trụ, căng dây… để khôi phục cấp điện chỉ sau 30 phút. “Thời tiết bất thường, nên đâu có lường trước khi nào xảy ra sự cố, hễ có tin báo là chúng tôi lên đường thôi” - anh Lương bộc bạch.
Còn anh Phạm Minh Tuấn - Trực ban của Điện lực Cư M’gar không thể quên kỷ niệm trực sự cố đêm 10/10/2015. Khi đó, anh đang ngồi trực tại văn phòng thì chuông điện thoại đổ. Ngặt nỗi, ngoài trời mưa to, kèm gió lốc liên hồi, khiến tín hiệu cuộc gọi liên tục bị đứt quãng. Anh chỉ nghe loáng thoáng “mất điện, mất điện” rồi máy dừng kết nối, vì vậy không thể xác định được địa chỉ của người gọi.
Anh Tuấn tìm mọi cách liên lạc với đầu dây bên kia, thật may mắn vì đến lần thứ 3 tín hiệu cuộc gọi tạm ổn định. Lúc này, giọng một người đàn ông tự xưng là cán bộ Trại giam Đắk Trung (tại Thôn 6, xã Eakpam, huyện Cư M’gar) thảng thốt: “Đề nghị điện lực cho người vào xử lý sự cố gấp, toàn bộ trại giam đã mất điện”.
Trong tình huống ấy, anh Tuấn cảm thấy còn “kinh khủng” hơn “ngồi trên đống lửa” vì đây là khu vực nhạy cảm, chẳng ai dám nghĩ chuyện gì có thể xảy ra nếu trại giam bị mất điện kéo dài. Vì vậy, dẫu ngoài trời mưa mỗi lúc một to, gió rít liên hồi, nhưng 2 công nhân trực ca đêm đó tức tốc đến vị trí sự cố.
Sau khi kiểm tra, nhóm công tác phát hiện công tơ điện bị sét đánh cháy hoàn toàn. Nhận được tin, anh Tuấn liền báo cáo điện lực huy động nhân lực và vật tư xử lý sự cố ngay trong đêm, không để chậm trễ. Khi điện sáng trở lại, cán bộ trại giam ngay lập tức kiểm tra sĩ số. Chỉ khi nghe cán bộ cho biết “sĩ số đủ” thì nhóm công tác tại hiện trường và cả trực ban Điện lực mới dám thở phào.
Sáng đèn là hết mệt
Anh Trần Quang Đại - công nhân Điện lực Ea Súp đã có thâm niên 15 năm công tác trong ngành, chưa bao giờ anh thấy trận lốc xoáy nào khủng khiếp như cơn lốc đi qua xã Ya Lốp, huyện Ea Súp hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Trước khi đến Ya Lốp, cơn lốc đã hoành hành tại xã Cư Kbang, cuốn nguyên 1 mái nhà của người dân lên đường dây và làm gãy 1 cột điện cao thế. Ấy thế mà khi đi vào khu vực thôn Đoàn, xã Ya Lốp (xã biên giới cách trụ sở điện lực hơn 80km) làm 7 cột điện bê tông ly tâm 10,5m gãy gập theo cùng 1 hướng mặc dù không có tác động nào khác của cây cối hoặc vật dụng lên đường dây.
19h30’ cùng ngày, nhóm công nhân Điện lực Ea Súp mới tiếp cận được hiện trường. Do sự cố nghiêm trọng, nên anh em phải báo cáo về công ty xin hỗ trợ nhân lực, vật tư và đành đợi đến ngày tiếp theo vì điểm sự cố này cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 160km, đường sá đi lại rất khó khăn.
Hôm sau, lực lượng xung kích của các điện lực Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar mất một ngày làm việc cật lực với sự giúp sức của bộ đội biên phòng mới khắc phục xong sự cố. Khi ánh điện lại bừng sáng lúc màn đêm đang dần buông xuống, ai nấy ôm nhau reo hò vui sướng. Ông Phạm Văn Dương - Đoàn phó Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737, Quân khu 5 cho biết: “Ban đầu, chúng tôi nghĩ phải đến 4-5 ngày nữa mới có điện trở lại, nên đã chuẩn bị tinh thần cho những ngày sống không ánh sáng rồi. Không ngờ, điện lực khắc phục được nhanh như vậy”.
“15 năm công tác, không thể đếm được đã bao nhiêu lần đi khắc phục sự cố, nhưng mỗi lần chứng kiến niềm vui của mọi người khi điện sáng trở lại vẫn là 1 khoảnh khắc có ý nghĩa đặc biệt trong nghề” - anh Đại vui vẻ cho biết.
Nghề thợ điện vốn vất vả, chẳng có ngày nghỉ, ngày lễ, lại luôn luôn sẵn sàng “công tác đột xuất”, nhưng đối với các anh, những công việc này trở nên quá quen thuộc, đến mức đã “ngấm vào máu”. Hơn nữa, “phải cố làm cho tốt chứ, vì đó là nghề nuôi sống mình cơ mà” - Tổ trưởng Hồ Xuân Lương chia sẻ chân thành về công việc mà anh đã gắn bó rất nhiều năm tháng như thế.