Bà Nguyễn Phương Anh và ông Jose Finch - đồng Giám đốc điều hành Zalora Việt Nam
|
Làm cách nào để một người vừa trẻ tuổi đời vừa trẻ tuổi nghề có thể xây dựng và ổn định một công ty khởi nghiệp (start-up) với hàng trăm nhân viên như thế? Chia sẻ với Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Giám đốc điều hành của Zalora Việt Nam nhấn mạnh, ý chí học hỏi không ngừng là điều quan trọng nhất giúp chị từng bước vững vàng hơn trong vai trò quản lý và điều hành một doanh nghiệp.
* Được biết, chị bắt đầu sự nghiệp với vị trí một nhiếp ảnh gia, biên tập viên ảnh tại ELLE. Làm cách nào chị có thể kiểm soát được công việc trong hai năm đầu tiên làm quản lý Zalora?
- Đúng là sau khi trở về Việt Nam từ Đức, tôi làm việc tại Elle với vai trò biên tập viên hình ảnh. Một phần của công việc là tổ chức các buổi chụp hình cho tạp chí. Tại Zalora, ban đầu tôi đảm nhiệm vị trí giám đốc sản xuất, tổ chức chụp hơn 500 sản phẩm mỗi ngày. Thời gian đầu chỉ quản lý 6 nhân viên nhưng do chưa có kinh nghiệm nên tôi không biết làm gì với họ. Khi đó, bắt đầu mỗi ngày tôi giao việc cho mọi người, mất rất nhiều thời gian để giải thích các yêu cầu.
Đến cuối ngày khi mọi người đã về hết, tôi kiểm tra lại thì phát hiện ra công việc chưa đạt kết quả như mong muốn. Thế là tôi lại mất thêm 8 tiếng để… làm lại từ đầu. Ba tháng đầu tiên rất căng thẳng vì không biết phải hướng dẫn thế nào để mọi người có thể làm tốt công việc được giao. Sau này, khi bộ phận đã lên hàng trăm nhân sự, áp lực càng gia tăng. May thay, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, tổ chức công việc cá nhân khi còn làm bên Elle đã giúp tôi ổn định bộ máy nhân sự sau đó tại Zalora.
* Trong hai năm đầu làm quản lý này, có những bài học nào chị có thể chia sẻ với độc giả được không?
- Các doanh nhân mới khởi nghiệp thường làm việc trong tình trạng rất căng thẳng do phải chịu nhiều áp lực từ nhà đầu tư. Mọi quyết định của doanh nghiệp phải được đưa ra rất nhanh chóng, kể cả vấn đề tuyển dụng nhân sự. Bạn biết đấy, một start-up không có thời gian để lập ra kế hoạch chi tiết cho 2-3 vòng phỏng vấn nhằm lựa chọn được ứng viên phù hợp nhất. Nhiều lúc chỉ cần mình có ấn tượng tốt với một ứng viên nào đó thì trong vòng 2 phút sẽ nhận vào làm ngay.
Trong khi đó, thời gian đầu xây dựng một trang thương mại điện tử đòi hỏi sự tập trung gần như tuyệt đối của các nhân viên, khiến cho họ không còn thời gian riêng dành cho sự phát triển những kỹ năng cá nhân - điều rất cần cho sự phát triển toàn diện của mỗi người, nhất là những người trẻ. Thế là cũng rất nhanh, nhiều người đã rời bỏ công ty.
Điều này đã gây tổn hại cho hình ảnh của Zalora trên thị trường. Các lao động không muốn ứng tuyển vào Zalora vì cảm thấy khó tìm được sự ổn định. Nó cũng làm cho nhiều nhân viên của Zalora rơi vào trạng thái mệt mỏi khi thấy khó thể cân bằng giữa công việc và gia đình. Tôi khuyên các start-up nên đầu tư nhiều hơn cho khâu tuyển dụng nhân sự ngay từ đầu, và chú trọng hơn vào việc xây dựng những chính sách nhân sự tốt để tìm cho được và cũng giữ cho được người phù hợp với công ty.
* Về lý thuyết, quản trị nhân sự không phải chỉ là vấn đề tổ chức công việc mà còn bao gồm cả khâu tương tác với con người. Chị đã ở nước ngoài khá lâu trước khi về Việt Nam làm việc. Chị có gặp khó khăn gì trong việc thực hiện khía cạnh thứ hai của quản trị nhân sự trong quá trình quản lý?
- Bài học lớn nhất của tôi khi mới về nước là phải hòa nhập với thị trường mình đang làm, phải hiểu ngôn ngữ, văn hóa, con người. Tôi nhận ra cách làm việc của người Việt Nam rất khác với người Đức. Nếu người Đức thẳng thắn, sòng phẳng bày tỏ điều họ không thích thì những va chạm như vậy tại Việt Nam chưa chắc đã tốt. Nhiều lúc mình phải hạn chế, không trình bày ý kiến quá thẳng thắn.
Tôi cho rằng để có thể thực hiện tốt chức năng quản lý, trước hết phải biết lắng nghe, tiếp theo phải xác định được ý nghĩa thực sự của những điều nghe được. Tại Zalora, chúng tôi có những buổi họp định kỳ hàng tháng, được gọi là “360 độ” dành cho các quản lý. Mọi người có thể nói hoặc viết ra những điều khúc mắc, các ý kiến của mình về tất cả các vấn đề trong hoạt động của công ty.
Nhờ nghe và đọc kỹ tất cả những nhận xét của nhân viên, tôi nhận ra nhiều lúc mình hơi nóng tính và đòi hỏi nhân viên quá cao. Khi bị đánh giá là không đạt yêu cầu, mọi người sẽ dễ bị mất cảm hứng làm việc. Vì vậy về sau, vào những lúc tình huống hơi căng thẳng thì tôi chọn cách dừng lại, để cơn căng thẳng trôi qua thì mới quay trở lại giải quyết vấn đề.
* Như chị đề cập, người Việt có thói quen không nói ra hết những gì mình nghĩ. Vậy thì ngoài biết lắng nghe, quản lý nên làm gì để nhân viên thực sự nói ra điều họ đang nghĩ, theo chị?
- Đúng là nhân viên nhiều lúc rất sợ sếp. Đến tận hôm nay tôi tin rằng kể cả tại công ty cởi mở nhất - nơi việc bày tỏ ý kiến cá nhân không ảnh hưởng gì đến chính cá nhân đó thì vẫn còn nhiều người không dám nói hết ý kiến của mình. Để giải quyết điều này cần sự thay đổi nhận thức từ cả hai phía. Trong đó, vai trò lớn nhất thuộc về người quản lý - tạo môi trường cho nhân viên chia sẻ ý kiến. Tôi rất quan tâm đến việc tạo ra văn hóa này cho Zalora. Tôi muốn mọi người cảm nhận được rằng tất cả các ý kiến đều được quan tâm, bất kể đó là của thực tập sinh, người quản lý hay một nhân viên bình thường. Quản lý phản hồi càng nhiều thì nhân viên càng tự tin để chia sẻ.
* Ngoài tinh thần cởi mở, những điều gì đang tạo nên văn hóa Zalora hiện tại?
- Văn hóa của Zalora thực sự không khác nhiều văn hóa những start-up khác. Điều mà tôi có thể tự tin tự hào là ở Zalora luôn có cơ hội cho những ai muốn thử thách bản thân. Zalora có văn hóa cởi mở, nên một nhân viên mới có thể đi vào bất kỳ bộ phận nào để tìm hiểu công việc của bộ phận đó, và mọi người đều sẵn sàng chia sẻ. Vì vậy, tại Zalora, có những bạn làm PR nhưng hiểu rất sâu về logistic.
Điều này giúp và làm cho mọi người thấy mình hiểu rõ về công ty. Mặt khác, mọi người cũng sẽ tự hào về công việc của mình. Quan trọng hơn là mỗi nhân sự đều hiểu rõ nếu mình có nhiều cơ hội để học hỏi và phấn đấu. Đối với tôi, sự chia sẻ rất quan trọng. Tôi không ngại chia sẻ về số liệu của công ty với các nhân viên. Vì tôi nghĩ nếu mỗi người chỉ tập trung vào công việc mình đang làm, không hiểu được bức tranh tổng thể thì người ta sẽ không có động lực làm việc. Khi được nhìn bức tranh chung, mọi người sẽ thấy các mảng nhỏ ghép vào nhau như thế nào, hiểu vai trò và sự liên kết giữa các bộ phận, thấy và tự hào mình là một phần trong bức tranh đó.
* Vậy sau khi đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, tiêu chí tuyển dụng của chị là gì?
- Zalora chủ yếu tìm những người ý chí. Vì ý chí là điều không thể đào tạo được. Nếu một người không có ý chí, không muốn làm nhiều, không muốn trở thành người thành công, không có đường hướng thì rất khó để đào tạo. Với tôi, tìm được những người có ý chí muốn học hỏi là điều rất đáng quý. Điều thứ hai chúng tôi cần ở ứng viên là khả năng phân tích. Năng lực này sẽ giúp một người không chỉ nhanh chóng giải quyết công việc một cách bình thường mà còn đương đầu được với thử thách lớn phát sinh trong quá trình làm việc. Và cuối cùng, ứng viên phải hòa đồng với mọi người, không đặt cái tôi lên quá cao.
Zalora không chú trọng nhiều đến chuyên môn, chuyên ngành học của ứng viên, vì đó là điều có thể đào tạo được. Phương Anh trước khi về Zalora chưa hề học về kinh tế, thậm chí không biết Excel hay PowerPoint là gì, nhưng vẫn làm việc được. Tôi không đặt nặng yếu tố kỹ năng hay kiến thức, vì tin rằng nếu người ta có ý chí thì sẽ làm được điều mà mình mong muốn.
* Chị đã nói rằng chị đánh giá cao những người có ý chí muốn học hỏi. Trên thực tế có những người sau một thời gian gắn bó với một công ty, khi cảm thấy đã không còn gì để học nữa thì chuyển việc sang nơi khác, để học tiếp. Chị nghĩ thế nào về điều này?
- Không phải một nhân viên cứ phải ở với mình 10 năm mới là một nhân viên tốt. Có những người chỉ gắn bó với mình 3 năm là đi rồi, nhưng cũng không thể nói là họ không tốt. Có nhiều nhân viên tôi rất thân, họ rất thông minh, tôi rất muốn họ gắn bó với công ty, nhưng tôi biết chắc là ngày nào đó họ cũng sẽ đi thôi, vì không có ai chung thủy 100% với một công ty không phải của mình được. Người quản lý phải tự hiểu là những người có năng lực bao giờ cũng muốn bước tiếp và lên cao hơn.
* Vậy thì Zalora có chiến lược nào để giữ chân người giỏi?
- Tôi nghĩ, cái hay của start-up là người ta luôn luôn tìm thấy điều mới để học hỏi cũng như phát triển bản thân mình. Vì cơ cấu của một start-up rất linh hoạt và luôn có điều mới để học, nên sẽ có đủ không gian để luân chuyển nhân sự. Phương Anh cũng đã đổi qua 3 vị trí khác nhau trong Zalora.
Ngoài ra, do nằm trong một tập đoàn lớn là The Zalora Group, có chi nhánh hoạt động ở 7 thị trường khác nhau trong khu vực, chúng tôi cũng có rất nhiều cơ hội dành cho nhân viên đến chi nhánh của Zalora ở những nước khác để học hỏi, tham gia vào những khóa huấn luyên ngắn hạn hoặc làm việc lâu dài. Tôi nghĩ đây cũng là một trong những điểm hay giúp chúng tôi giữ các nhân viên giỏi gắn bó với mình lâu hơn.
Một cách nữa là công ty công khai định hướng đào tạo lực lượng kế cận cho các cá nhân tiềm năng. Nhân viên, nhất là người tài, cần cảm nhận được những đóng góp của cá nhân họ tác động như thế nào đến thành công chung của công ty. Hàng năm, Zalora có hai buổi đánh giá nhân viên. Trong đó, mỗi quản lý chọn ra một nhân viên giỏi nhất, cùng nhân viên đó phác thảo và lập kế hoạch để đạt được mục tiêu phát triển sự nghiệp tương lai của họ.
Nếu làm được những điều trên, tôi nghĩ, doanh nghiệp sẽ giữ được nhân sự giỏi ở lại lâu hơn với mình.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!