Thợ điện vùng cao Thanh Hóa: Chuyện giờ mới kể

Theo chân những người thợ điện huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, được nghe các anh kể về công việc hằng ngày, tôi mới hiểu được phần nào sự gian nan, vất vả của người làm điện...

Tai nạn luôn rình rập…

Khối lượng quản lý, vận hành của Điện lực Mường Lát – Công ty Điện lực Thanh Hóa:

- 125 km đường dây 35 kV;

- 80 km đường dây 0,4 kV;

- 60 trạm biến áp 35/0,4 kVA;

- Cấp điện cho 4.538 khách hàng.          

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp, đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Những câu thơ trong bài “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng như còn văng vẳng bên tai khi chúng tôi đặt chân lên huyện vùng cao Mường Lát. Nơi đây, giờ đã khác xưa bởi cuộc sống của người dân nhiều vùng đã có điện, nhưng sự hùng vĩ, dữ dội của núi rừng miền Tây hình như còn muốn thử thách tinh thần người thợ điện với những cung đường dốc đứng, nhiều đoạn ngoằn ngoèo, hiểm trở, chỉ cần sơ ý là có thể nguy hiểm...

Điều đặc biệt đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được, chính là Mường Lát - huyện xa nhất, nghèo nhất và cao nhất của tỉnh Thanh Hóa, nhưng cuối năm 2013, 100% số xã đã có điện lưới quốc gia. Giờ đây, những người dân sinh sống trên mảnh đất vùng cao này đã quen với hình ảnh thân thương, những người thợ điện áo cam ngày ngày không quản đường sá xa xôi, hiểm trở, vẫn đến với bà con, giữ gìn nguồn điện sáng cho khách hàng trên địa bàn...

Theo anh Hà Văn Đanh - Công nhân Điện lực Mường Lát, khó khăn nhất ở Mường Lát là bán kính cấp điện rộng (120 km), trong khi đường sá đi lại khó khăn. “Ở đây không có đinh tặc, nhưng “đá tặc” thì có (cười). Thường xuyên đi lại trên các cung đường đất, đá lởm chởm, ổ voi, ổ gà chằng chịt nên việc xe bỗng loạng choạng tay lái vì xịt lốp là chuyện thường ngày. Những lúc đó, đành “cắn răng” đi tiếp bằng vành, rồi về thay luôn cả bộ, vì núi cao heo hút, nhà dân còn chẳng có, nói gì đến hiệu sửa xe. Có khi, một tháng, bị xịt lốp đến 3-4 lần”, anh Đanh chia sẻ.

Trên đường vào trung tâm xã Mường Lý, nhiều chỗ phải vượt qua các khe suối với dốc dựng đứng, tôi “thót tim” tưởng mình sắp “bay” khỏi xe, vậy mà anh Đanh vẫn cười toét miệng: “Đoạn đường này còn dễ đi đấy, chứ vào các bản sâu, đường khó hơn nhiều. Có những bản, chúng tôi phải gửi xe cuốc bộ vì đường dốc, hẹp, lại ngoằn ngoèo. Chỉ có người dân ở đây, họ dùng xích quấn quanh các lốp xe, vừa bảo vệ lốp vừa tăng lực ma sát, mới “chịu nhiệt” được”. 

Nhưng có lẽ, gian nan nhất của thợ điện vùng cao Mường Lát là vào những mùa mưa bão. Cấp điện cho huyện Mường Lát chỉ có 1 nguồn duy nhất là Trạm 110 kV Bá Thước. Hệ thống đường dây trải dài qua 2 huyện miền núi Bá Thước và Quan Hóa mới đến được Mường Lát, nên rất dễ bị sự cố khi có mưa, bão. Núi non hiểm trở, việc tìm ra sự cố để khắc phục cũng không đơn giản chút nào.

“Ở đây, nhiều vùng còn chưa có sóng điện thoại, nhiều khi mất điện, người dân cũng không thể báo Điện lực được. Để xác định vị trí sự cố, Điện lực phải tổ chức phân đoạn, khoanh vùng, tìm kiếm, vừa vất vả, vừa mất thời gian. Có những sự cố, anh em phải đi cả ngày, trèo đèo, vượt suối mới tìm ra được nguyên nhân”, anh Hà Văn Đanh cho biết thêm.

Ở Mường Lát lại thường xuyên có mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất đá, những người thợ điện luôn phải đối mặt với hiểm nguy rình rập. Anh Vi Văn Đoàn - Công nhân Điện lực Mường Lát chia sẻ, có lần anh cùng đồng nghiệp đi lắp đặt công tơ cho bản Suối Phái (xã Tam Chung), phải đi qua một dòng suối. Trước đó, vừa xảy ra mưa lớn nên nước chảy xiết; từng người một không qua được. Anh em phải đeo đồ nghề lên vai, rồi nắm lấy tay nhau, dò dẫm từng bước mới vượt suối an toàn...

Lưới điện huyện Mường Lát đi qua nhiều vùng đồi, núi 

Những bữa trưa tạm bợ

Mỗi lần đi kiểm tra hệ thống lưới điện, ghi chỉ số công tơ hay tuyên truyền an toàn điện..., trong hành trang của những người công nhân Điện lực Mường Lát bao giờ cũng có thêm bữa trưa như: Xôi, bánh rán, cơm nắm, bánh chưng... Sau bữa trưa tạm bợ, họ lại bắt tay ngay vào công việc, cố gắng hoàn thành trước khi sương mù buông xuống, che khuất tầm nhìn.

“Đồng bào ở đây còn nghèo, nhà ở lại cách xa nhau, nên ở các bản, hầu như không có quán ăn. Anh em phải mang theo lương thực cho bữa trưa để chống đói”, anh Vi Văn Đoàn chia sẻ.

Hà Văn Đanh - Công nhân Điện lực Mường Lát: “Năm ngoái, sau khi đi lắp công tơ cho khách hàng trở về, trời mưa, đường trơn nên khi qua một đoạn cua dốc, mình bị ngã nhào, người và xe cùng rơi xuống cống nước bên đường. Cũng may, người vướng vào bụi cây nên “tiếp đất an toàn”, chỉ bị thương nhẹ. Mấy anh em đi sau, đến nơi, chỉ nhìn thấy mũ thợ điện lăn lốc trên đường liền tỏa ra đi tìm. Khi mình được mọi người kéo lên, cả người lấm lem bùn đất...”

Cũng theo anh Đoàn, một trong những khó khăn của thợ điện vùng cao còn là bất đồng ngôn ngữ. Huyện Mường Lát có tới 40% người dân tộc Mông, 40% người dân tộc Thái, còn lại là người dân tộc Kinh, Mường, Khơ Mú... “Trong Điện lực Mường Lát, có một số cán bộ, công nhân là người dân tộc Thái, nên với đồng bào Thái còn giao tiếp được. Riêng với bà con dân tộc Mông, Khơ Mú, mỗi lần đến nhà khách hàng, phải liên hệ trước, nhờ trưởng bản đi cùng làm “phiên dịch...”, anh Vi Văn Đoàn cho biết thêm.

Ông Trịnh Huy Hoàng - Giám đốc Điện lực Mường Lát cho hay, với nỗ lực của tập thể CBNCV, đến nay tình hình cấp điện ở Mường Lát vẫn ổn định, được đông đảo khách hàng, chính quyền địa phương và các sở, ban ngành trên địa bàn huyện ghi nhận. Đặc biệt, việc đảm bảo điện phục vụ Đại hội Đảng, Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp... cuối tháng 5/2016, đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng cao biên giới.

Hiện nay, Mường Lát đã có điện lưới quốc gia đến các trung tâm xã, còn 40 bản ở những vùng sâu, vùng xa, do đặc thù địa hình quá khó khăn, nên vẫn chưa có điện. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, 40 bản còn lại này sẽ được cấp điện lưới quốc gia.

Ông Hoàng chia sẻ thêm, để công tác vận hành lưới điện được đảm bảo an toàn, liên tục, đặc biệt là trong mùa mưa bão, đối với các địa bàn vùng sâu vùng xa của Mường Lát là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với quyết tâm chung của toàn đơn vị, đặc biệt là tinh thần nỗ lực vượt khó “quen nắng quen mưa” của anh em công nhân, thời gian tới, Điện lực Mường Lát sẽ tập trung, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra các điểm xung yếu, xử lý kịp thời các nguy cơ sự cố.

Vất vả, gian nan là vậy, nhưng bất kể nắng, mưa, gió, bão, những người thợ điện Mường Lát chưa một lần nản chí. Với họ, giữ ánh sáng cho từng nếp nhà của đồng bào dân tộc, được góp một phần sức lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội các xã vùng cao biên giới phát triển là trách nhiệm, cũng là niềm tự hào của những người làm điện.


  • 04/11/2016 06:38
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2631