Doanh nhân Việt kiều Phạm Minh Nam
|
Đến Anh năm 1980 khi trong tay chỉ vỏn vẹn có 10 đô la, bằng nhiều nỗ lực, ông Nam đã gây dựng được cơ nghiệp khá lớn là New World Fashion Group, gia công sản phẩm thời trang nữ cho các hãng danh tiếng như Mango, Mackay, Primark, M & CO. Dunnes, Esprit và cung cấp hàng với nhãn hiệu riêng cho các siêu thị lớn tại Anh và Việt Nam như Next, Mark & Spencer, Metro...
Đối với cộng đồng người Việt tại Anh, ông được coi là doanh nhân thành đạt nhất với nhiều biệt danh như Nam London, Nam Đông Tài, Nam tỉ phú. Ông chia sẻ: "Để có được ngày hôm nay, mình đã phải lao động cật lực trong suốt 20 năm kể từ ngày đặt chân lên nước Anh".
Ông đã tích cóp từng đồng tiền công ít ỏi từ việc đi làm thuê cho các chủ xưởng may người Do Thái ở London và nhờ cần cù và năng động, ông dần học được kinh nghiệm làm ăn của những người chủ.
Khi có được một chút vốn nho nhỏ, ông mở một xưởng gia công sản phẩm may mặc cho các hãng may của người Do Thái. Đến năm 1988, ông đã giao hàng cho hơn 10 hãng may, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người Việt tại London. Khi đã có một lượng khách hàng đáng kể tại Anh, ông tiếp tục mở rộng công việc làm ăn với các đối tác tại châu Âu và một số nước Đông Âu. Đến năm 1990, ông Nam đã thành lập Tập đoàn New World Fashion Group.
Sau nhiều lần về thăm quê hương, ông đã chuyển hướng đầu tư về Việt Nam. Năm 1998, nhà máy may mặc đầu tiên của Tập đoàn New World Fashion Group là Đông Tài được xây dựng tại Khu công nghiệp Phú Thái (Hải Dương).
Từ mục tiêu ban đầu là chuyển giao công nghệ sản xuất về Việt Nam với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài và gia công hàng cho đối tác Anh và châu Âu, đến nay các nhà máy do ông Nam đầu tư đã chủ động được công nghệ sản xuất và cung cấp cho thị trường các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường, các sản phẩm may mặc do tập đoàn của ông Nam sản xuất vẫn đứng vững nhờ chất lượng và uy tín trong giao dịch. Ông Nam cho biết: “Trước đây, tôi chỉ mơ ước cung cấp sản phẩm cho tất cả các cửa hàng thời trang ở Anh. Nhưng đến nay, tôi đã làm được hơn cả điều ấy khi những siêu thị lớn tại Anh và nhiều cửa hàng khác ở châu Âu đã chấp nhận hàng của New World Fashion. Ngoài các thị trường và đối tác truyền thống, hiện New World Fashion đã triển khai kế hoạch mở rộng tới thị trường các nước châu Phi và Trung Đông”.
Ông chia sẻ: “Muốn làm việc gì thành công cũng phải cần cù, chịu khó, cầu tiến, suy nghĩ kỹ càng và tự tin khi ra quyết định. Với ngành may mặc, phải biết bán những thứ khách hàng cần chứ không bán thứ mình có”.
Đối với các doanh nhân mới lập nghiệp, ông Nam khuyên hãy kinh doanh bằng khả năng nhạy bén với thời cơ và thị trường cùng chiến lược bài bản và dài hạn. Đừng mong chờ vào may mắn vì nếu may mắn thì chỉ được một vụ, một mùa, một năm chứ không thể kéo dài 10 - 15 năm được. Nếu tính toán không đúng, thiệt hại sẽ rất lớn, sẽ khiến khách hàng mất niềm tin. Và để lôi kéo họ lại thì rất khó.
Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh, ông cho rằng, để thu hút mạnh hơn nữa các doanh nghiệp Việt kiều về nước đầu tư, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách hành chính và cũng cần có các chính sách ưu đãi cụ thể dành cho doanh nhân là kiều bào.