Nhân hậu và bao dung

Đến nhà thăm bà Lưu Thị Út, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực 2 nay là Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), mới gặp bà chúng tôi đã bị cuốn hút ngay bởi nụ cười thân thiện, sự cởi mở qua những câu chuyện kể về cuộc đời của mình, về đồng đội của mình, về ngành điện...

Dù đã bước sang tuổi 72, nhưng bà Út vẫn năng động, tháo vát trong mọi việc nhà cũng như việc của xã, của phường, của ngành Điện. Tuy đã về hưu gần 20 năm, những đồng nghiệp EVNSPC vẫn gọi bà bằng cái tên trìu mến “cô Út”. Cô Út của chúng tôi dễ thương lắm, hát rất hay! Bà nguyên là cán bộ công đoàn rất nhiệt tình, luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Người phụ nữ tiêu biểu của ngành Điện được gặp Bác Hồ nhiều lần.

Bà Út sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm cách mạng, 6 tuổi bà được mẹ đăng ký phục vụ cấp dưỡng trong quân đội, cùng mẹ lượm cá bồi dưỡng cho bệnh nhân. Lúc đó, bà là người nhỏ tuổi nhất đơn vị, nên ai cũng gọi là Út, cái tên Út gắn bó từ đó. Đến tuổi trưởng thành, bà là một trong những học sinh miền Nam gương mẫu đi dự Đại Hội thi đua yêu nước được Bác Hồ trao huy hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và là một trong 50 thanh niên bồi dưỡng của trường Đảng để về miền Nam phục vụ công tác chiến đấu, góp phần vào cuộc kháng chiến thành công để giải phóng đất nước.

Năm 1963, khi vừa tròn 20 tuổi, bà vào ngành Điện và tình nguyện đi xây dựng kinh tế miền núi trong một đơn vị thuộc ngành Công nghiệp nặng. Năm 1972, Viện Thiết kế máy Công nghiệp thuộc Bộ Điện Than đã thu nạp bà và sau đó cử làm Trưởng ban Tổ chức của Công đoàn Điện Than Việt Nam. Bà Út chia sẻ, thời bà mới vào ngành điện, đất nước còn chìm trong bom đạn, chiến tranh, loạn lạc, ngành Điện cực kỳ khó khăn, công việc thì nặng nhọc, mà lương thì thấp nên bà rất thương công nhân. Trước khi được tổ chức cử đi B vào Nam chiến đấu, bà đã đấu tranh quyết liệt với lãnh đạo ngành Điện để tăng lương bổng cho anh chị em CBCNV - LĐ tại cơ quan nơi mình công tác. “Chỉ khi nào các đồng chí của mình được nâng lương tôi mới yên tâm về Nam chiến đấu”, bà đã ra điều kiện như thế với lãnh đạo cấp trên của mình. Và chỉ sau một thời gian ngắn khi bà vào Nam chiến đấu, 40 cán bộ, nhân viên thuộc Viện Thiết kế máy đã được tăng lương hàng loạt.

Bà tâm sự, quá trình công tác trong ngành Điện, từng trải qua nhiều vị trí công tác, công việc khác nhau nhưng có lẽ đây là sự kiện đáng nhớ nhất khi bà mới bước vào nghề vì đã làm một việc nho nhỏ đem lại quyền lợi cho người lao động. Thậm chí, khi việc đề xuất tăng lương cho anh chị em, vấp phải sự e ngại của lãnh đạo phê duyệt, bà còn thẳng thắn đề nghị “nếu việc tăng lương bị ảnh hưởng tới công tác kinh doanh của đơn vị, tôi sẵn sàng chi toàn bộ số lương của mình để chia sẻ đời sống khó khăn của anh chị em”.

Bà Lưu Thị Út được bạn bè đồng nghiệp tặng quà lưu niệm nhân dịp bà nhận Huy hiệu 50 năm tuổi đảng.

Trong thời kỳ bà về Nam chiến đấu, hoạt động ở vùng Tây Ninh, bà nhận nhiệm vụ chở các cán bộ làm cách mạng đặc biệt qua những cung đường mòn hiểm nguy, nhiều bom đạn. Trên đường đi, gặp các em nhỏ bị đánh bom, thương tích đầy mình, khi nhìn thấy những đứa trẻ bị trúng bom, máu me đầy người đang thở thoi thóp dưới làn mưa đạn, bà không cầm được lòng mình. Mặc dù đang thực hiện sứ mệnh bảo vệ sự an nguy của người cán bộ cách mạng đặc biệt đi cùng, nhưng với bản năng của một người giàu tình yêu thương, bà đã không cầm nổi nước mắt, bỏ mặc người cán bộ đó, chạy tới ôm các em và lòng quặn đau… Mặc dù biết hành động này bị lãnh đạo khiển trách vì không thực hiện “kỷ luật nghiêm trong chiến đấu", nhưng vì bà thương những đứa trẻ kia quá, nên đã không cầm lòng mình được…

Sau này, với tấm lòng bao dung, nhân hậu luôn thường trực trong con người, bà Út đã quyết định nhận nuôi dưỡng và chăm sóc 4 đứa trẻ mồ côi, con của một số gia đình công nhân ngành Điện ở Ninh Thuận. Khi đó, em nhỏ nhất mới 3 tuổi và em lớn nhất là 9 tuổi, đến giờ các em đều đã trưởng thành. Trong đó, có một em đang công tác trong ngành Điện, nối tiếp sự nghiệp của bà, với bà đây là niềm hạnh phúc lớn lao!

Hơn 30 năm cống hiến cho ngành Điện, nhiều năm liền bà đạt danh hiệu “Hai giỏi”, “Gia đình nữ CNVC - LĐ tiêu biểu xuất sắc”; được tặng thưởng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn”; huy chương Kháng chiến hạng 1, huân chương Lao động hạng Ba và huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Sau khi nghỉ hưu trở về cuộc sống đời thường, với đức tính cần cù, đảm đang, tháo vát của phụ nữ ngành Điện, bà Út vẫn là người rất năng động, sáng tạo, làm kinh tế giỏi.

Đến nhà bà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, sung sức của bà, một tay bà chăm sóc cả hecta vườn cây ăn trái, trồng thêm rau sạch và nuôi tới chục con heo rừng… Bà tâm sự, còn sức khỏe thì vẫn phải lao động, một phần cũng là tự cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, sau đó còn thì bán rẻ cho đồng đội cũ của mình và bà con lối xóm xung quanh. Dù tất bật với công việc nhà, nhưng bà Út vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể ở địa phương, đóng góp xây dựng các quỹ: Quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quan tâm, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Ở bà, tôi như thấy hội tụ đủ vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam: Trung hậu - Đảm đang, vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà… Một người phụ nữ năng động, sáng tạo, giàu lòng nhân ái, một gương sáng điển hình của người phụ nữ ngành Điện. Viết về cuộc đời bà, tôi càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của câu nói “Mỗi người đều nhận được từ cuộc đời những gì mà mình đã bỏ vào đó”!


  • 14/10/2016 03:31
  • Nguồn bài và ảnh: Ấn phẩm Phụ nữ ngành Điện - Tạp chí Công Thương
  • 1264