Người đảm bảo “sức sống” cho hệ thống thiết bị đo lường

Nhiều năm nay, cán bộ, công nhân Phân xưởng Tự động - điều khiển, Tổng công ty Phát điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ quanh năm miệt mài bên những thiết bị đo lường, đảm bảo những thiết bị máy móc vận hành trơn tru 24/24h, đó là kỹ sư Vũ Thị Oanh, Phân xưởng Tự động - điều khiển. Không chỉ miệt mài với chuyên môn, chị Oanh còn được biết đến là một người sống chan hòa, đoàn kết với anh chị em đồng nghiệp, một nữ cán bộ năng nổ, nhiệt huyết trong các hoạt động nữ công của Tổng công ty.

Kỹ sư Vũ Thị Oanh

Nghề nào cũng lắm gian nan

Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân Kỹ thuật điện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, chị Oanh về công tác tại Tổng công ty Phát điện 1, với nhiệm vụ sửa chữa thiết bị đo lường tất cả các thiết bị đo đếm hơi nước trong các nhà máy nhiệt điện.

Chị cho biết, thời gian mới vào công tác, chị khá bỡ ngỡ, vì những thiết bị đo lường đòi hỏi sự chính xác rất cao. Những trục trặc ban đầu xảy ra đối với hệ thống thiết bị đo lường của tổ, tuy chưa thật sự phức tạp nhưng đó là những thử thách không nhỏ đối với cô nữ sinh mới ra trường. Chỉ một thời gian ngắn bắt nhịp với công việc, chị Oanh đã khẳng định được năng lực chuyên môn, được lãnh đạo Phân xưởng và lãnh đạo Tổng công ty đánh giá cao. Với tính ham học hỏi, tích cực trau rồi kinh nghiệm nâng cao trình độ, năm 1997, chị tham gia khóa học tại chức chuyên ngành Hệ thống Điện của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tiếp sau đó, chị được Ban lãnh đạo Tổng công ty cử đi học lớp 6 tháng tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, để nắm bắt dây chuyền công nghệ tổ máy 300 MW phục vụ cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1.

Phân xưởng chị Oanh quản lý có số lượng lớn các thiết bị, bao gồm các tổ máy. Toàn bộ tổ máy này đều gắn các thiết bị đo lường để công nhân vận hành công nghệ được thuận lợi, chính xác và đảm bảo tính an toàn cao nhất. Nhiệm vụ của chị là phải đảm bảo hệ thống thiết bị hoạt động trơn tru, chính xác 24/24h trong suốt quá trình dây chuyền hoạt động. Do cường độ hoạt động liên tục, trong điều kiện môi trường nhà máy với hàng trăm, hàng nghìn thiết bị, nên những trục trặc xảy ra đối với từng thiết bị hệ thống là không tránh khỏi. Những trục trặc ấy rất cần có bàn tay của chị và các đồng nghiệp cùng khắc phục.

Chia sẻ về công việc, chị Oanh cho biết, vất vả nhất là khi các sự cố xảy ra vào ban đêm. Những trục trặc này nhiều khi không chỉ khó khắc phục hơn, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại hơn. Với những sự cố nhỏ thì việc xử lý là dễ dàng, song cũng có những sự cố mà sự cố gắng trong đêm dường như bất khả kháng, đòi hỏi phải nhờ có sự hỗ trợ từ các bộ phận khác trong Công ty, vì không phải thiết bị nào cũng có thể quan sát được bằng mắt thường và xử lý đơn giản bằng tay, hoặc dụng cụ sẵn có. Đã không ít lần chị và các đồng nghiệp phải mướt mồ hôi, thậm chí là cả những giọt nước mắt khổ cực giữa đêm khuya để duy trì “sự sống” liên tục cho các thiết bị đo lường. Đó là những lần sự cố xảy ra đột xuất, còn nếu như vào giai đoạn đại tu, trùng tu tổ máy, muốn sửa chữa nhanh để đáp ứng tiến độ thì mình phải bố trí nhân lực phù hợp làm cả ngày lẫn đêm để hoàn thành công việc theo tiến độ được giao.

Với đức tính khiêm tốn, tác phong làm việc nhiệt tình năng nổ, phẩm chất tốt, chị được kết nạp vào Đảng, được đồng nghiệp tín nhiệm đề cử làm Tổ phó Tổ nữ công Phân xưởng trong nhiều năm liền. Nhận được tin tưởng của chị em đồng nghiệp và lãnh đạo Công ty, chị luôn ý thức trách nhiệm hết mình với công việc, nên dành thời gian tâm huyết, tìm hiểu nghiên cứu, nắm vững lĩnh vực được phân công phụ trách. Chị thổ lộ: “Đôi lúc công việc mang lại cho tôi nhiều áp lực nhưng tôi luôn xem đó như là một thử thách nghề nghiệp, phải cố gắng vượt qua mới xứng đáng với niềm tin của chị em cũng như Ban lãnh đạo Công ty”. Nhờ nỗ lực phấn đấu không ngừng, chị được bình xét công nhận đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua (2013- 2014), năm 2014 chị đạt giải đặc biệt tại cuộc thi “Phụ nữ EVN sáng tạo” với giải pháp “Lập trình thay đổi logic điều khiển áp lực buồng đốt tại ngưỡng âm và tăng thời gian trễ của bảo vệ mất tín hiệu ngọn lửa chung, ngăn ngừa các tác động không đúng trong vận hành của nhà máy 300 MW”...

Truyền thống gia đình là điểm tựa

Nói về động lực đã giúp chị có nguồn năng lượng dồi dào để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 30 năm qua, chị Oanh vui vẻ thổ lộ, ngoài sự nỗ lực bản thân, thì truyền thống gia đình chính là điểm tựa vững vàng, là động lực lớn nhất để chị vững bước trong suốt quá trình công tác của mình. Công việc của bố mẹ đã ảnh hưởng tới chị, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đến khi lựa chọn ngành học ở Trường Công nhân Kỹ thuật điện Chí Linh. “Chứng kiến bố mẹ thương yêu, gắn bó với nhà máy nhiệt điện, nên tôi đã có dự định sau này lớn lên cũng sẽ học và đi tiếp con đường bố mẹ đã lựa chọn, cho dù ngày ấy, định hình nghề nghiệp trong tôi còn khá giản đơn và có phần trẻ con” - chị Oanh chia sẻ. Bố chị là một trong những công nhân đầu tiên làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, lúc công trình mới ở giai đoạn thi công xây dựng. Ông là công nhân san lấp mặt bằng, trực tiếp thi công xây dựng nhà máy. Đến khi về hưu, ông đảm nhiệm chức danh Quản đốc Phân xưởng nhiên liệu. Mẹ chị cũng là một công nhân vệ sinh công nghiệp lò tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí.

Đến nay, chị Oanh chuẩn bị về nghỉ hưu, trải qua chặng đường dài mà bố mẹ chị đã đi, song dường như chị vẫn muốn ngày ngày được bước tiếp trên con đường ấy, con đường bố mẹ đã chọn, con đường chị đã đi trong suốt quá trình miệt mài cống hiến của một đời người. Với chị, đây là con đường lao động đầy gian lao, vất vả nhưng vinh quang và tự hào. Chị tự hào về bố mẹ, về những người luôn bên chị trong cả chặng đường đã qua, nhưng tôi biết sẽ có nhiều người khác tự hào về chị, người phụ nữ đảm bảo “sức sống” cho hệ thống thiết bị đo lường cho các nhà máy nhiệt điện...!


  • 17/09/2016 11:00
  • Nguồn bài và ảnh: Ấn phẩm Phụ nữ ngành Điện - Tạp chí Công Thương
  • 2096