Thúc đẩy văn hóa học tập trong doanh nghiệp

Văn hóa học tập là một trong những nét đặc trưng trong kỷ nguyên số. Phát triển loại hình văn hóa này sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động. Vậy giải pháp nào thúc đẩy xây dựng văn hóa học tập hiệu quả trong doanh nghiệp?

Ảnh minh họa.

Xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển

Chiến lược phải gắn với mục tiêu chung và nên coi nó như một trong những mục tiêu được ưu tiên của doanh nghiệp. Lãnh đạo DN cần chú trọng đưa ra chính sách đào tạo và phát triển nhân sự trong dài hạn. Một doanh nghiệp có nền tảng đào tạo, việc hình thành văn hóa học tập sẽ dễ dàng hơn, bởi người lao động đã quen với việc được học tập những kỹ năng mới, nâng cao chất lượng công việc định kỳ.

Thúc đẩy đào tạo nội bộ

Đào tạo nội bộ là một chiến lược dài hạn nhằm xây dựng đội ngũ nhân sự tinh nhuệ và đồng đều về năng lực.

Một số hình thức đào tạo nội bộ hiệu quả thường được sử dụng:

- Họp nội bộ định kỳ: là cách thức đào tạo thông qua các buổi gặp mặt toàn doanh nghiệp hoặc theo nhóm. Buổi họp này diễn ra định kỳ theo tuần, theo tháng... Sẽ rất hiệu quả để các cá nhân nâng cao năng lực, rèn luyện kỹ năng mềm phối hợp giữa các phòng ban. Doanh nghiệp sử dụng cách đào tạo này để huấn luyện về một chủ đề /kỹ năng cụ thể mà nhiều nhân viên cần phải biết.

- Đào tạo qua công việc: nhân viên được đào tạo bằng cách học hỏi qua công việc thực tế. Hình thức này cần đảm bảo điều kiện là có khoảng thời gian riêng đào tạo viên và nhân sự học việc không bị ảnh hưởng tới tiến độ công việc. Cách đào tạo nội bộ này sẽ thích hợp đối với những công việc mang tính thực hành cao.

- Kèm cặp: là việc theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời cho nhân viên. Cách này sẽ giúp người quản lý hoặc người giàu kinh nghiệm dễ dàng truyền đạt những kiến thức và kỹ năng cho nhân viên ít kinh nghiệm.

Xây dựng các chỉ tiêu đo lường hiệu suất

Một cách hiệu quả là đưa ra KPI về số lượng giờ học hay những tài liệu theo lựa chọn của từng cá nhân dựa trên KPI chung cho các phòng ban. Mỗi phòng ban đều có đặc thù khác nhau vì vậy cần đưa ra những chỉ tiêu riêng, phù hợp, như vậy việc thực thi sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Thông qua các KPI đã đặt ra, lãnh đạo có thể nắm được quá trình học tập trong doanh nghiệp diễn ra như thế nào. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp trong chiến lược tạo dựng thói quen trau dồi, đào tạo kiến thức.

Tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao kiến thức

Ngoài việc đào tạo nội bộ, cần tổ chức những lớp học cho người lao động trau dồi kiến thức và những kỹ năng còn thiếu. Thông qua việc khảo sát và đánh giá nhân viên định kỳ, lãnh đạo có thể nhận thấy những kỹ năng mà nhân viên còn thiếu, từ đó xây dựng những chương trình đào tạo tổng thể. Các chương trình có thể được điều chỉnh theo các phòng ban và đối tượng khác nhau, sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, cần chú trọng vào việc khuyến khích nhân viên tự học những kỹ năng mà họ thích. Bởi, việc học cần xuất phát từ động lực cải thiện bản thân, từ những gì họ cảm thấy thiếu, hiệu quả sẽ cao hơn. Lãnh đạo có thể cho phép nhân viên tự lập kế hoạch phát triển cá nhân và theo dõi quá trình thực hiện.

Khuyến khích tự khám phá, tự đổi mới

Người lao động được phép đưa ra những ý tưởng đổi mới khi thực hiện công việc được hiệu quả hơn. Doanh nghiệp tạo môi trường cho nhân viên thể hiện sự sáng tạo và phát huy hết năng lực bản thân; tạo điều kiện cho nhân viên đưa ra những ý kiến và sẵn sàng thực hiện nếu thấy điều đó là hợp lý và khả thi. Chỉ có vậy, nhân viên mới chủ động, dám đổi mới và không ngại đưa ra những ý kiến cá nhân.


  • 18/05/2021 05:28
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập.
  • 6258