Anh Võ Thanh Cường
|
Anh Võ Thanh Cường sinh ra ở một làng quê nghèo của tỉnh Bình Định vào thời điểm chiến tranh đang trong giai đoạn khốc liệt. Với nhiều nỗ lực, năm 1991, Võ Thanh Cường tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh với tấm bằng kỹ sư điện, được Công ty Điện lực 2 xin về và phân công tác ở Sở Truyền tải điện (tiền thân của PTC4). Trong 2 năm đầu tiên, anh được luân chuyển để tập sự tại hầu hết các đơn vị trực tiếp quản lý vận hành, bảo trì và thi công, sửa chữa của Sở Truyền tải điện. “Dù vất vả nhưng chính khoảng thời gian này, tôi nhận được nhiều thứ nhất, đó là kinh nghiệm, sự trải nghiệm về nghề. Nhưng quan trọng hơn, đó là nơi tôi tìm thấy tình yêu và đam mê nghề truyền tải” - anh Cường bộc bạch.
Dù ở vị trí công tác nào, từ quản lý kỹ thuật, vận hành cho đến khi được bổ nhiệm là phó phòng, rồi Trưởng phòng Kỹ thuật và Trưởng phòng Đầu tư xây dựng của PTC4, Võ Thanh Cường luôn được lãnh đạo và đồng nghiệp yêu mến, trân trọng bởi ý thức trách nhiệm, cái tâm trong sáng, sự ham học hỏi cùng những sáng kiến, sáng tạo của anh được áp dụng vào thực tế.
Phòng Đầu tư xây dựng của Võ Thanh Cường chỉ có 16 người, nhưng hàng năm, đơn vị phải thực hiện khối lượng khá lớn các dự án đầu tư xây dựng. Với cả “núi” công việc, từ lập kế hoạch, tổ chức và quản lý, giám sát quá trình thực hiện dự án, việc bảo đảm cho dự án hoàn thành đúng chất lượng, thời gian, trong phạm vi nguồn vốn đã được duyệt, đạt được mục tiêu đề ra không hề đơn giản. Chia sẻ với tôi, anh Cường bảo, có những dự án đơn giản nhưng cũng có nhiều dự án khó, phức tạp đòi hỏi bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi phải chuẩn để trình phê duyệt nhanh. Khi bước vào thực hiện, các dự án đều có nguy cơ chậm tiến độ vì vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, do thay đổi chính sách hay ở mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau, trình độ nhận thức của người dân cũng khác nhau. Đó là chưa kể đến việc cắt điện thi công sao cho hợp lý để không ảnh hưởng đến các hoạt động của khách hàng.
Trước những khó khăn này, anh Cường thường đưa ra cách giải quyết là tập trung sức mạnh tập thể, tăng cường phối hợp với các bên liên quan, đặc biệt là phải thường xuyên sâu sát với các địa phương, tranh thủ sự ủng hộ nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Còn các khó khăn như cắt điện thi công, anh đã suy nghĩ ra sáng kiến, giải pháp để giảm thiểu thời gian cắt điện, vừa giúp cho các cơ quan điều độ dễ bố trí sắp xếp lịch, vừa bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện và làm lợi cho ngành. “Trong cái khó ló cái khôn, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự ham học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ thực tế và luôn phải bắt cái não làm việc” - anh Cường cho biết thêm.
Quả thật, nhìn danh sách những sáng kiến của anh trong PTC4, tôi không biết chọn cái nào để liệt kê bởi sáng kiến nào cũng đáng khen ngợi với những con số làm lợi hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỷ đồng cho đơn vị, cho nhà nước. Không chỉ thế, anh Cường còn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người quản lý, người đi trước để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho những người thợ trẻ.
Đáp lại những cống hiến đó, hầu như năm nào cái tên Võ Thanh Cường cũng có trong danh sách những người được bầu chọn khen thưởng như chiến sỹ thi đua các cấp, Bằng khen của Bộ Công Thương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và mới đây là Bằng Lao động sáng tạo và Giải thưởng Tôn Đức Thắng.
Anh Võ Thanh Cường tràn ngập khát khao, hoài bão và niềm hứng khởi muốn vượt qua chính mình với mong muốn cống hiến cho ngành truyền tải nói riêng, ngành Điện nói chung và cao hơn cả là niềm tin cho một tương lai tươi sáng của đất nước |