Năm 1992, Gabriel Fong có trong tay tấm bằng kinh tế của Đại học Cambrigde. Hai năm sau, ông làm việc cho Goldman Sachs - “gã khổng lồ” trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư ở Phố Wall. Năm 1996, Fong gia nhập Donaldson Lufkin & Jenrette – một “ông lớn” khác ở Phố Wall và làm việc dưới quyền của Tony James – Chủ tịch và CEO hiện tại của Tập đoàn Blackstone.
Sự nghiệp của Gabriel Fong không ngừng thăng tiến trong những năm đó. Từ năm 1999 – 2006, ông giữ cương vị Giám đốc điều hành tại Ngân hàng Morgan Stanley và cuối cùng trở thành nhà quản lý cấp cao cho công ty quản lý quỹ đầu cơ quốc tế Och-Ziff Capital Management đến năm 2013.
Cũng vào năm này, Fong đã quyết định “ngoảnh mặt quay lưng” với chuỗi vị trí ấn tượng trong lĩnh vực tài chính để bắt đầu con đường khởi nghiệp đầy thử thách.
GoGoVan đang hoạt động hiệu quả tại nhiều quốc gia
|
Luôn luôn “chiến đấu”
Sau khi rời vị trí làm thuê, Fong tham gia vào GoGoVan – một mô hình kinh doanh được gọi là “trang Uber dành cho vận tải” tại Hong Kong và nhiều nước châu Á khác trong vai trò là nhà đầu tư thiên thần và cố vấn.
Đến cuối năm 2013, Gabriel Fong trở thành Chủ tịch điều hành của GoGoVan. Đồng thời cũng vào lúc này, ông sáng lập ra công ty riêng (cũng ở Hong Kong), đó là "vườn ươm công nghệ" Jaarvis Labs - công ty chuyên hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ của khách hàng.
Với dịch vụ của GoGoVan, việc vận chuyển đồ đạc, hàng hóa trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Khách hàng chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại để sử dụng dịch vụ khi cần
|
“20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư đã giúp tôi "chuyển đổi" thành doanh nhân khởi nghiệp khá dễ dàng”, Gabriel Fong cho biết trên Tech in Asia.
Tuy nhiên, Fong thừa nhận để thỏa mãn ước mơ, ông đã phải đánh đổi khá nhiều thứ. Fong phải làm việc 18 tiếng/ngày kể cả cuối tuần. Doanh nhân 46 tuổi này đã kết hôn và có 4 con nhỏ. Từ khi trở thành một doanh nhân thực thụ, ông đã phải thường xuyên vắng mặt trong những dịp quan trọng của gia đình và cả những sự kiện xã hội khác.
“Trong khi bạn bè đều tận hưởng những thú vui giải trí vào tối thứ Sáu và cuối tuần thì tôi cùng các đồng nghiệp phải vùi đầu vào công việc tại văn phòng, đặc biệt là tại thời điểm phải chuẩn bị cho việc thuyết trình trước nhà đầu tư. Nhiều lần gia đình tôi phải đi du lịch vào những ngày lễ mà không có mặt tôi. Thậm chí nếu có đi với họ, tôi cũng phải làm việc qua điện thoại liên tục. Những lúc đó, tôi nhận ra rằng tinh thần của mình đang ở một nơi khác”, Gabriel Fong chia sẻ.
Gabriel Fong sở hữu tinh thần làm việc không ngừng nghỉ ngay từ nhỏ. Ông lớn lên cùng bà mẹ đơn thân làm nghề giao hàng với nguồn thu nhập chỉ vừa đủ sống. Vì vậy, để được học hành đầy đủ, ông luôn phải cố gắng để giành được học bổng hoặc nằm trong top những học sinh xuất sắc nhất để được miễn học phí.
Hoạt động trong môi trường tài chính với sự cạnh tranh khốc liệt, Gabriel Fong đã học được nhiều thứ quý giá, như: Sự sẵn sàng đón nhận rủi ro, những kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh, cách để có được một thương vụ thành công… Ông cho biết: “Lĩnh vực ngân hàng đầu tư đã dạy tôi rất nhiều kỹ năng quan trọng, chúng giống như chiếc chìa khóa để tôi mở cánh cửa bước vào con đường kinh doanh… Việc đầu tư thành công vào hàng trăm dự án kinh doanh phức tạp trong những năm qua đã giúp tôi thăng tiến nhanh chóng. Như vậy có thể nói, một cách không chính thức, tôi đã là một doanh nhân”.
Gabriel Fong cho biết, kinh nghiệm thúc đẩy sự phát triển của các start-up công nghệ đã đem đến nguồn cảm hứng để ông khởi nghiệp. “Đặc biệt là ở các thành phố như Hong Kong và Singapore – nơi mà bất động sản và tài chính chiếm ưu thế, tôi muốn đóng một vai trò gì đó trong việc khuyến khích tinh thần kinh doanh và đổi mới”, Fong giải thích.
Khi Gabriel Fong rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch điều hành của GoGoVan vào tháng 12/2014, Công ty đã có được hơn 500.000 lượt tải về từ người dùng và hơn 70.000 xe hoạt động tại Hong Kong, Singapore và Đài Loan (Hàn Quốc cũng sẽ là một thị trường rất tiềm năng mà GoGoVan hướng đến).
Vẫn nắm giữ một lượng cổ phần đáng kể tại GoGoVan, nhưng lúc ấy Gabriel Fong gần như chỉ muốn tập trung tâm sức cho dự án khởi nghiệp Jaarvis Labs.
Tận dụng kinh nghiệm
Với tỷ lệ thất bại thường là từ 90 – 95%, việc tạo nên một dự án khởi nghiệp luôn vô cùng khó khăn, Gabriel Fong cho biết. Fong biết rõ điều đó vì trong thời gian làm việc tại các ngân hàng đầu tư, ông từng chứng kiến sự phát triển và lụn bại của rất nhiều dự án thoạt nhìn có vẻ khả quan.
Gabriel Fong giải thích: “Các start-up phải đối mặt với rất nhiều thử thách, như: thuê đội ngũ nhân viên phù hợp, xây dựng nền tảng công nghệ, tiếp thị, thiết kế, phát triển vốn, tìm kiếm đối tác, vấn đề pháp lý, mở rộng quy mô ra quốc tế… Nhưng thật không may, nhiều người thực hiện dự án khởi nghiệp vẫn còn thiếu rất nhiều kỹ năng, họ gấp gáp thử nghiệm và sai lầm – điều dễ dàng 'giết chết' một dự án start-up. Làm sao bạn có thể trông đợi sự thành công từ một dự án start-up được thực hiện bởi những người chỉ mới có từ 2 – 3 năm kinh nghiệm làm việc? Và đó chính là lý do khiến việc đầu tư vào những dự án này mang tính rủi ro rất cao”.
Gabriel Fong cùng đội ngũ nhân viên Jaavis Labs
|
Thực hiện dự án Jaarvis Labs là cách để Gabriel Fong “hệ thống hóa” lại 20 năm kinh nghiệm làm việc của mình. Kể từ khi được thành lập từ cuối năm ngoái đến nay, Jaarvis Labs đã có hơn 180 nhân viên làm việc tại các văn phòng ở Hong Kong, Úc, Ấn Độ và thực hiện thành công 6 dự án kinh doanh.
Dự án đầu tiên là CallFixie – mô hình hoạt động cơ bản là giống như Uber nhưng trong lĩnh vực sửa chữa (khách hàng tìm kiếm dịch vụ sửa chữa cho gia đình, văn phòng… thông qua một ứng dụng trên điện thoại). CallFixie được ra mắt hồi tháng 12 năm ngoái và hiện có mặt tại nhiều thành phố lớn ở các nước mà Jaavis Labs có đặt trụ sở.
Hai dự án khác đều được vận hành tại Hong Kong là SpotHelp (dịch vụ hỗ trợ khách hàng theo yêu cầu thông qua tin nhắn SMS, giúp “giải thoát” khách hàng khỏi các công việc vặt để họ có thời gian dành cho các hoạt động khác quan trọng hơn), và Pressie (một ứng dụng giúp người dùng gửi coupon quà tặng đến cho bạn bè để họ đến cửa hàng nhận món quà đó).
Fong tự hào nói: “Tôi đang sở hữu một đội ngũ bao gồm nhiều chuyên gia đầy kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ không những hoàn thành tốt công việc mà còn biết cách hỗ trợ nhau để tránh những sai lầm không đáng có”.
Không bao giờ “nghỉ ngơi”
Giống như đã từng thành công với GoGoVan, Gabriel Fong đã đạt được những thành quả nhất định trong việc "ươm mầm" cho các khách hàng của mình. Cho đến bây giờ, dự án CallFixie đã kêu gọi được số vốn đầu tư là 3 triệu USD, còn SpotHelp và Pressie thì kêu gọi được 1 triệu USD cho mỗi dự án.
Tuy vậy, Gabriel Fong không bao giờ muốn “nghỉ ngơi”, ông luôn tìm kiếm cơ hội để phát triển Jaarvis Labs cũng như phát triển cho sự nghiệp riêng của mình.
Với số tiền 10 triệu USD, Fong đang có ý định thành lập một công ty đầu tư mạo hiểm. “Với ý định này, tôi mong muốn sẽ quản lý tốt hơn nữa tài sản của mình và khuyến khích tinh thần kinh doanh ở một phạm vi rộng lớn hơn”, Gabriel Fong chia sẻ về tham vọng sắp tới.