Thợ truyền tải Đắk Nông

Những ngày cuối năm, chúng tôi đã đi cùng đội ngũ công nhân truyền tải điện - những người được ví như “thầy thuốc”, chuyên “bắt mạch, chữa bệnh” cho đường dây thuộc Công ty Truyền tải điện Đắk Nông, đơn vị phụ trách địa bàn nhiều khó khăn, trở ngại trên vùng đồi núi Tây nguyên...

Công nhân đội truyền tải điện Krông Nô kiểm tra lưới điện

Trèo đèo, vượt đầm

Từ trung tâm huyện Krông Nô, mất hơn một giờ vượt qua những đoạn đường sình lầy sau mấy trận mưa trái mùa, chúng tôi đến hồ Đắk Nang, nằm sát bên khu bảo tồn Nam Nung.

Đưa tay chỉ trụ điện cao thế ẩn hiện trên ngọn đồi mù sương phía bên kia bờ hồ, anh Trần Mạnh Hùng (43 tuổi), một trong những công nhân có mặt đầu tiên khi đội truyền tải điện Krông Nô thành lập cách đây hơn 20 năm, nói: “Anh em chuẩn bị sẵn sàng áo phao, chúng ta sẽ xuống xuồng bơi qua hồ để đến trụ 2833 (tuyến đường dây 500kV Krông Nô - Đắk Nông)”.

Chiếc xuồng nhỏ bằng composite trở nên mong manh trên mặt hồ rộng cả trăm thước. Có lẽ những thành viên trong đội truyền tải điện Đắk Nông đã quá quen thuộc với các cung đường đầy gian khó khi đi kiểm tra tuyến, nhưng với chúng tôi thì không khỏi giật thót người khi nghe anh Hùng kể:

“Dân bản hay gọi hồ Đắk Nang là đầm cá sấu, bởi hồi trước ở đây cá sấu nhiều vô kể”. Xuồng vừa cập vào chân đồi cũng là lúc cơn mưa phùn bắt đầu giăng bủa. Từ đây mất thêm chừng nửa giờ men theo sườn dốc, đi vòng qua rẫy cà phê, vườn cây tạp của người M’Nông, rồi tiếp tục băng qua những vạt rừng đầy cỏ dại, chúng tôi mới đến chân trụ 2833.

Chưa kịp ngơi chân, các công nhân đã nhanh chóng bắt tay vào việc phát dọn cây cỏ quanh chân trụ, dùng ống nhòm và các thiết bị chuyên dụng kiểm tra tình trạng vệ sinh của bát sứ cách điện, các tay lèo (nối giữa hai dây) và các mối nối...

“Đây mới chỉ là bước khởi đầu. Tuyến lưới điện 500kV Krông Nô - Đắk Nông do chúng tôi quản lý dài độ 36km, đặc biệt là khoảng cách từ trụ 2833 đến trụ 2846 (mỗi trụ cách nhau bình quân khoảng 500m) có nhiều trụ nằm biệt lập trên đỉnh đồi hoặc đi qua khu vực sông suối, rừng cây không có dân cư.

Khi đi kiểm tra tuyến anh em phải mang theo lương thực, thuốc chống vắt, bạt cao su... để dựng lều nghỉ qua đêm trong rừng. Thậm chí có lần chúng tôi còn phải đóng trại suốt cả tháng trong rừng sâu để phát dọn hành lang lưới điện và thực hiện các công trình duy tu sửa chữa lớn” - anh Đặng Xuân Đích, công nhân truyền tải điện Krông Nô, cho biết.

Anh Nguyễn Đăng Tuấn (42 tuổi), người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, kể thêm: “Người ngoài ngành khó mà hình dung công việc của những công nhân truyền tải điện chúng tôi. Để đường dây vận hành an toàn, chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra tuyến, từ việc dễ quan sát như xem có cây hoặc vật thể trong và gần hành lang tuyến, các vật thể lạ bám vào cột, các điều kiện mặt đất, đường xung quanh, tình trạng dây nối đất và chỗ nối đất (để chống sét) tới việc kiểm tra tình trạng bát cách điện, độ ồn (âm thanh phát ra từ đường dây), độ võng, độ phóng điện của đường dây. Vì thế, đòi hỏi người công nhân ngành điện phải đi bộ dọc hành lang lưới, dù phải băng qua nhiều địa hình hết sức khó khăn hiểm trở”.

Trong khi đó, hai anh em ruột Hoàng Xuân Tân (35 tuổi), Hoàng Xuân Huân (31 tuổi) cùng vào nghề từ tháng 8-2007 lại có chung những ấn tượng khó quên về những chuyến băng rừng: “Có chuyến kiểm tra chúng tôi phải chui qua những tán gai tre tối om. Rồi còn đụng phải trăn, rắn nữa chứ. Ban đầu thì sợ lắm, nhưng bây giờ đã biết cách trị chúng rồi. Nhưng có lẽ vất vả nhất là quá trình vệ sinh bát sứ cách điện, hoặc sửa chữa, thay thế thiết bị, anh em công nhân chúng tôi phải trèo lên cột điện cao tới 60-70m, đòi hỏi phải có sức khỏe thật tốt và thuần thục các kỹ năng làm việc trên cao”.

Công nhân đội truyền tải điện Krông Nô quan sát hỏng hóc của đường dây 500 kV

Kiểm ngày lẫn đêm

“Mỗi tháng phải tổ chức kiểm tra định kỳ một lần vào ban ngày; mỗi quý kiểm tra một lần vào ban đêm. Mỗi đợt kiểm tra, tùy theo địa hình có khi kéo dài vài ba tuần. Riêng những khu vực tải cao, nhiều bụi thì phải tăng cường kiểm tra đột xuất cả ngày lẫn đêm. Việc kiểm tra đêm phải đi tầm 2g-3g sáng, lúc trời không trăng, có sương nhiều càng tốt” - anh Lê Quang Trung, trưởng phòng kỹ thuật Công ty Truyền tải điện Đắk Nông, nói.

Rồi anh giải thích: “Nửa đêm về sáng ít người sử dụng, điện áp đạt mức cao, làm nóng đường dây, mối nối kết hợp với sương mù dễ phát sinh vầng quang điện. Tối trời thì càng dễ thấy”.

Đêm đó, 3g sáng, chúng tôi đã có chuyến kiểm tra đột xuất. Đội kiểm tra gồm năm người, do kỹ sư Lê Mạnh Cường (đội truyền tải điện Gia Nghĩa) mang theo phản phát quang, ống nhòm hồng ngoại, thiết bị chụp ảnh phát sáng đường dây đã vượt qua màn đêm, vẹt cỏ lần vào chân trụ 2955 đường dây 500kV Đắk Nông - Cầu Bông, thuộc địa bàn xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông).

Trời tối như mực, nhưng các anh đã nhanh chóng “bắt mạch” xong đường dây. “Như vậy là tạm ổn, vì chênh lệch nhiệt độ giữa mối nối, tiếp xúc lèo (đoạn nối giữa hai dây dẫn) với dây dẫn chỉ dao động trên dưới 15 độ C. Bát cách điện có độ nhiễm bẩn trong giới hạn cho phép, độ phát quang không đáng kể” - kỹ sư Cường, chăm chú nhìn vào màn hình trên thiết bị chụp ảnh phát sáng, giải thích. Rồi anh nói thêm: “Nếu chênh lệch nhiệt độ trên 15 độ C xảy ra với đường dây đang quá tải thì phải sửa chữa ngay, không cho phép kéo dài”.

Anh Cường và những thành viên trong nhóm cũng cho hay trong hoạt động kiểm tra đêm, những người thợ đường dây gặp nhiều chuyện éo le. Ở địa bàn rừng núi, nhiều lúc người công nhân phải lần mò qua những lùm cây khe suối mất 3-4 tiếng hoặc phải vào từ lúc trời còn sáng để dựng lều nghỉ lại chờ đến đêm, nhưng tới lúc có thể kiểm tra, trời bất chợt đổ mưa, không thể đo nhiệt độ đường dây, đành phí công đi lại. Hay như việc phải băng qua những khu nghĩa địa của người dân tộc thiểu số, những khu “rừng ma”, mà ngay cả ban ngày cũng cấm kỵ bóng người lai vãng.

Việc kiểm tra đêm phải đi qua vườn tiêu, cà phê hoặc rẫy của người dân cũng có vô khối chuyện, từ việc bị gia chủ hiểu nhầm là kẻ trộm, tới nguy cơ sẩy chân rơi xuống giếng... nên hoạt động kiểm tra đêm luôn phải có ít nhất hai người cùng đi để có thể hỗ trợ nhau khi gặp sự cố.

Truyền tải điện Đắk Nông quản lý, vận hành một trạm biến áp 500 kV, gần 100 km đường 500 kV và hơn 250 km đường dây 220 kV.

“Quản lý địa bàn có địa hình khó khăn, phức tạp, hiểm trở, rừng rậm, đèo núi cao, nhiều sông hồ, sình lầy, khí hậu khắc nghiệt, mật độ sét cao, cường độ sét lớn, nhất là thời điểm đầu mùa mưa.

Mặc dù vậy, đội ngũ kỹ thuật làm nhiệm vụ quản lý, vận hành lưới điện Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ” - kỹ sư Trần Quảng Ngãi, Phó phòng kỹ thuật Công ty Truyền tải điện 3 (đơn vị quản lý Truyền tải điện Đắk Nông), nói.


  • 05/01/2017 10:00
  • Nguồn: tuoitre.vn
  • 2123