Tổng giám đốc LP Group: Dừng sáng tạo sẽ thất bại

"Không nhầm lẫn giữa các giá trị”, có lẽ đây là một phần "tinh quái" trong tư duy của Tổng giám đốc LP Group Nguyễn Liên Phương. Theo cách nghĩ của ông, doanh nhân là người mở đường, tự tìm ra con đường cho mình và hướng dẫn, khích lệ đội ngũ đi theo con đường ấy. Sự vất vả của người mở đường cũng chính là niềm vui sáng tạo nên những giá trị mới.

Tổng giám đốc LP Group Nguyễn Liên Phương

* Theo ông, điều gì là quan trọng nhất mà một doanh nhân cần phải có và cần phải giữ?

- Năng lực tổ chức và truyền cảm hứng để doanh nghiệp luôn sáng tạo ra những giá trị mới. Thị trường hội nhập cạnh tranh rất khốc liệt, đòi hỏi người làm kinh doanh phải có năng lực sáng tạo, phải liên tục tạo ra hàng hóa và dịch vụ mới, đem lại giá trị ngày càng cao hơn cho người tiêu dùng. Nhà khoa học và nghệ sĩ cũng sáng tạo, nhưng nếu một ngày nào đó họ dừng sáng tạo thì với những tác phẩm để đời, họ vẫn là nhà khoa học và nghệ sĩ tài năng. Doanh nhân thì khác, nếu một ngày nào đó doanh nghiệp của họ dừng sáng tạo, nó sẽ chết, và doanh nhân trở thành một kẻ thất bại.

* Ông đánh giá thế nào về vai trò của doanh nhân trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu?

- Tôi nhìn thấy rõ con đường doanh nhân Việt cần phải đi để có thành công bền vững, và trách nhiệm của họ trước vận mệnh của đất nước trong hội nhập kinh tế. Ba mươi năm qua, khi đất nước đổi mới, cơ hội kinh doanh mở ra, nhiều người vì nghèo mà lao vào kiếm tiền bằng mọi cách, mọi giá. Khi trở thành doanh nhân, có tiền, họ quên mất giá trị thật của mình, lấy tiền làm thước đo, làm sai lệch hình ảnh cao quý của doanh nhân.

Ông Nguyễn Liên Phương:

- Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, từng là cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng của Trường.

- Hiện là người điều hành LP Group, bao gồm: Công ty LP Design tại Sydney (Úc); Công ty Cổ phần LP Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm mỹ thuật trang trí thương hiệu LP tới trên 60 quốc gia; Học viện Doanh nhân LP Việt Nam.

- Ông cùng nhóm cộng sự đã nghiên cứu và công bố Lý thuyết Kinh tế hình ảnh; Mô hình Đàn chim bay.

Ngày nay, khi đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, chỉ những doanh nhân có đủ tố chất sáng tạo, có tấm lòng rộng mở mới có thể vươn lên làm chủ cuộc chơi. Một quốc gia muốn đi tới phồn vinh phải sở hữu được một đội ngũ doanh nhân có đủ tâm và tài. Tiếc là chúng ta thiếu sự chuẩn bị cho việc hình thành một đội ngũ như vậy. Nhìn vào lực lượng doanh nhân Việt đông đảo lên đến cả triệu người hôm nay, những người có khả năng làm chủ cuộc chơi hội nhập rất ít.

Nhiều người tuy là ông chủ Việt, nhưng lại đang mải miết làm thuê, bán hàng thuê cho các ông chủ nước ngoài ngay trên quê hương mình - dải non sông gấm vóc mà cha ông chúng ta đã đổ biết bao xương máu mới gìn giữ được. Trong con số 150 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam năm 2014, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 30%, chủ yếu là giá trị tài nguyên, nguyên liệu thô, nguyên liệu sơ chế và gia công lắp ráp. Tức là bán mồ hôi của người lao động Việt cho nước ngoài. Hàng hóa, dịch vụ do người Việt Nam sáng tạo ra, mang thương hiệu Việt hầu như vắng bóng trên thị trường thế giới. Bất cứ doanh nhân nào có tấm lòng với đất nước, với lịch sử anh hùng của dân tộc đều nhận thấy món nợ mà mình có trách nhiệm góp phần trả.

* Ông có thể nói rõ hơn về điểm mạnh của Mô hình Đàn chim bay. Tại sao trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ông và LP lại chọn mô hình này?

- Loài chim nhờ bay theo đàn mà vượt được quãng đường rất xa, nếu chỉ một vài con thì không thể bay xa được như vậy. Doanh nghiệp Việt hiện tại phần đông nhỏ và yếu, không thể tự mình chống chọi trên thương trường hội nhập với tư cách một thương hiệu. Phải có một lực lượng đông đảo cùng tham gia mới tạo nên một cuộc chơi lớn đủ sức cạnh tranh.

Tôi hiểu quá trình xây dựng nên một đàn chim Việt như vậy là vô cùng gian nan và sẽ còn mất thêm nhiều thời gian, nhưng đàn chim nào cũng hình thành từ những cánh chim đầu tiên. Học viện Doanh nhân LP Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm và hỗ trợ, động viên những cánh chim tiên phong đem thương hiệu Việt ra thị trường thế giới.

* Từ Lý thuyết Kinh tế hình ảnh đến Mô hình Đàn chim bay, gần như ông chủ trương lãnh đạo bằng chủ thuyết?

- Tư duy sáng tạo là một loại nguồn lực có sức lan tỏa rất lớn. Doanh nhân là những người rất cô đơn trong các quyết định kinh doanh của mình, họ cần sự hỗ trợ về tinh thần, về một hướng đi đúng đắn trên thương trường nhiều chông gai. Lý thuyết Kinh tế hình ảnh tôi chia sẻ với doanh nhân là sự tổng kết xu hướng cạnh tranh hữu hiệu nhất trên thị trường hội nhập. Và rất vui là nhiều doanh nhân đã áp dụng thành công lý thuyết này vào thực tiễn kinh doanh.

* Chân thành cảm ơn ông!


  • 30/03/2015 02:03
  • Nguồn bài và ảnh: Trí thức trẻ
  • 1248


Gửi nhận xét