Triết lý “phát triển xanh” và không gian xanh tại công sở

"Xanh" là một từ khóa quan trọng hàng đầu hiện nay trên thế giới. Từ "Xanh" có trong các báo cáo, các chiến lược, quy hoạch phát triển, chính sách của Liên Hiệp Quốc, của các quốc gia, các địa phương và doanh nghiệp…

Từ quan điểm, lối sống cá nhân, cộng đồng cho đến tất cả các lĩnh vực hoạt động văn hóa – xã hội và hàng hóa, dịch vụ cụ thể… đều không thể thiếu khái niệm  “xanh”. Ví dụ: công nghệ xanh, năng lượng xanh, kiến trúc xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh, đô thị xanh, ngân hàng xanh…

Màu xanh không chỉ là biểu tượng cho sự sống và hòa bình mà còn là chỉ số đánh giá về môi trường sống và làm việc an toàn, thân thiện, hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, kết nối văn hóa với hệ sinh thái tự nhiên – xã hội.

Đối với doanh nghiệp, màu xanh còn được thể hiện trong triết lý phát triển và thái độ làm việc của mọi thành viên. Trong xây dựng, quản trị văn hóa doanh nghiệp, các DN cần đưa từ “xanh” vào trong sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của mình, qua đó thể hiện quyết tâm phấn đấu thực hiện trách nhiệm xã hội của DN về bảo vệ môi trường sinh thái và các trách nhiệm xã hội khác.

Qua các vụ việc như: Công ty Vedan xả chất độc hại ra sông Thị Vải;  Formusa xả thải trực tiếp bằng ống ngầm ra biển; cá chết bất thường ở biển miền Trung… đã cho thấy, chúng ta phải trả một cái giá quá đắt cho những sai lầm khi đầu tư, phát triển kinh tế mà không tính đến hậu quả hủy hoại môi trường sống, không tuân thủ triết lý “phát triển xanh”.  

Theo logic của sự sống và của khoa học quản trị DN, triết lý “phát triển xanh” và công nghệ xanh là điều kiện không thể thiếu để phát triển ổn định và bền vững.

Bởi trên thực tế, nhiều cây cảnh có tác dụng thanh lọc không khí trong nhà, có lợi cho sức khỏe. Thêm nữa, cây xanh trong không gian làm việc còn có tác dụng tạo cảm giác dễ chịu, thư thái, giảm stress cho người lao động, đặc biệt là lao động trí óc.

Khi cả DN hay cộng đồng đều quý trọng, chăm sóc cây xanh, thì trong tâm thái của họ đã ít nhiều hướng tới đạo lý, triết lý “phát triển xanh”, từ đó, hình thành trong tâm thức họ cam kết thực hiện trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.

Trong văn hóa dân tộc truyền thống có quan điểm “chơi cây dưỡng tâm, chơi chim cá dưỡng trí, chơi cổ vật thì dưỡng thần…”. Như vậy, môi trường làm viêc xanh – sạch – đẹp là yếu tố không thể thiếu trong văn hóa doanh nghiệp mà xã hội hiện đại đang hướng tới.

Nhận thức được 3 vai trò và lợi ích từ môi trường xanh, không gian xanh, nhiều DN, văn phòng đã trồng và trang trí cây xanh cả ngoài và trong phòng làm việc. Tuy nhiên, việc trồng cây gì, ở đâu cần được bố trí một cách khoa học và thẩm mỹ mới đạt  hiệu quả cao.

Yếu tố phong thủy cũng cần được tính đến, nhưng nếu không tỉnh táo, dễ bị sa vào trạng thái mê tín dị đoan hoặc bị rơi vào bẫy của các thầy phong thủy “dỏm”. Theo tôi, việc quy hoạch cây xanh cũng cần dựa trên các giá trị cốt lõi của VHDN, thường theo các nguyên tắc chung là: thân thiện, đơn giản, hài hòa, tránh  cầu kỳ, tốn kém.

Một khó khăn sẽ xuất hiện là chăm sóc cây xanh như thế nào và ai chịu trách nhiệm? Nhiệm vụ này cũng đòi hỏi người làm có kiến thức và sự cần cù, chăm chỉ. Nếu thuê người ngoài làm, CBCNV sẽ không vất vả , song sẽ mất cơ hội rèn luyện, vun trồng thái độ và kỹ năng theo triết lý phát triển xanh.

Theo tôi, cho dù chọn phương án thuê ngoài, các văn phòng cũng nên có quy định mỗi tháng có một vài buổi nhân viên dành thời gian chăm sóc cây xanh dưới hình thức hoạt động tập thể. Như vậy, tạo dựng, chăm sóc không gian xanh, gìn giữ môi trường xanh – sạch – đẹp tại công sở sẽ trở thành nét đẹp trong VHDN, góp phần  vào việc phát triển bền vững của DN.


  • 02/08/2016 04:39
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 2390