Tổ chức quản lý và hoạt động của mạng lưới An toàn, vệ sinh viên trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban Thường vụ Công đoàn Điện lực Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị Liên tịch số 6799/CTLT-EVN-CĐĐVN ngày 29/11/2022 hướng dẫn việc tổ chức quản lý và hoạt động của mạng lưới An toàn, vệ sinh viên trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.

ATVSV trong mạng lưới ATVSV của đơn vị sẽ được tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động.

Việc thống nhất tổ chức quản lý và hoạt động của mạng lưới An toàn, vệ sinh viên (ATVSV) trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam sẽ giúp cho công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được thực hiện ngày càng tốt hơn, đồng thời giảm thiểu, phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong sản xuất, kinh doanh; không ngừng cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Bên cạnh đó, việc này sẽ đảm bảo, phát huy vai trò của người lao động và tổ chức Công đoàn trong công tác ATVSLĐ, đảm bảo tổ chức và duy trì hoạt động của ATVSV ở các vị trí, nơi sản xuất, làm việc đáp ứng theo yêu cầu về ATVSLĐ; đảm bảo trách nhiệm của ATVSV theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, mỗi tổ/đội sản xuất (gọi chung là tổ sản xuất) phải có ít nhất 01 ATVSV. Những tổ sản xuất hoạt động phân theo ca hoặc có số lượng từ 15 người trở lên phải bố trí thêm nhưng không quá 3 ATVSV. Những công việc phân tán theo nhóm từ 5 người trở lên và những công việc thường xuyên dài ngày theo nhóm từ 2 người trở lên ưu tiên bố trí có ATVSV.

Định kỳ 2 năm, Công đoàn cơ sở quyết định số lượng ATVSV của từng tổ sản xuất phù hợp với tình hình thực tế và hướng dẫn về thời gian, trình tự, thủ tục để Tổ công đoàn/Công đoàn bộ phận họp bầu ATVSV. Số lượng người trong tổ được triệu tập để tham gia bầu phải trên 50%.

ATVSV có nghĩa vụ đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ sản xuất chấp hành nghiêm chỉnh quy định về ATVSLĐ, bảo quản các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; Giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, nội quy ATVSLĐ, phát hiện những thiếu sót, vi phạm về ATVSLĐ và những trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư, chất, nơi làm việc.

ATVSV có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ về biện pháp mà người sử dụng lao động tiến hành để đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc; Yêu cầu người lao động trong tổ ngừng làm việc để thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ nếu thấy có nguy cơ trực tiếp gây sự cố, tai nạn lao động và chịu trách nhiệm về quyết định đó; Được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp hoạt động.

Về chế độ chính sách, mỗi ATVSV được dành một phần thời gian làm việc tương đương ít nhất một ngày làm việc trong tháng để thực hiện nhiệm vụ ATVSV; được hưởng phụ cấp trách nhiệm, mức phụ cấp do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn thống nhất thỏa thuận và được ghi trong quy chế hoạt động của mạng lưới ATVSV.

Hằng năm, tất cả ATVSV trong mạng lưới ATVSV của đơn vị được Công đoàn cơ sở hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp chuyên môn tổ chức tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động dành riêng cho ATVSV, đồng thời, tùy tình hình thực tế sản xuất có thể tổ chức học tập kinh nghiệm giữa các đơn vị. 

Chi tiết nội dung Chỉ thị Liên tịch số 6799/CTLT-EVN-CĐĐVN tại đây.


  • 01/12/2022 09:00
  • Thanh Huyền
  • 5379