Carnegie ra đời không có bà đỡ do nhà quá nghèo. Lần đầu đi làm thuê, ông được trả 2 xu/giờ nhưng về sau, có ngày ông sinh lãi 400 triệu USD/giờ. Ông thừa nhận mình không giỏi chuyên môn nhưng có nhiều tài chinh phục lòng người. Những kinh nghiệm của ông đã trở thành những bài học kinh điển cho các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.
Thuật “dẫn dụ” người khác
Carnegie có hai đứa cháu rất vô trách nhiệm, đi học xa nhưng không viết thư cho mẹ khiến cả gia đình lo lắng. Chuyện đến tai Carnegie. Ông liền viết thư cho cháu, hỏi thăm tình hình học hành và tái bút: “Gửi cho mỗi cháu 50 USD”. Nhưng ông giả vờ quên, không kèm theo tiền trong thư. Tức thì, hai cháu gửi thư cho chú, tâm sự và kể hết tình hình của mình. Dĩ nhiên là cuối thư có nhắc: “Chú ơi, chú có đề cập đến số tiền…”.
Theo Carnegie, muốn dẫn dụ người khác trước hết nhà lãnh đạo phải gợi trong lòng họ ý muốn nghe theo mình.
Carnegie lấy tên hội trưởng một công ty xe lửa để đặt tên cho một xưởng lớn sản xuất thép của mình. Nhờ vậy mà công ty xe lửa đó trở thành “khách hàng thân thiết” mua đường ray xe lửa của Carnegie. (Ảnh minh họa)
|
Thuật “gọi tên"
Khi còn là đứa trẻ nghèo ở nông thôn Scotland, Carnegie bắt được con thỏ cái. Không lâu sau, cô thỏ này sinh được một đàn con nhưng Carnegie không tìm được thức ăn cho chúng. Ông nảy ra một kế: Nhờ những đứa trẻ hàng xóm đi góp nhặt rau củ cho thỏ. Bọn trẻ vô cùng sẵn lòng làm chuyện này khi Carnegie đề xuất: “Ai giúp tớ thì tớ sẽ dùng tên người ấy gọi những con thỏ con”.
Khi bắt đầu bước vào thương trường, ông lại dùng thuật đó. Ông lấy tên hội trưởng một công ty xe lửa để đặt tên cho một xưởng lớn sản xuất thép của mình. Nhờ vậy mà Carnegie sinh lời rất nhanh khi công ty xe lửa đó trở thành “khách hàng thân thiết” mua đường ray xe lửa của Carnegie.
Cái tài nhớ được và kính trọng tên bạn bè, đối tác, nhân viên… là một trong những bí quyết làm cho ông nổi danh. Ông từng khẳng định mình có thể nhớ được tên hàng trăm nhân công và khoe rằng ngày nào ông còn đích thân chỉ huy xí nghiệp thì ngày đó công ty không hề có cuộc đình công nào cả.
Không kiệm lời khen nhân viên
Carnegie chỉ có bốn năm đi học nên trong chuyên môn ngành luyện thép ông rất kém. Ông không giấu diếm chuyện này mà nhiều lần thừa nhận: “Xung quanh tôi có nhiều trợ thủ, họ hiểu biết hơn tôi nhiều. Công việc của tôi chỉ là đốc thúc họ góp nhặt thật nhiều tiền”. Một cộng sự đắc lực của ông chính là triệu phú Charles Schwab.
Cũng như Carnegie, Schwab có "tài năng" rất đặc biệt: Biết khen ngợi và không kiệm lời khen với các nhân viên. Schwab nói: “Tôi kém chuyên môn nhưng có tài khơi gợi được lòng hăng hái ở mọi người. Lời chỉ trích của các sếp chỉ tiêu diệt sự tận tâm của nhân viên. Tôi luôn sẵn sàng khen ngợi nhân viên một cách thật thà và rất dè dặt trong lời chỉ trích”.
Carnegie biết cách ca tụng nhân viên kể cả trước mặt lẫn lúc họ vắng mặt. Ông còn ca tụng họ cả khi ông chết. Bằng chứng là trên bia mộ ông khắc rõ: “Đây là nơi an nghỉ ngàn thu của một người biết tổng hợp sức mạnh của những người thông minh hơn mình”.
Không kiệm tiền bạc
Andrew không hưởng phú quí một mình mà san sẻ cho nhiều người, bởi theo ông, “nhân viên là người góp nhặt tiền cho mình”. Số lượng các triệu phú làm việc cho tập đoàn của ông nhiều hơn bất cứ một tập đoàn nào khác từ trước đến nay. Ông còn quyên góp 60 triệu USD cho thư viện quốc gia, 78 triệu USD cho giáo dục, tặng các giáo đường 7.000 đàn piano…