“Thương vụ” Vingroup và Masan: Tham vọng lớn của hai ông lớn

Vingroup tuyên bố sẽ tập trung vào mảng công nghiệp và công nghệ. Vậy điều đó thực chất là gì?

Masan sẽ có trong tay mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart + tại 50 tỉnh thành cùng hàng triệu khách hàng. Đây là một thương vụ "2 bên cùng có lợi" giữa hai ông lớn hàng đầu Việt Nam này.

Người cần bán

Vingroup đang lấn sân vào hai lĩnh vực thời thượng nhưng rất 'khó nhằn', là ô tô và điện thoại. Đối thủ của Vingroup toàn là những đại gia tầm cỡ thế giới thực sự, nhiều tiền, nhiều lực, nhiều kinh nghiệm chiếm lĩnh thị trường nhiều năm qua như Apple, Samsung hay Toyota, BMW.

Tháng trước, một bài báo trên Forbes nhận định: Người Việt không mua điện thoại do chính nước mình làm ra, vì họ có thể mua được những sản phẩm từ những tên tuổi lớn hơn với cùng một số tiền. Bởi vậy, có vẻ như Vingroup không còn cách nào khác ngoài việc bán lỗ để tạo cạnh tranh.

Ở mảng ô tô cũng vậy, VinFast đặt ra chiến lược "đốt tiền" qua "3 không" - Không chi phí khấu hao đầu tư, không chi phí tài chính, không lợi nhuận. Họ liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi miễn phí lãi vay trả góp mua xe Fadil, Lux, trong bối cảnh thị trường ô tô toàn cầu đang trở nên trì trệ, làm lao đao cả những ông lớn xe hơi trên thế giới. Vingroup cũng xác định đây là trọng tâm của tập đoàn. Họ chấp nhận tiếp tục tăng sử dụng nợ vay để đầu tư mạnh hơn.

Trong khi đó, bán lẻ cũng khốc liệt không kém. Thành thử, "buông" VinCommerce cũng là một giải pháp cắt lỗ, dồn sức cho ô tô, điện thoại khả quan của Tập đoàn. Họ cần bán.

Kẻ cần mua

Masan hiện đang là "ông vua" hàng tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, họ vẫn chưa bật lên được trước sự cạnh tranh của các nhãn hàng tiêu dùng nước ngoài như Unilever.

Theo các lãnh đạo của Masan, điểm mấu chốt của cuộc chơi này chính là hệ thống phân phối. Mới chỉ cách đây chưa đầy 2 tuần, tại Diễn đàn Công nghệ FPT 2019, ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng giám đốc Masan đã nói rất rõ về nguy cơ khi không có hệ thống phân phối và chiến lược phát triển của Masan: “Không chỉ riêng Masan, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không cẩn thận có khi chỉ 3 - 5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu có thể vẫn còn, khả năng sản xuất có thể vẫn còn, nhưng khả năng bán hàng sẽ mất. Bạn mất kênh phân phối. Và điều đó rất nguy hiểm. Bán gói mỳ có lời bao nhiêu đâu, nhưng bạn phải đóng 24% lợi nhuận biên ra siêu thị thì chắc chắn đổ máu. Và Masan đang phải trở mình, quyết định làn sóng thứ 2 là chính thức bước ra và xây dựng mô hình kinh doanh mới - New Retail".

Bây giờ thì đã rõ. Masan đã bắt tay với ông lớn Vingroup, sáp nhập hệ thống bán lẻ để trở thành một trong những nhà phân phối kiêm sản xuất hàng hóa lớn nhất Việt Nam.

Đây là thương vụ "thuận mua vừa bán" của 2 ông lớn. Một bên cần bán để tập trung vào mục tiêu công nghệ cao hao tiền tốn sức, chạy đua với các công ty hàng đầu thế giới. Một bên có ngay "món hàng" gãi đúng chỗ ngứa để chiếm lĩnh thị trường hàng tiêu dùng đầy cạnh tranh ở Việt Nam.

Xem link gốc Tại đây


  • 06/12/2019 04:12
  • Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp
  • 1164